Tháng Bảy, sau vài trận mưa đã làm dịu mát những đợt gió Lào và cơn nóng mùa hạ. Đất đai, cây cối được phả thêm hơi nước làm xanh lại các tán cây khô quắp; bụi đường đã bị nước xóa nhòa theo những cơn mưa đã làm không khí trong lành.
Tháng Bảy, quê tôi có quá nhiều kỷ niệm xen vào đó là hoài niệm, bởi không đâu khác trên dãy dọc miền Trung này, cứ đến tháng Bảy là thân nhân, đồng đội trên khắp mọi miền Tổ quốc về thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị. Họ không chỉ thăm mảnh đất này mà còn gặp lại những thân nhân, gặp lại những đồng đội ngày xưa vào sinh ra tử để cho mảnh đất quê hương tôi hồi sinh.
Không bồi hồi sao được, khi từng dòng người đổ về Quảng Trị là bao nhiều niềm tri ân gửi vào đây, ta hãy nhìn những bó hoa dâng mộ liệt sĩ hay những ngọn nến lung linh thắp sáng cả dòng sông Thạch Hãn, những giọt nước mắt và cả ly rượu, bài thơ đọc cho những đồng đồi đã mất, hay những lời thì thầm của người mẹ già lặn lội vào thăm con và các đồng đội đang nằm lại mảnh đất Quảng Trị anh hùng, dẫu cuộc chiến tranh đã lùi xa gần năm mươi năm.
Theo ước tính, hàng năm tỉnh Quảng Trị đón tiếp trên 70.000 lượt khách trên mọi miền đất nước đến tri ân, thăm viếng mộ liệt sỹ. Quảng Trị là tỉnh duy nhất được Nhà nước đầu tư xây dựng Nhà khách đón tiếp thân nhân liệt sỹ 27/7, hàng năm Nhà khách đã đón tiếp, phục vụ trên 9.500 lượt thân nhân liệt sỹ đến thăm viếng các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức các hoạt động đón tiếp, hướng thân nhân liệt sỹ đến tìm kiếm thông tin, thăm viếng mộ liệt sỹ đã để lại những dấu ấn tốt đẹp đối với người dân trên mọi miền Tổ quốc, làm yên lòng các thân nhân có liệt sỹ đang yên nghỉ tại tỉnh Quảng Trị.
Tôi còn nhớ vào năm 2015, tỉnh Quảng Trị đã phát động thực hiện Chương trình ‘‘Hoa dâng mộ liệt sỹ”, đã vận động được trên 4 tỷ đồng. Nhờ vậy, mà tất cả các phần mộ liệt sỹ trong nghĩa trang liệt sỹ và mộ liệt sỹ do gia đình quản lý trên địa tỉnh đều có bình, hoa và được thay hoa mới vào dịp ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7) và tết Nguyên đán hàng năm. Chương trình ‘‘Hoa dâng mộ liệt sỹ” không chỉ làm cảnh quan trong nghĩa trang liệt sỹ trở nên nghiêm trang hơn, mà qua đó còn góp phần làm yên lòng thân nhân liệt sỹ trên mọi miền Tổ quốc có con em hy sinh trên chiến trường Quảng Trị, đồng thời đây cũng là hoạt động giáo dục đạo lý ‘‘Uống nước nhớ nguồn”, ‘‘Tri ân anh hùng liệt sỹ” đối với toàn thể cán bộ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ .
Tôi còn nhớ những khoảnh khắc vào tháng Bảy, người cựu chiến binh về thăm đồng đội ở Nghĩa trang Trường Sơn, anh đã khóc rất nhiều, ôm từng ngôi mộ là những người bạn chiến đấu thân thiết một thời.
Tháng Bảy, gửi lên sống mũi cay cay nước mắt, đi qua hàng ngàn bia mộ liệt sĩ Đường 9, Trường Sơn và cả nấm mộ tập thể Thành Cổ ai cũng lặng nhìn nhau không nói.
Tháng Bảy, mùa hoa đăng nở kín dòng sông lịch sử Thạch Hãn, người người ngước nhìn mặc niệm, đồng đội tìm về rưng rưng, dòng sông trăm ngàn ngọn nến thành một ngọn nến cháy lên một thời hào hùng.
Tháng Bảy, dù đi đâu, làm gì, người dân Quảng Trị luôn hướng về ngày kỷ niệm quan trọng này. Biết bao cảm xúc, niềm tri ân biết ơn dâng trào về những anh hùng liệt sĩ đã không tiếc xương máu cho quê hương được bình yên, phát triển. Ngay những ngày tháng Bảy này đây, người người hội tụ về mảnh đất Quảng Trị linh thiêng để cũng tưởng nhớ về những tháng ngày oanh liệt, hào hùng và hát mãi bản anh hùng ca “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.