Biết đâu, là lần sau cuối

Diệu Ái |

Tôi luôn đinh ninh rằng, đời này mình sợ nhất là những lần sau cuối, dù vô tình hay hữu ý với bất cứ một mối quan hệ nào. Tôi sợ nhất đó là lần cuối cùng gặp lại ai đó bằng những ký ức không mấy tốt đẹp, bằng vài ý niệm chẳng gì hay ho, bằng những hối tiếc giá như này nọ…

Hôm trước, hẳn nhiều người đã rưng nước mắt khi nhìn tấm ảnh người bác sĩ (trong cuộc chiến chống COVID -19) về thăm nhà lần cuối. Con không thể chạy lại để ôm vai bá cổ cha, cha không thể dang tay ôm hôn vợ con mình như trăm lần trước đó.

Hoa bạn nhà trồng

Cái nhìn thiết tha ấy quá đỗi xót xa và bất lực. Chẳng biết họ nhìn thấy tuyệt vọng hay hy vọng ở thời điểm đó. Bi quan thì nghĩ cuộc chiến này còn dài, còn phải chiến đấu, phải cách xa nhau lâu dài nữa. Lạc quan thì nghĩ thời gian này sẽ qua nhanh thôi. Đôi ba bữa nữa mình sẽ gặp lại nhau, gần nhau không nghi ngại. Cũng có thể, giây phút đó, họ hướng về nhau trọn vẹn, để yêu thương nói ra bằng lời, nhớ nhung nói bằng ánh mắt, chẳng dám nghĩ suy lo ngợi nhiều, chỉ không thể nghĩ rằng, giây phút này là lần cuối.

Đôi lần trộm nghĩ, cơn đại dịch đang diễn ra như thể là cách tạo hoá thử thách loài người. Nghĩ sâu rộng thì đó cơn thử thách đối với sự phát triển kinh tế, khoa học, giáo dục, y tế… Nhưng với suy nghĩ vụn vặt đàn bà, tôi nghĩ sự thử thách đó cứ như đo nỗi kiên nhẫn, sức chịu đựng, thử thách tình yêu thương và trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng. Nhân loại đã sống thật thờ ơ và ích kỷ. Ơ hờ với môi trường, với những điều kiện mình có. Ơ hờ với những mối quan hệ xung quanh, xem mọi thứ như là hiển nhiên, chẳng cần cố gắng, đơn giản như một cuộc gặp, một chuyện trò. Nay, mọi thứ khó khăn và bị kiểm soát, họ quay cuồng bởi chưa thể thích nghi.

Thật tâm, tôi luôn cảm giác lấn cấn một món nợ mơ hồ với ba chồng. Đám cưới chúng tôi vừa diễn ra mấy ngày thì ông gặp tai nạn và mất đột ngột. Tôi lóng ngóng trong ngôi nhà mới đến, chưa kịp quen với từng góc tường, từng món đồ đã sắp đặt trước đó. Mới về làm dâu, chỉ vừa kịp nấu cho ông một bữa cơm duy nhất. Bữa đó, tôi đã hỏi con nấu vậy ba ăn vừa miệng không, ba thích ăn món gì, có thứ chi ba không ăn được để con biết… Ông cười hiền lành, bây ăn chi ba ăn nấy. Mỗi lần nhớ tới bữa cơm đầu tiên và cuối cùng đó, lại thấy thắt lòng.
Người ta cứ tưởng mình vừa về làm dâu đôi ba ngày, chưa kịp tình cảm yêu thương chi nên cảm xúc hay nước mắt lúc đó, nếu có cũng chỉ giả tạo và hời hợt. Nhưng đâu ai hay rằng, những bữa cúng cơm cho ba sau này, tôi chỉ mong người ở đâu đó bình an, nhẹ nhàng trong cõi vô thường nghiệt ngã. Vài mong ước giản dị như sớm ra có thể pha bình trà cho ông, cha con có thể chuyện trò trong bữa cơm đầm ấm, vĩnh viễn là không thể. Bạn bảo tôi đeo nặng tâm tư quá nhiều, nghĩ đơn giản là duyên số của mỗi người chỉ gặp nhau được từng ấy buổi, huống chi người đời có hiểu cho lòng mình đâu. Tôi biết nhưng có lẽ nghĩ suy quá nhiều khiến mình day dứt mãi.

 

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, có thể bạn còn chật vật với món nợ ngân hàng, bực bội bởi con cái quậy phá khiến bạn chẳng có thời gian ngơi nghỉ, bạn stress nặng vì công việc hay mớ deadline. Nhưng bạn ơi, nhiều người ao ước những thứ bạn đang có và chấp nhận trả giá mà không được. Nên nếu than van trách móc gì thì than cho… có vậy rồi thôi. So sánh thì ngó xuống trước buổi nhìn lên để thấy mình chưa bị đẩy vào tận cùng mà cố gắng và cố gắng.

Đại dịch này, người người nhà nhà phải lao đao vì kinh tế nhưng cái có được lại là khoảng thời gian quý giá bên nhau. Cha mẹ con cái, vợ chồng được ở cùng nhau nhiều hơn. Gần nhau, coi đơn giản vậy đó nhưng biết bao người mong ngóng mà không được. Thay vì ngán ngẩm khi phải trông thấy chồng vợ lải nhải suốt ngày, con thơ quậy phá, cha mẹ già lẩm cẩm tới lui, bạn hãy sắp xếp để mọi người có khoảng thời gian vui vẻ, hữu ích. Bởi nói xui rủi nhưng thật lòng, mình đâu biết đấy có phải là lần sau cuối có thể làm những điều đó với người thương.

Những lần cuối, bao giờ cũng là nỗi đau. So bì mênh mông ngày ngày, người ta ngồi đếm số người mất đi vì đại dịch thì nỗi mất mát người thân bằng nhiều lý do khác nhau cũng hoang mang như vậy. Bất cứ ai rồi cũng sẽ chia tay cuộc đời mãi mãi bởi quy luật tất nhiên của tạo hóa. Nhiều người, dù chưa đến “lão” nhưng không may đã bước vào cửa “tử”, rời đi khi giấc mơ còn dang dở, yêu thương còn nồng. Ví như cơn bệnh lúc này, đâu ai chắc chắn mình sẽ miễn nhiễm. Thế nên, nếu biết đó là lần cuối cùng mình gặp mặt, hẳn chúng ta sẽ cười độ lượng với nhau nhiều, sẽ giã từ mọi ghét bỏ và hiềm khích. Suy cho cùng, để điều còn lại là yêu thương một cách chân thành.

TAGS

Học cách chia sẻ yêu thương

Thạc sĩ Nguyễn Quế Kỳ |

Từ xưa tới nay, chia sẻ, yêu thương luôn là truyền thống nhân đạo tốt đẹp của người Việt Nam, được nhân dân gìn giữ và không ngừng phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng thể hiện đúng ý nghĩa tốt đẹp đó. Do vậy, chúng ta phải học cách chia sẻ yêu thương để thực sự lan tỏa, làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.

Thay đổi hành vi, thay đổi cuộc đời

Hoài Nam |

Khi nói đến bạo lực gia đình, người ta thường hay nhắc đến cụm từ “vòng tròn bạo lực”. Vòng tròn này được hiểu là sự lặp đi, lặp lại của một chu trình: Mâu thuẫn - bạo lực - trăng mật - bình yên - mâu thuẫn…, tạo nên vòng luẩn quẩn mà người phụ nữ không thể nào thoát ra được. Hoặc là im lặng, nhẫn nhục chịu đựng, hoặc là nuôi hy vọng về sự thay đổi của chồng khi đang trong giai đoạn “bình yên” của vòng tròn bạo lực, tất cả điều đó khiến tình trạng bạo hành không thể chấm dứt đối với một số phụ nữ.

Mùa đông

Nguyễn Bội Nhiên |

Đã lâu mình không còn loay hoay với những nghĩ suy về thời gian, bởi dù thế nào thì thời gian cũng đến và đi, đi và đến trong vòng tròn quy luật của nó, như bây giờ đã là mùa Đông trời thấp giăng mây và đã là cuối năm.

Hôn nhân không có tình dục có ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng?

Thanh Mai |

Ham muốn tình dục có thể thay đổi theo mùa. Do đó, bạn nên tìm hiểu về thời gian “cao điểm” cũng như “thấp điểm” của bản thân.