Còn chiếc áo nào cho em

Yên Mã Sơn |

Đã nhiều năm trôi qua trên thũng lũng nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, mỗi độ giáp Tết mẹ lại chuẩn bị những chiếc áo cũ năm nào của mấy chị em, giặt, là tươm tất rồi đưa lên chợ. Không phải bán, không phải đổi lấy những nhu yếu phẩm khác mà để cho!

Mùa xuân về, khi những chàng thanh niên trong bản làng đưa rựa và thức ăn vào rừng để kiếm những cành mai khẳng khiu mọc trong lèn đá ra thị trấn bán, khi những đồng bào người thượng lũ lượt dắt con cháu họ từ rừng sâu băng qua con đường thôn bản để xuống chợ, móc hết túi tiền đã dành dụm từ việc bán trái cà, trái ớt, những nải chuối nhưng vẫn mua không đủ những bộ áo quần mới cho trẻ con mặc Tết thì mẹ lại chuẩn bị một công việc mà mẹ đã làm bằng tình thương, lòng nhân ái chưa bao giờ cũ! Đó là quan tâm đến những trẻ em khốn khó, thiếu thốn để có một cái tết ấm áp bằng những chiếc áo đi xin từ hàng xóm, người bà con và ngay trong nhà mình.
 
Ảnh: Gió coffee & Photo 

Những bản làng người Vân Kiều, Pa Cô nằm cheo leo bên vách núi, mùa xuân về khi hoa ban nở trắng trên lưng đồi, thế mà cái rét dường như chưa chịu dừng lại, nó vẫn quất vào da thịt những đứa trẻ khi chúng mặc những chiếc áo mong manh, có đứa không có quần nhưng vẫn lon ton chạy theo mẹ xuống phố. Mỗi mùa đông, anh em chúng tôi luôn chứng kiến cảnh này mà chạm lòng trắc ẩn, sự đồng cảm của những đứa trẻ ngây thơ trong chúng tôi cùng lắm chỉ thốt lên: “Mặc thế mà nó không lạnh à, ốm mất” mỗi khi thấy chúng ở chợ. Còn mẹ thì nhìn chúng bằng ánh mắt xót xa, như những đứa trẻ đó do mẹ đứt ruột đẻ ra vậy.

Bởi thế, cứ đến cuối tháng chạp, mẹ lại giục mấy chị em trong nhà gom áo quần cũ lại, rồi bảo qua nhà hàng xóm “xin” thêm. Nhà có khá giả gì đâu, mỗi năm được 2 bộ áo quần đi học, ngoài ra được thêm một cái áo nữa để mỗi lúc đi chơi với bạn bè thế mà năm nào 5 chị em trong nhà vẫn có áo quần cho trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số. Mẹ bảo mình có khó khăn một tý nhưng còn may mắn hơn họ, cho đi một chiếc áo nhưng đổi lại mình nhận được một sự đầm ấm, hạnh phúc trong tâm hồn con ạ, như trong nhà Phật đã từng nói: “An ủi lớn nhất đời người là sự bố thí” vậy.
 
 Ảnh: Gió coffee & Photo

Chúng tôi hiểu được tấm lòng của mẹ nên hàng năm sau khi giặt, là xong những chiếc áo quần cũ, chúng tôi theo mẹ lên quán gạo nằm bên ngôi chợ nghèo. Dường như ở đây trở thành một điểm hẹn để những bà mẹ dân tộc đưa con mình đến đây để nhận áo quần. Tôi nhớ một lần mặc chiếc áo cho đứa nhỏ run cầm cập vì lạnh, người mẹ nhìn tôi bằng đôi mắt tạ ơn rồi nói giọng lơ lớ tiếng Việt: “Mẹ chúc con lấy chồng tốt, lấy chồng tốt nghe con…”. Tôi đỏ mặt ái ngại rồi cười đôn hậu chào mẹ.

Năm nay mùa xuân lại về, vẫn nghe trong gió chút lâng lâng, êm dịu của tiết xuân nhưng giữa núi rừng ở thung lũng tôi sống vẫn còn rét mướt, hơi đá, sương muối lạnh tê người. Mỗi chúng tôi giờ đã lớn, quán gạo mẹ vẫn còn nằm liêu xiêu ở chợ. Không biết giờ này mẹ và con Út đã đi gom quần áo chưa? Nghĩ đến điều đó lòng tôi ấm áp kỳ lạ!

TAGS

Tháng Mười hai lặng lẽ

Diệu Ái |

Tháng Mười hai lặng lẽ sang khi người ta chưa kịp chuẩn bị gì cho cuối năm nhiều trăn trở. Gió đung đưa chiếc phong linh từ ngôi quán nhỏ và mùi cà phê thơm rộn rã khiến góc phố vốn bình yên thêm dịu dàng.

Nhớ khói

Hoàng Hải Lâm |

Đôi lúc tôi tự hỏi, phải chăng tôi thèm khói cùng với những yêu thương. Cha đi hơn chục năm để lại ngôi nhà trống vắng, mạ cũng đi làm mây.

Đường mòn hun hút trong mơ

Yên Mã Sơn |

Đi giữa đại lộ thênh thang, xe cộ trôi như dòng kênh mà nhớ đường làng. Đường làng quanh co nối những chiếc ngõ khép mình trước nếp nhà tranh mái bạc.

Những giấc mơ ướt

Yên Mã Sơn |

Con đường bêtông dẫn vào khu nhà lá nhập nhòa ánh điện sau cơn mưa đột ngột. Hai đứa trẻ đứng dưới mái hiên bên cạnh những thùng xốp hứng nước mưa đợi chị về.