Nhân dịp tưởng nhớ 50 năm ngày mất của Liệt sĩ - Thiếu tướng Lê Chưởng (1973-2023), ngày 26/11, Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh (CCB) Quân khu Trị Thiên và gia đình tổ chức lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Liệt sĩ - Thiếu tướng Lê Chưởng tại thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).
Là một tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, ông Lê Chưởng còn sáng tác văn học mà nổi bật là tập ký “Đất nước vào xuân”, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1979.
Trong trang đầu tiên của tập ký “Đất nước vào xuân”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân có lời giới thiệu trang trọng: “Đất nước vào xuân” là tập ký của đồng chí Lê Chưởng viết về những sự kiện trong phong trào cách mạng và những trận chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà tác giả đã được chứng kiến trong quá trình hoạt động của mình.
Qua tập ký này, tác giả ca ngợi sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, sự trưởng thành và thắng lợi của cách mạng, ca ngợi lòng trung thành của cán bộ, tinh thần dũng cảm, trí thông minh của quần chúng cách mạng một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ chiến đấu và chiến thắng...”.
Tập ký có độ dày gần 500 trang, khổ sách 12 x16 cm, vuông vắn như một chiếc bánh chưng, có thể bỏ lọt trong túi phụ của chiếc ba lô người chiến sĩ đi khắp các chiến trường. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã có nhận định sâu sắc: “Đất nước vào xuân” là một tập sách nằm trong hệ thống sách phản ánh cuộc chiến đấu anh hùng 30 năm của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, với hy vọng góp một phần nhỏ vào việc nghiên cứu lịch sử, giáo dục bản chất truyền thống cách mạng, cổ vũ và nâng cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tin tưởng của Nhân dân ta tiến lên giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...”.
Sách được phân ra 10 phần, theo từng mạch chuyện mà tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc. Đầu tiên là phần “Tôi đi tìm lý tưởng”, “Lên đường thắng lợi”, “Người trước ngã người sau tiến lên”, “Những ngày vượt ngục”, “Dựa vào Nhân dân giữ vững kháng chiến”, “Trên một chặng đường”, “Bao vây Hồng Cúm”... cho đến phần tâm đắc nhất, ông dùng để đặt tên chung cho cả tập ký là “Đất nước vào xuân” và phần cuối với bao cảm xúc thân thương, xúc động, tự hào khi ông ghi lại những thời khắc “Thăm quê hương giải phóng”.
Trong phần “Tôi đi tìm lý tưởng” viết từ tháng 10/1959, tác giả Lê Chưởng đã cắt nghĩa một cách thuyết phục tại sao ông lại chọn con đường cách mạng để tranh đấu và cống hiến. Ông viết: “Sau một tháng bị tra hỏi ở sở mật thám, chúng tôi bị hai người lính dẫn đến lao tỉnh. Bị tống giam vào nhà lao, được mặc cái áo xanh “quốc sự phạm” chính cống, điều đó không làm cho chúng tôi buồn, mà lại làm cho chúng tôi hãnh diện. Tôi cảm thấy trên con đường mờ ảo chập choạng mà tôi đang mò mẫm bấy lâu nay, hôm nay là ngày dẫn tôi đến chỗ có ánh sáng mặt trời...”.
Ông kể rằng trong những năm 1928-1929, giữa thị xã Quảng Trị xuất hiện một hiệu buôn “Hưng Nghiệp Hội Xá” của một người có lòng yêu nước và cũng là nơi liên lạc của một số người trong Việt Nam Thanh niên đồng chí hội. Những học sinh khao khát tự do như ông thường đến đây mượn và đọc sách báo tiến bộ. Báo chí thường mang đến cho ông và các bạn ông những tin tức thời sự nóng hổi khắp trong Nam, ngoài Bắc. Rồi những vụ khủng bố xảy ra trong tỉnh. Tiếp đó là những tờ truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương bất ngờ xuất hiện trên bàn học, trước sân trường, kêu gọi thợ thuyền, dân cày đứng dậy “đả đảo đế quốc Pháp”, “đả đảo Nam triều phong kiến”, “đòi bỏ sưu thuế”, “đòi chia ruộng đất cho dân cày”...
Đến đây, ông viết với một tâm trạng hào sảng, phấn chấn: “Trời đất như đang chuyển cơn sóng gió. Lòng chúng tôi sôi lên với những tin tức thời sự mới lạ. Bọn thanh niên chúng tôi đang bị cuốn vào trong luồng gió của những trận bão táp. Tôi muốn chạy ngay về nhà, báo cho cha mẹ biết rằng: “Cha mẹ ơi, con không muốn đi học nữa đâu! Con muốn đi theo cụ Phan! Con muốn đi theo ông Nguyễn Thái Học! Con muốn theo Đảng Cộng sản Đông Dương!”...
Giữa lúc ấy thì tôi và hai người bạn học nữa bị bắt. Bọn mật thám lấy được ở nhà trọ của chúng tôi nhiều tài liệu, từ báo “Tiếng dân” đến thơ của cụ Phan, từ sách Quốc dân đảng đến truyền đơn cộng sản, lại có cả một tờ báo “Tiến lên” in bằng thạch từ nhà lao Quảng Trị đưa ra...”.
Liệt sĩ - Thiếu tướng Lê Chưởng sinh ngày 1/10/1914 tại thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Ông tham gia cách mạng năm 1929 khi mới 15 tuổi. Liệt sĩ Lê Chưởng mất ngày 25/10/1973 trên đường đi công tác, an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Trong sự nghiệp vẻ vang của mình, ông Lê Chưởng đã từng đảm nhận các chức vụ: Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ; Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu IV; Chính ủy Đại đoàn 304; Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào; Chính ủy Quân khu Trị Thiên; Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1959); Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Giáo dục.
Trong từng chặng đường chiến đấu và công tác, ông đều có ghi lại những dấu ấn, kỷ niệm đậm nét qua tập ký “Đất nước vào xuân”. Tuy vậy, người đọc vẫn rưng rưng khi phần ông viết dành tặng quê hương sau ngày giải phóng vào tháng 9/1972. Theo chân ông, quê hương Quảng Trị hiện lên thật gần gũi, gian khổ và hào hùng: “Chúng tôi vừa đi qua hết khu phòng tuyến Mắc Namara cũ thì trời sáng hẳn. Trời hôm nay đẹp lắm. Bình minh dịu mát tỏa sáng đồng ruộng, dang rộng đôi cánh đón chào người thân. Sau mấy chục năm trời hoạt động cách mạng, hôm nay là ngày đầu chúng tôi trở lại tỉnh nhà. Tất cả những gì quen thuộc nơi đây đang được thức dậy trong trí nhớ của con người đã sống xa quê hương gần nửa đời người. Kia là làng Lâm Xuân, dựa lưng bên sông Bến Ngự, cần cù dệt những tấm chiếu cói mềm dịu. Kia là làng Cang Gián, Xuân Mỵ, Diêm Hà chuyên nghề đánh cá và làm muối. Kia là làng Cát Sơn ngồi cheo leo bên sóng nước Cửa Tùng, quê hương của nghề chạm trổ và khảm xà cừ. Và đằng xa tít tắp tận chân trời kia là vùng đất đỏ, trước kia những rừng chè nương mít, những vườn hồ tiêu phủ kín núi đồi một màu xanh mát mắt...”.
Đau lòng trước sự hoang tàn, đổ nát của quê hương do hậu quả chiến tranh tàn khốc, ông vẫn xác tín một niềm tin về ngày thắng lợi cuối cùng của quê hương, đất nước: “Cái gì còn lại, không thay đổi trên mảnh đất thân yêu này? Phải chăng đó là ngọn núi Mai Lĩnh xa xa, từ dãy Trường Sơn đang nhìn xuống. Và cái còn lại to lớn nhất, huy hoàng nhất, mà năm tháng gió mưa không làm mòn đi được là tinh thần chiến đấu bền bỉ, không mệt mỏi của con người chống lại kẻ thù hung bạo nhất”...
Con người chống lại kẻ thù hung bạo nhất đó chính là những con người bình dị, chân chất, kiên cường mang phẩm tính cao đẹp Quảng Trị, như cô du kích mà tác giả đã lắng nghe anh xã đội trưởng kể lại: “ Cô du kích ấy mồ côi cha mẹ từ khi 13 tuổi. Cha, mẹ, anh, chị, em đều chết vì bom đạn hoặc thất lạc chưa tìm ra. Chính bàn tay út đã đào cái hầm bí mật này. Chính út đêm đêm lội qua sông xin gạo về nuôi cả tiểu đội du kích. Chính út vào các khu tập trung làm liên lạc lấy tin tức cho cán bộ...”.
Ông Lê Chưởng kết lại tập ký “Đất nước vào xuân” trong câu chuyện kể về những người dân quê mình với sự khẳng định chắc nịch: “Và hôm nay, út và các đồng chí của út đã là người chiến thắng, người làm chủ trên mảnh đất thân yêu này...”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)