Tiểu thư đi xe đạp đầu tiên ở Huế

Nguyễn Lương Phán |

Một tiểu thư con quan lớn chịu thất học về quê làm ruộng nuôi con cho chồng là Giáo sư y tế hàng đầu tại Bệnh viện Bạch Mai, đến cuối đời, tuổi đã rất cao tưởng được an nhàn thì lại tự mình chăm sóc chồng nằm liệt suốt mấy năm liền... Vậy mà đọc cuốn Thơ văn chọn lọc - Nguyễn Thị Thiếu Anh, mới thấy mạch văn bà vẫn rất sáng, cái nhìn cuộc đời của bà vẫn rất nhân hậu.


Bây giờ thì những cô gái Huế phóng xe Spacy, @ ầm ầm qua cầu Tràng Tiền chẳng ai để ý. Thế nhưng 70 năm trước, chuyện một cô gái đội nón bài thơ, mặc áo dài trắng đạp xe từ Gia Hội về Đông Ba thì đã làm xôn xao cả kinh thành… Cô gái ấy là ai?

Xin thưa đó là cô học sinh - con gái cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niệm đương chức Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên- kinh đô Huế: Nguyễn Thị Thiếu Anh.

Cô tiểu thư “xôn xao cả kinh thành”
Cô tiểu thư “xôn xao cả kinh thành”

Vào năm 1937, chính cô học trò này đã nổi tiếng khi đoạt giải nhất văn toàn quốc với số điểm 20/20, được nhà vua đích thân trao giải thưởng gồm một xấp vải đẹp, một chiếc đàn banjolin và một cuốn Larousse Ménager (Từ điển gia chánh).

Vì sao phải tập xe đạp? Giỏi văn, cô học trò tuổi mới 15 lúc ấy đã tự nguyện tham gia vào "học sinh văn đoàn" vừa chịu trách nhiệm biên tập vừa lo công việc quản trị tờ báo phải chạy "phát hành" và giao dịch nên phải tập đi xe mới đủ thời gian.

Và người cổ vũ động viên cô gái tập đi xe ấy chính là người anh ruột - Nguyễn Khắc Viện, một nhà văn, nhà báo, nhà văn hoá, một bác sĩ nổi tiếng không chỉ ở ta mà cả ở Pháp.

Cô gái giỏi văn ấy, không chỉ học giỏi điểm cao mà ngay từ tuổi trăng tròn đã có bài thơ Chiếc nón Huế làm cho các bậc thi sĩ đàn anh như Xuân Diệu, Tế Hanh, Thanh Tịnh phải để mắt đến… Và 10 năm sau, GS. Nguyễn Lân đã chọn để đưa vào sách Giáo khoa văn tuyển lớp 6.

"...Sung sướng cầm chiếc nón/ Đội nghiêng nghiêng lên đầu/ Thướt tha hơi làm dáng/ Thèn thẹn... em bước mau.../ Me cười: Ồ con me/ Dí dỏm học làm sang/ Chỉ thiếu chiếc kiềng vàng/ Con thành "cô gái Huế"...

Học giỏi, tiểu thư nhà đại quan Nguyễn Thị Thiếu Anh "nổi tiếng", nhưng cô càng nổi tiếng hơn khi bị thất học. Lúc đó, Nguyễn Thị Thiếu Anh đang là nữ sinh Đồng Khánh (Huế) - lớp 2e année, tương đương lớp 7 bây giờ.

Nguyễn Thị Thiếu Anh - “Tiểu thư” đi xe đạp đầu tiên ở Huế
Nguyễn Thị Thiếu Anh - “Tiểu thư” đi xe đạp đầu tiên ở Huế

Vì nghi ngờ học sinh quay cóp, bà "đầm" dạy tiếng Pháp đã giận dữ đập bàn quát: "Người An Nam các cô đều là quân ăn cắp!" (Toutes les Annamites sont des voleuses!")

Lòng tự trọng dân tộc bốc lên ngùn ngụt, Nguyễn Thị Thiếu Anh đứng vụt dậy, đanh thép đáp trả: "...Tất cả những người Pháp sang xâm chiếm Việt Nam mới là quân ăn cướp!"

Mặc cho bà Hiệu trưởng khuyên Nguyễn Thị Thiếu Anh xin lỗi thì nhà trường sẽ cho qua, nhưng Nguyễn Thị Thiếu Anh nhất quyết không cúi đầu thà "bị đuổi học và bị cấm thi 3 năm vì có tư tưởng phản nghịch."

Nguyễn Thị Thiếu Anh thất học từ đó. Chuyện cô tiểu thư con quan Phủ doãn Thừa Thiên bị đuổi học càng làm cô thêm nổi tiếng, đến mức ông TK (sau này là cán bộ Việt Minh Nghệ An) đã làm thơ vịnh Người đẹp như sau:

"Lừng lẫy đức tài giữa đế kinh/ Xứng nền thi lễ nếp trâm anh/ Giữa rừng văn học vang ngòi bút/ Trong chốn phồn hoa vẹn chữ tình/ Ăn ở nêu gương người tín nghĩa/ Vào ra tỏ rõ nét đan thanh/ Khen ai khảng khái bênh nòi giống/ Muôn thuở Hương Binh vẫn rạng danh".

Nguyễn Thị Thiếu Anh - cái tên gắn với nhiều giai thoại

Thời học trò của NTTA có thể nói ngắn ngủi, nhưng đọc lại đôi nét phác thảo qua các tác phẩm được xuất bản gần đây thì nhiều chuyện rất cuốn hút. Chuyện bà đi học chữ Nho, chuyện "đối thoại" với Nam Phương hoàng hậu, chuyện những người bạn trai thời đi học… tất cả đều rất đời thường nhưng nó gợi lên nhiều tư liệu quý về một thời đáng nhớ!

Ở cái tuổi 80 viết lại những chuyện tình có có, không không của tuổi ô mai, mực tím thời "Tự lực văn đoàn" đang làm say đắm bao người! Phải chăng, lúc này không còn sự xô bồ tính toán nào khác mới có thể ghi nhớ được những tình tiết lãng mạn tươi nguyên đẹp đẽ đến vậy!

Người đọc sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác: Một cô gái suốt đêm mê đọc tiểu thuyết, sáng dậy không kịp chuẩn bị đi đón Nam Phương hoàng hậu. Một cô gái thuộc thơ tình Pháp bằng tiếng Pháp… Ấy vậy nhưng cô chấp nhận lời cầu hôn về làm dâu một gia đình, mà cuộc đính ước được sắp đặt từ trước khi cô sinh ra 13 năm!

Bởi khi người cha đỗ Hoàng giáp vinh quy bái tổ, cụ Hoàng giáp khoá trước là thầy học của ông không có con gái để gả cho nguời học trò yêu quý của mình, liền hẹn về sau nếu ông tân khoa có con gái kha khá thì gả cho cháu nội của thầy. Bởi giữ Lễ ấy, mà hơn 30 năm sau, Nguyễn Thị Thiếu Anh đã hoàn toàn tự nguyện lấy người "đính ước".

Ngày đó cụ Nguyễn Khắc Niêm - Hoàng giáp khoa Đinh Mùi, sau khi lĩnh áo mũ vua ban vinh quy bái tổ, cậu học trò Tân khoa đã về xã Nho Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An để bái yết và tạ ơn thầy học là cụ Đặng Văn Thụy (Hoàng giáp khoa Giáp Thìn). Quý mến cậu học trò tuổi trẻ, tài cao, cụ Hoàng giáp Đặng Văn Thụy rất muốn nhận nhận người học trò của mình làm con rể, nhưng vì con cái cụ Hoàng Giáo Thụy đều đã lập gia đình, nên cụ hẹn: “Sau này anh có đứa con gái nào “kha khá” thì hãy gả cho cháu nội thầy một đứa”. Chỉ một câu nói đó đã xếp đặt sẵn cho cuộc đời tiểu thư Nguyễn Thị Thiếu Anh sau này.
Bìa cuốn Thơ văn chọn lọc. Nguyễn Thị Thiếu Anh - NXB Phụ Nữ
Bìa cuốn Thơ văn chọn lọc. Nguyễn Thị Thiếu Anh - NXB Phụ Nữ

Trong số những người con của cụ Đặng Văn Thụy có một người là ông Đặng Văn Dư, chơi thân với ông Nguyễn Khắc Niêm. Ông Dư có một người con trai là Đặng Văn Ấn. Ngày đó, tiểu thư Thiếu Anh trong một lần theo bố ra Vinh, gặp cụ Thụy, vừa nhìn thấy Thiếu Anh, cụ đã nói với Nguyễn Khắc Niêm và con trai Đặng Văn Dư: “Bắt đầu từ hôm nay, hai ông sẽ là thông gia với nhau. Cả hai đều không được thất hứa với thầy đâu đấy”.

Lúc đó Thiếu Anh chỉ là một cô bé con với cái đầu trọc, chỉ có một bờm tóc trước trán, đôi mắt xếch bướng bỉnh, tính cách như con trai, không có vẻ gì là “kha khá” như những gì mà mọi người vẫn hình dung, thế nhưng không hiểu lý do gì, cụ Thụy lại rất vừa mắt ngay trong lần đầu tiên gặp Thiếu Anh.

Lần ấy, khi cả hai gia đình hứa hôn với nhau, tiểu thư Thiếu Anh mới 7 tuổi, kém “vị hôn phu” Đặng Văn Ấn 2 tuổi. Buổi gặp đầu tiên, còn là con nít, chẳng hiểu chuyện gì, Thiếu Anh đã dành tặng cho “hôn phu” của mình một cái liếc xéo “cháy xém” chỉ vì tranh nhau cái xe đạp. Nhưng không hiểu vì lẽ gì, mà cái liếc xéo chanh chua của cô bạn nhỏ tuổi đã khiến Đặng Văn Ấn nhớ mãi, nhớ đến tận khi cả hai có cơ hội gặp lại nhiều năm sau đó.

Khi tiểu thư Thiếu Anh 16 tuổi, tức là 9 năm sau buổi gặp đầu tiên ở Vinh, Đặng Văn Ấn được gia đình cho vào Huế để gặp gỡ tiểu thư Thiếu Anh, chính thức hỏi Thiếu Anh làm vợ. Đến lúc này, khi được cha gọi lên nói chuyện nghiêm túc, tiểu thư Thiếu Anh mới biết duyên phận của mình đã được quyết định từ lúc chưa chào đời.

Nguyễn Thị Thiếu Anh mất mẹ từ nhỏ, nên mọi tình cảm yêu thương, Thiếu Anh đều dồn hết cho cha. Vì thế nên khi đó, dù có thừa cá tính và cũng chưa có ấn tượng gì với người sau này sẽ trở thành chồng mình, nhưng tiểu thư Thiếu Anh vẫn gật đầu chấp nhận mối nhân duyên ấy, với điều kiện “đợi đến lúc 20 tuổi mới tính chuyện vợ chồng”.

Tuy là một cuộc hôn nhân được cha mẹ hai bên sắp đặt, nhưng những ngày bác sĩ Đặng Văn Ấn vào Huế và ở lại chơi trong gia đình, tình cảm giữa bác sĩ Đặng Văn Ấn và bà Nguyễn Thị Thiếu Anh đã có những cung bậc mới. Trong lần đầu gặp gỡ cách đó 9 năm, bà còn là 1 cô bé con chưa biết làm duyên, tính tình nghịch ngợm. Nhưng sau quãng thời gian dài không gặp lại, bà đã trở thành một thiếu nữ Huế thanh lịch, duyên dáng, còn ông từ một cậu bé cũng trở thành một người thanh niên lịch lãm, hiểu biết.  

Trong hồi ký và trong những câu chuyện kể lại cho con cháu, bà Thiếu Anh kể, suốt cả tuần lễ ông ở Huế để tập “ở rể”, bà gần như chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Ngày nào bà cũng phải tiếp “vị khách không mời mà đến” suốt từ 8h sáng đến 9h tối. Tiếng là tiếp chuyện nhau cả ngày, nhưng vì ngượng ngùng, nên cả hai ông bà chỉ nói được với nhau vài câu: “Trời hôm nay nóng quá”, hoặc: “Nhãn năm nay sai quả quá”, thế rồi cuộc nói chuyện lại kết thúc, bầu không khí nhanh chóng rơi vào im lặng, cả hai mỗi người một việc, người thì cố tập trung đọc sách, người thì vụng về thêu những đường thêu vô nghĩa, chẳng thành hình.

Những ngày ông “ở rể” ở Huế, kiên trì bám trụ tại nhà bà, bắt bà tiếp chuyện từ sáng sớm đến tối mịt, bà thường “nguyền rủa” ông và chỉ mong ông sớm rời khỏi Huế cho bà “thoát nợ”. Thế nhưng khi đã thực sự “thoát nợ”, bà lại thấy lòng mình trống trải khi nhìn chiếc ghế trong vườn không còn dáng ngồi quen thuộc của ai kia. Đó là lần đầu tiên trong đời, bà phát hiện ra mùa thu đến sớm hơn mọi năm và khiến bà buồn bã, bâng khuâng hơn mọi năm.

Là một thiếu nữ Huế phong kiến, là tiểu thư khuê các, nhưng tính cách mạnh mẽ của bà đã thể hiện trong chính cái cách bà thể hiện đối với tình cảm của mình. Những ngày sau khi ông rời Huế, nhận ra tình cảm có phần đặc biệt mà mình dành cho ông, 10 ngày sau đó bà đã chủ động viết cho ông lá thư đầu tiên: “Việc hôn nhân của chúng ta là do lời cam kết của hai bên gia đình, nhưng hôn nhân không có tình yêu sẽ không thể hạnh phúc. Vì vậy, nếu anh hoàn toàn do bị gia đình ép buộc thì cứ trả lời cho Thiếu Anh biết, Thiếu Anh sẽ xin thầy Thiếu Anh hủy bỏ hôn ước này rất dễ dàng, không ảnh hưởng gì đến giao hảo giữa hai nhà. Riêng về phần Thiếu Anh thì tình cảm với anh thế nào hiện nay chưa thể nói được”.

Tuy không chịu thừa nhận tình cảm của mình trong lá thư đó, nhưng bà lại gửi tặng ông những câu thơ đầy hàm ý: “Gần anh tuy chỉ mấy ngày thôi/ Nhưng lúc xa nhau đã nhớ rồi/ Em vẫn đùa vui khi trí nghỉ/ Chập chờn theo dõi chốn xa xôi”…

Đáp lại lá thư ấy của bà, ông đã viết: “Từ hôm ra Hà Nội đến giờ, trước mắt anh luôn hiện ra hình ảnh cô nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng ngồi cạnh anh và anh đang mong cho thời gian như bóng câu qua cửa sổ để mau cho đến hè sang năm, anh lại được vào Huế gặp vị hôn phu xinh đẹp dịu dàng…”.

Yêu nhau chủ yếu qua những lá thư gửi đi gửi lại giữa hai miền Trung - Bắc, cho đến ngày chính thức trở thành vợ chồng, bà đã có 200 bức thư ông gửi. Ngày lấy chồng, bà cất gọn gàng 200 bức thư đó trong một cái hộp và mang theo bên mình như một của hồi môn quý báu. Nhưng trong một lần nhà bị bom đánh, bà đã mất những lá thư kỷ niệm ấy.

Nhưng mối tình "sắp đặt" ấy lại rất đẹp, đẹp ngay cả khi cô tiểu thư từ kinh đô về quê chồng nuôi mẹ và trở thành một thôn nữ, một nông dân cày cuốc nuôi ba con nhỏ để chồng yên tâm ra chiến trường và về sau thành Giáo Sư Đặng Văn Ấn - một chuyên gia về Y Tế ở Bệnh Viện Bạch Mai.

Trong chúng ta, nhiều người thuộc bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Thung, nhưng nhà thơ nổi tiếng một thời này cũng chỉ là người đứng trên bờ ruộng để làm thơ, còn Thiếu Anh làm thơ mùa gặt, chính là những xúc cảm chân thật khi chính mình đang "Chân ngập dưới bùn sâu, Mồ hôi đầy nước mắt”.

Cô tiểu thư khuê các ngày xưa lại là một người nông dân thực sự làm ruộng đổ mồ hôi sôi nước mắt: "Ngày nay em đi gặt/ Chân ngập dưới bùn sâu/ Mồ hôi đầy trước mặt/ ướt đầm vụ áo sau/ Em cầm hái đưa mau/ Lá cành kêu soàn soạt? Lúa vàng reo lao xao..."  nặng nhọc hơn cả người thôn nữ bình thường khi cô phải đảm nhiệm cả công việc của người đàn ông: Trao liềm hái cho con/ Em thu xếp gánh gồng/ Về mau trục lúa sớm/ Kẻo đêm qua trời giông…

Cũng là bài thơ Mùa gặt, nhưng bài thơ khi tác giả đứng dưới ruộng khác hẳn những gì tác giả viết khi còn là môt cô tiểu thư đứng trên bờ viết về mùa gặt: "ngồi dưới bóng cây cao/ nhìn sóng lúa lao xao/…Dưới ruộng sâu, Anh chị nông dân làm những gì/, nghĩ những gì, em nào có biết…"

Đã có nhiều sáng tác thơ văn nói lên tình cảm tiền tuyến hậu phương… Thơ văn Nguyễn Thị Thiếu Anh về chủ đề này hoàn toàn chỉ là những cảm xúc riêng tư, viết cho mình chứ không phải viết để đăng báo, viết là để trăn trở, chiêm nghiệm, cảm xúc phải chăng cũng vì thế mà người đọc đồng cảm rất nhanh và cũng rất tự nhiên.

Đêm nay tối giao thừa/ Vườn cau lất phất mưa/ Trong gian phòng vắng vẻ/ mình em trước án thờ/ Con thơ quên đón Tết/ Mẹ già già hơn xưa/ Ai châm hương nến tết/ Ai khêu ngọn đèn mờ/ Giờ đây trên chiến khu/ Nơi rừng thẳm hoang vu/ Anh còn thức không nhỉ/ Anh có đợi giao thừa?
Bài thơ Chiếc nón Huế - sáng tác năm 1937 in ở bìa 4 cuốn Thơ văn chọn lọc - Nguyễn Thị Thiếu Anh
Bài thơ Chiếc nón Huế - sáng tác năm 1937 in ở bìa 4 cuốn Thơ văn chọn lọc - Nguyễn Thị Thiếu Anh

Thơ văn Nguyễn Thị Thiếu Anh chỉ tập trung quanh mối quan hệ trong gia đình, bạn bè thân thuộc, thậm chí bà viết về những cô gái ôsin, em bé đánh giày mà bà gặp… nhưng nhân vật nào cũng để lại trong lòng bạn đọc những suy nghĩ khó phai.

Dân gian có câu: Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng, nhưng bà đã khiến người đọc thực sự ngạc nhiên và xúc động với những câu thơ chan chứa lòng biết ơn: Mồ côi mẹ từ khi lên một/ Nhưng không hề chịu cảnh cô đơn/ Tôi là kẻ trời ban riêng diễm phúc/ Thấy trong đời bánh đúc có nhiều xương...

Nhận xét về bài thơ Mẹ kế tôi, nhà văn Thanh Hương (Nguyên Tổng Biên tập báo Phụ nữ Việt Nam) viết: đây là một bài thơ hay bởi đó là những câu thơ thốt lên từ trái tim chân thật và làm xúc động lòng người đọ . Càng đọc càng yêu mến cảm phục tấm lòng và đức độ của người mẹ kế.

Cám ơn tác giả đã đem đến cho người đọc những cảm xúc thật đẹp và lành mạnh - những cảm xúc làm cho người ta thấy thương yêu cuộc sống và muốn sống sao cho ngày càng xứng đáng hơn cao đẹp hơn.

Viết như "chơi" mà ngấm, mà thấm...

Thất học từ năm 17 và phải đợi đến ngày chống Pháp thắng lợi, khi vào tuổi 40 mới lại được cắp sách đến trường học nghề thuốc và ra làm nghề thuốc cho đến khi về hưu. Nhưng lòng yêu mến văn chương, sự tìm tòi chắt lọc, ghi nhận của bà đối với cuộc sống hàng ngày thì không lúc nào ngưng nghỉ.

Bởi vậy, sau khi về hưu từ 1989 bà đã cho xuất bản liên tục các tác phẩm: Gửi Huế, Tình yêu thuở ấy, Hoài niệm, Tình đời tình thơ, mãi mãi bên nhau, Góp nhặt cuối đời, Ơn sâu nghĩa nặng tình thâm...

Một bà lão 80 ngồi bán chè, thuốc lá điếu dưới tán cây sung trước nhà; vừa bán hàng vừa làm thơ, vừa bán thơ. Đó cũng chuyện xưa nay hiếm! Chắt chiu từng đồng lẻ tiền lãi hàng ngày để xuất bản sách, mang thơ đến với đời...

Một tiểu thư con quan lớn chịu thất học về quê làm ruộng nuôi con cho chồng xa nhà đi đánh đánh giặc, đến cuối đời tuổi đã rất cao tưởng được an nhàn thì lại tự mình chăm sóc chồng nằm liệt suốt mấy năm liền... Vậy mà mạch văn bà vẫn rất sáng, cái nhìn cuộc đời của bà vẫn rất nhân hậu.

Cụ Thiếu Anh tuổi 80 tại Hà Nội

Cụ Thiếu Anh tuổi 80 tại Hà Nội

Ngay trong lời di chúc của bà vẫ cho người đọc thấy cái hóm hỉnh và cả tấm lòng bao dung rộng mở: Nam Tào đã gọi họ tên tôi/ Săp phải ra đi vĩnh viễn rồi/ Chỉ mong đất nươc mau cường thịnh/ Dân nghèo sớm được sống yên vui/ Thôi chào vĩnh biệt TA đi nhé! Xin gửi tình thương đến mọi người. (TA viết hoa cả hai chữ là cách chơi chữ ghép T và A - Thiếu Anh.)

Ai đã từng đọc thơ, văn Nguyễn Thị Thiếu Anh chắc sẽ rất đồng tình với lời bày tỏ của nhà thơ, nhà văn Đông Trình - một tác giả được nhiều người biết đến từ trước ngày miền Nam giải phóng:

"Trong thời gian dưỡng bệnh, tôi có đọc được cuốn Tình yêu thuở ấy của chị. Chị viết rất lôi cuốn. Đã đọc là không thể ngừng lại. Chỉ cần một cuốn ấy thôi, tôi có thể hình dung ra một con người, một nhân cách, một thời đại, đúng như anh Hoàng Phủ Ngọc Tường giới thiệu.

Vốn liếng là cuộc sống thực, chị đưa vào văn, văn chị thâm thuý giàu chất hiện thực mà dí dỏm và "đáo để". Tôi có cảm giác chị viết như chơi, như trò chuyện với người thân. Thế mà ngấm, mà thấm. Lối viết ấy trong văn học ta hiện nay không nhiều, đối với phái nữ thì lại càng hiếm…"

Là người bất ngờ được đọc cuốn sách Thơ văn chọn lọc - Nguyễn Thị Thiếu Anh, tôi cũng đã không thể ngừng lại .

(Nguồn: Báo Vietnamnet)

TAGS

Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của dân tộc

PV |

Đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước; nhà văn hóa lớn của dân tộc, con người rất mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nhà danh họa của hai thế giới

Phạm Xuân Dũng |

Năm 2021, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của một bậc thầy mỹ thuật thế giới: danh họa Lê Bá Đảng. Ông sinh ngày 27/6/1921 ở làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

“Nghĩa tình Khe Sanh”, kỷ niệm không quên

Hoàng Đức Thắng - Trưởn gĐoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị |

5 năm, một nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với tôi đầy ắp những kỷ niệm không quên. Ngoài việc thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH, đó còn là những năm tháng sôi nổi của những hoạt động xã hội thấm đượm tình cảm và trách nhiệm với cử tri, với đồng bào, chiến sĩ Quảng Trị, nơi đã tín nhiệm bầu chọn và trao gửi trách nhiệm làm “Đại biểu của dân”. Đã có hàng chục chương trình, hoạt động thiết thực về đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh… với tổng giá trị trên 30 tỉ đồng được triển khai, ghi dấu hình ảnh tốt đẹp của Đoàn ĐBQH tỉnh trong lòng Nhân dân, cử tri Quảng Trị. Chương trình “Nghĩa tình Khe Sanh” được tổ chức vào tháng 6/2018 là một trong những hoạt động quy mô và ý nghĩa, để lại kỷ niệm không quên.

Lãng đãng Khe Sanh

Yên Mã Sơn |

Ở thành phố Đà Lạt có đường mang tên Khe Sanh. Không biết sự trùng lặp ngẫu nhiên hay một sự ưu ái của người Đà Lạt mà có một con đường như vậy. Nhưng cái không gian buổi sáng lãng đãng sương mờ, trưa đứng trên đồi cao tưởng chừng với lấy được mây, chiều mưa bụi bay trong phố; cùng với khí hậu mát lạnh đã làm cho Khe Sanh có dáng dấp một Đà Lạt thực sự.