Chiều cuối năm. Nắng nhạt dần. Gió xuân chao nhẹ trên những khóm cúc bắt đầu chớm nụ đợi Tết. Một mình đi qua những con phố dài, ngắm những chậu mai được tạo dáng công phu, lòng bâng khuâng nhớ những ngày Tết xưa cũ.
Tết là ký ức không thể phai nhòa trong tôi về sự đoàn tụ ấm áp tình thân. Đón Tết là dịp cả nhà cùng trang trí nhà cửa, gói bánh chưng, làm mứt, dưa món…Bữa cơm tất niên cuối năm được mẹ tôi chuẩn bị tươm tất, đủ đầy để tiễn năm cũ, đón năm mới. Năm nào cũng vậy, bên bếp lửa “ấp iu, nồng đượm”, cả gia đình cùng nấu bánh chưng, rôm rả chuyện trò, nhớ về những kỷ niệm đã qua và ước mong những điều tốt đẹp sắp tới. Trong thời khắc chuyển giao năm mới, bánh chưng vừa nấu xong, ba tôi chọn những cặp bánh chưng đẹp nhất thành kính dâng lên ông bà tổ tiên thể hiện đạo hiếu con cháu và lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để có cái Tết sum vầy.
Tôi nhớ tiếng pháo ngày Tết cùng mùi khói pháo hăng hắc quyện vào không gian trừ tịch. Trước đó, pháo được mua về gói cất cẩn thận vì sợ bị ẩm, tiếng nổ không giòn. Tối 30 Tết, mặc dù buồn ngủ ríu cả mắt nhưng chị em tôi vẫn cố thức đợi thời khắc giao thừa để nghe tiếng pháo đì đùng đồng loạt khắp nơi. Lũ trẻ con nghe tiếng pháo nổ vội lấy tay bịt tai lại, có đứa sợ quá chui vào gầm giường để trốn. Thế nhưng, sáng mồng một, đứa nào cũng dậy thật sớm, xúng xính quần áo mới đi nhặt pháo xịt. Bây giờ Tết không còn đốt pháo nữa nhưng khoảng sân nhuộm hồng xác pháo trở thành ký ức khó phai mờ.
Lòng người như chiếc khăn mới thêu khi nhớ về không khí Tết. Lần nào theo mẹ đi chợ, tôi cũng được mẹ mua cho vài viên kẹo bột hoặc mấy cái kẹo bạc hà. Sang hơn một chút thì được mua thêm cho vài con tò he. Cuộc sống bấy giờ còn nhiều khó khăn nhưng mẹ tôi luôn chắt chiu, dành dụm mua cho chị em tôi bộ quần áo mới để cùng hân hoan chạy khoe với đám trẻ con trong xóm. Ký ức xưa mộc mạc, chân thành nhưng luôn da diết nhớ mỗi khi mùa xuân về. Mùa xuân mang đến những cảm xúc tươi mới của đất trời nhưng mùa xuân cũng chính là cánh cửa đưa ta trở về với miền ký ức miên viễn rưng rưng.
Chị em tôi lớn lên, rời xa căn nhà nhiều kỷ niệm, bận rộn lo toan cuộc sống, không phải Tết nào cũng sum họp đủ đầy. Ba tôi “rời cõi tạm”. Bếp lửa đêm 30 Tết vẫn nồng đượm nhưng xao xác nhớ về Tết xưa đẹp đẽ, thiêng liêng. Tết là hoài niệm, đoàn tụ, yêu thương được vun đầy theo năm tháng. Tết là hương quê đậm đà, thân thuộc trong lòng người xa xứ. Có lẽ, khi người ta trưởng thành thường hay nhớ về những gì xưa cũ. Mỗi lần về quê đón Tết, những đứa trẻ nhặt pháo xịt năm nào vẫn tay bắt mặt mừng, hỏi chuyện xa, chuyện gần. Thoảng trong câu chuyện là hương vị Tết xưa đậm đà, neo đậu vào lòng người như nắng xuân ấm áp, yên bình.
Ngày nay theo dòng chảy của cuộc sống, quan niệm về Tết của nhiều người có thay đổi. Các bạn trẻ có xu hướng đón Tết bằng một chuyến du lịch để trải nghiệm một không gian bình lặng không náo nhiệt như Tết. Thời đại 4.0 đã giúp cho việc mua sắm Tết thuận lợi, nhanh gọn hơn. Không còn phải bận rộn gói bánh chưng, làm mứt, rất ít gặp khung cảnh cả gia đình cùng nhau đi chợ Tết…chỉ cần một cuộc gọi điện thoại, mọi thứ đều được shiper tận cổng nhà. Tết vẫn đủ đầy, rộn ràng, dư vị mùa xuân nồng nàn bên khung cửa, trẻ con hớn hở khoe quần áo mới… nhưng trong sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn nghe âm vọng thổn thức của Tết xưa.
Đang miên man trong dòng suy nghĩ, chợt chuông điện thoại reo vang “A lô, năm ni con có về Tết không rứa?”. Tự nhiên, mắt nhòe nước, nhớ cái Tết sum vầy bên người thân. Bất chợt lòng chùng xuống khi bắt gặp chuyến xe vội vã trong chiều cuối năm. Chợt xao xác “Mấy mươi năm vẫn một chiều rất cũ. Vắng tựa trong lòng, vắng thổi ra”. Xa xa, thoáng thấy khói lam chiều cùng bếp lửa nồng đượm của mẹ. Trời bắt đầu nghiêng gió, đón xuân sang.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)