Buồn quá rồi gió ơi!

Hoàng Hải Lâm |

Tôi thấy gió không buồn, chỉ tại lòng chị buồn quá nên gió mới lay! Để sáng hôm nay tôi bắt gặp chị trên con đường dài hun hút. Tôi cứ đứng trông cho đến khi dáng chị như một đóm đen nhỏ lạc sâu về cuối con đường mà câu nói vẫn còn nằm lại “tui đi bộ nghe cậu Đông, đi để chữa bệnh…”.

Chị mang trong mình nhiều trọng bệnh. Nhưng dường như, cái đau nhất của đời chị chẳng phải là bệnh tật. Nó chẳng bõ bàng gì, những thứ gặm nhấm da thịt chị, có đau đấy rồi thôi. Còn chị thực sự đau, khi bị chồng phụ. Trong khi chị thở hoi hóp thì nó bỏ đi theo một người đàn bà khác.

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân

Người đàn bà đó chị không thấy mặt nhưng chị lại thấy một khuôn mặt mới của một người đàn ông. Những ái ân lưu giữ trong kí ức, trên chiếc giường với chăn gối còn đẫm mùi mồ hôi của anh.

Và chị cũng thấy khuôn mặt khác của mình. Chị có thể sống trong sự phụ tình của đàn ông. Suy nghĩ ngây thơ điên đảo khi bị người khác phản bội nó đã quá xa xôi. Nếu thời trẻ, chị có thể tha hồ điên loạn, để đau, để khóc, để hận và có thể để chết cho tình yêu.

Giờ chị sống cho con, cho những người thân và cả cho chị. Con đường vẫn xa hun hút, hôm nay trời trong xanh, gió mơn man lên tóc như chải mượt qua những bước chân âm thầm. Chị vẫn bước đi cho đời thôi cơ cực, cho thôi sự hành hạ của con bệnh và người khác hành hạ mình, cả mình cũng hành hạ mình...

Chị lành bệnh! Không ai dám tin nhưng chị thì tin điều đó. Vì chị chứng kiến từng ngày cái cảm giác giành giật nhau từng tấc sống giữa chị và con bệnh.

Nó chết, chị mỉm cười.

Tin chồng chị chết, chị bật khóc. Đó là lần cuối cùng chị khóc cho mối tình giữa chị và anh. Anh là ba của con chị, là người chị từng ôm ấp, là người từng yêu thương chị thật lòng qua một khoảng thời gian và cũng là người đã bỏ rơi chị đúng lúc… chị cần… anh nhất! Chị tất tả ngược xuôi, đến nơi thì họ đã chôn anh nơi nghĩa địa vô thừa nhận, trên đó có ghi tên anh. Chị chẳng biết thực hư, chỉ nghe lòng như đứt và mình như đã chết. Chị vẫn còn yêu anh, rất nhiều.

Những sáng hôm sau, chị thắp nhang cho chồng. Rồi một hôm anh về đứng ở góc sân. Chị không giấu lòng mình khi gặp lại. Nhưng rồi bước chân ngập ngừng, chị nói “Cứ ở đó đi. Tui không buồn đâu. Ở đó, tui đi bộ một lúc rồi về nấu cơm anh ăn, cứ ngỡ anh chết rồi, tui chết, chừ thấy anh về, tui sống lại đây...” rồi chị bước đi, anh vẫn đứng nhìn theo với con mắt khắc khoải. Chị không nhìn lui nhưng chị biết lòng anh đang chao, chị biết rằng anh về nhưng... không ở...

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân

Anh đi, cùng mấy trăm nghìn dự phòng của chị. Chị để lộ số tiền đó cho anh thấy, anh cần tiền hơn chị. Chị đã không còn uống thuốc từ hơn mấy tháng. Chị chữa bệnh bằng nghị lực của một người đàn bà bị chồng phụ. Thuốc đắng lắm! Mà nhiều thứ cay đắng thế là đủ rồi chị không cần uống nữa, không cần uống.

Sáng hôm nay, tôi thấy chị vẫn bước đi trên con đường dài hun hút. Đến một quãng chị quay đầu lại: “Cậu Đông, gió tự lay lòng mình đấy. Con người không buồn gió biết lấy gì lay?”.

TAGS

Cồn Cỏ một sáng mai nay

Lê Như Tâm |

Tôi đến Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã bao dịp nhưng lần nào cũng mang trong mình sự hồi hộp. Khoảng cách từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ không xa khoảng 15 hải lý, nhưng mà lâu lâu được đi giữa lòng đại dương xanh thẳm, bốn bề sóng nước làm lòng mình bình yên không dễ diễn tả.

Nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ trong văn hóa truyền thống của người Việt

BTV |

Ca dao xưa có câu: “Tháng tư đong đậu nấu chè; Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm”. Hằng năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch dân ta lại tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ…

Hoa cà phê

Lê Như Tâm |

Thời gian này, ai lên phía Tây, huyện Hướng Hoá - Quảng Trị đều bắt gặp những đồi hoa càphê nở trắng, đẹp lạ kỳ. Sáng sớm, xe lướt qua các con đường, ta lại liên tưởng đến các đồi hoa tuyết, long lanh đang ngậm trĩu những lá và cành cây. Không gian mờ sương tôn thêm vẻ đẹp núi rừng đang vào xuân, cây cối rạo rực búp non, lòng người rạo rực vào mùa mới.

Nữ sĩ Tuyết Thanh – Người … không hẹn trước.

Hoàng Hải Lâm |

Đôi lúc nghĩ rất vô lối, về nữ sĩ Tuyết Thanh, kể cả người và thơ. Sự tự do khi nào thì dừng lại. Đó là ý nghĩ chủ quan của người viết, con người có được sự tự do là rất đổi đáng mừng. Nhưng, nó – sự tự do, được chấm dứt ở thơ. Với thơ, Tuyết Thanh bị vây bủa trong hàng ngàn tinh túy. Chấm dứt những bay nhảy đời thường, nữ sĩ lặng im để thơ cất tiếng.