Ân tình sau thiên tai

Nguyễn Hữu Quý |

Tháng trước, có mấy hôm trời mưa tầm tã, tôi cứ lo lụt lại về. Lụt về thì dân khổ, cứ nhìn lại cơn “hồng thủy” năm ngoái thì rõ.

Dân miền Trung nói chung, dân Quảng Trị và Cam Lộ nói riêng vốn quá quen cảnh lũ tràn qua mặt, bão giật ngang đầu mà vẫn không lường tính hết được mức độ dữ dằn của trận lụt cuối mùa thu năm Canh Tý 2020. Ngày nối ngày, mưa ào ạt không dứt, nước từ trời tuôn xuống làm ngập chìm nhiều vùng quê ở dải đất hẹp này; sông ngòi, đường sá, ruộng đồng, vườn tược bỗng nhiên biến mất chỉ còn lại biển nước đục ngầu nhấp nhô sóng. Dân khốn khổ thêm khi một số hồ thủy điện, hồ thủy lợi buộc phải xả lũ làm mực nước dâng cao hơn. Sau lũ, dân vừa cười vừa rơm rớm nước mắt kể với tôi, trong đêm tối mịt bọn tui phải leo lên mái nhà ngồi, nước đã ộp oạp dưới chân, chỉ cần dâng thêm vài gang nữa thì nỏ biết điều chi xảy ra, lúc nớ run cầm cập.

Những ngày ấy, vợ chồng tôi chở nhau về mấy làng ngập sâu ở huyện Cam Lộ để trao chút tiền ủng hộ cho bà con vùng lũ mà anh chị em nơi xa gửi đến. Họ là giáo viên, là văn nghệ sĩ, là doanh nhân hay chỉ là người lao động bình thường trong và ngoài nước. Phần đông anh chị em ấy là bạn bè, sau khi vào facebook của tôi, hiểu tình cảnh khó khăn của dân vùng lũ đã ngỏ lời nhờ làm việc thiện nguyện. Cái đập vào tôi đầu tiên khi về làng lụt là bùn. Bùn non sền sệt dày đến vài gang tay, dẻo như bột lọc quấy nhão, đặt chân xuống bị mút rất chặt rút chân lên cực khó. Các trưởng thôn, nét mặt ai cũng hốc hác, mắt thâm quầng, mặc áo mưa cũng lấm bùn dẫn chúng tôi đi. Địa chỉ là những gia đình nghèo khó nhất, chịu thiệt hại nặng nhất trong trận lụt. Nhà nào vườn tược cũng đều xơ xác, sân ngập bùn non. Bùn lút cao hơn đầu gối, chúng tôi trao tiền ủng hộ ngay trên sân, người nhận rưng rưng ánh mắt.

Minh họa: DUY LÊ
Minh họa: DUY LÊ

Bão lụt gì rồi cũng qua chỉ có tình người là sáng mãi. Sự đùm bọc, cưu mang nhau khi hoạn nạn là chuyện nói mãi không hết. Đó chính là những vầng sáng dịu lành trong dòng đời bộn bề, hối hả. Nó nâng dìu con người đứng vững trong gian nan, sau những chòng chành có lúc bất ổn, niềm tin và hy vọng lại hửng lên như nắng xuân ấm áp. Khi con sông trở lại dáng vẻ hiền hòa, ôm bọc lấy làng quê có những ngôi nhà còn in ngấn lũ thì bùn non cũng đã róc ráo nước trở thành màu mỡ của mùa màng. Cây ngập lũ phục sinh, những mầm lá non tơ rạch bùn đâm ra tua tủa. Rau bén phù sa ngùn ngụt xanh tươi. Chao ơi, nghe mà nao lòng câu ca dao cũ càng ai ai trên dải đất này cũng biết: “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây".

Thế đấy, mùa xuân vẫn lưu trú bao đời nay trong cái lạc quan rất người của dân vùng khổ. Chẳng ai muốn khổ để kiêu hãnh tự hào nhưng được sướng cũng đâu phải dễ nên không thể không chọn cho mình một nhân sinh quan hướng sáng. Biết tin đợi vào chồi cây nảy ra dưới bầu trời sáng tối như háo hức mong chờ mùa xuân đến sau những bão giông, giá rét mùa đông. Trên lớp lớp bùn non tôi soi thấy điều đó, hình dung rất rõ phác thảo tin cậy của lòng người. Cao hơn nữa là ánh xạ của yêu thương và tôi gọi đó là hạnh phúc của con người. Sống để yêu thương. Sống cho yêu thương. Sống vì yêu thương. Không thể nào khác được, yêu thương làm nên cái đẹp của cuộc sống, cái đẹp cứu rỗi mang phẩm hạnh mùa xuân.

Tôi không quên được cái Tết năm ngoái. Làng đi qua cơn “hồng thủy”, trên những chiếc sân ngập bùn nhão hôm nào nhà nhà soạn mâm cỗ cúng trời đất lúc giao thừa. Gà trống ngậm hoa hồng, xôi chè bánh trái, rượu trà trầu cau, hương đèn sáng sủa… Một cuộc tinh tươm thành kính dâng lên trời đất, thần linh, cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, lành đến dữ đi, đại dịch lùi bước, xuôi ngược hanh thông những chuyến bay, những chuyến tàu, những chuyến xe kết nối gần xa. Trước sân, cây mai vượt lũ đơm bông đúng đêm trừ tịch đang tỏa hương nhẹ nhàng vào không gian thiêng tĩnh. Không phải tự nhiên mà người xưa cúi đầu trước hoa mai, đến bây giờ ta vẫn nghe trong đó những thầm thì vừa xa xăm vừa gần gũi của sự tinh khiết đầy thiện tâm. Lòng quá đỗi bâng khuâng khi chứng kiến sáng mồng một có một Nguyên đán tràn đầy hy vọng khi bùn non chấp chới dưới bầu trời hửng nắng xuân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Lực lượng vũ trang với nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai

Kim Quy |

Quảng Trị là địa phương thường xuyên xảy ra bão lụt nên công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn luôn được Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị đặc biệt coi trọng. Bất cứ thời điểm nào khi có thông tin về thiên tai, Bộ CHQS tỉnh cũng huy động tối đa lực lượng có mặt sớm nhất để tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả với quyết tâm và nỗ lực cao nhất.

Ngành giáo dục và đào tạo Hải Lăng chủ động ứng phó với thiên tai

Hoài Nhung |

Ngành giáo dục và đào tạo Hải Lăng (Quảng Trị) luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và triển khai các phương án phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Từ đầu năm học 2021 - 2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và các trường học đã chủ động xây dựng kế hoạch, linh hoạt trong tổ chức thực hiện phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cơ sở vật chất trường, lớp và tổ chức việc dạy, học đạt kết quả cao.

Khoảng 12 tỉ đồng hỗ trợ phục hồi sản xuất sau thiên tai

Kăn Sương |

Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa xây dựng kế hoạch cụ thể khôi phục sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Theo đó, ưu tiên việc khôi phục, sử dụng phù hợp diện tích đất sản xuất bị bồi lấp và diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày bị ảnh hưởng do bão lụt, hạn hán. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ khoảng 12 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương trên 5,5 tỉ đồng, ngân sách tỉnh gần 5 tỉ đồng, ngân sách huyện trên 800 triệu đồng và đối ứng của Nhân dân trên 700 triệu đồng.

Quảng Trị được hỗ trợ 4,210 tỉ đồng khắc phục thiệt hại về nhà ở do thiên tai

B.A |

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1830/QĐ-TTg ngày 1/11/2021 hỗ trợ kinh phí cho 6 địa phương khắc phục thiệt hại về nhà ở theo Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 5/11/2020.