Đàn bà và những giọt nước mắt đêm

Nguyễn Thị Việt Hà |

Khi đèn đã tắt, tiếng con thở đều trong giấc ngủ, cô nằm xuống, nước mắt chảy ra từ đôi mắt trong veo hấp háy cười.

Cô không kịp lau lớp son phấn trên mặt, chỉ kịp lột đôi guốc đỏ, ào vào nhà ôm lấy con hỏi ở nhà có ngoan không, có nhớ mẹ không, có uống sữa không? Thằng bé cười vu vơ, lấy tay sờ lên mũi mẹ, rất chậm nó trả lời: “Dạ có”. Cô bế con trai, hai mẹ con chơi trò bầu trời, cười khanh khách. Hai má chạm nhau, cô thầm thì: “Vui rồi thì ăn cơm nha”. “Dạ có”. Bốn tuổi, thằng bé chưa biết nhai, tay run run xúc từng muỗng một, rất ít cơm nhiều nước canh, khoảng một tiếng, bữa trưa kết thúc.

Tranh minh họa: Lê Thiết Cương.
Tranh minh họa: Lê Thiết Cương.

Thằng bé bắt đầu kể chuyện, có thể đó là những gì nó nhìn thấy hoặc nghe thấy, cô men theo những âm thanh rối loạn của con để chắp nối câu chuyện và tham gia vào thế giới bí ẩn đó. Tựa như ngàn mảnh ghép rời rạc, cô kiên nhẫn chắp nối từng mảnh một. Thằng bé chơi các ngón tay của mình, cô đan những ngón tay mình trong đó, thằng bé nhoẻn miệng cười, chớp chớp mắt rồi ngủ. Rất chập chờn, rồi cũng ngủ. Bao giờ cũng vậy, giấc ngủ đến với nó cực kì khó khăn.

Cô rời khỏi giường, đứng trước gương, khoát nước lên mặt, lớp son phấn trôi xuống, khóe mắt trĩu nặng vết chân chim, hai gò má những bệt nám như tố cáo nước da lão hóa trước khi cô kịp già. Mắt cô hoen đỏ, đôi dòng nước chảy ra từ đó, không rõ là nước hay là nước mắt.

Ăn vội chén cơm, dặn cô giúp việc cho cháu uống sữa, như thường lệ cô sẽ về trước 16 giờ. Giày cao gót, váy ôm body, son môi đỏ, tóc bồng bềnh, mắt long lanh, không ai biết sau cánh cửa đó có một người phụ nữ quá tất bật, quá nhiều lo lắng và muộn phiền đã sống.

Công viên mùa thu, những bà mẹ khác đưa ánh mắt tỏ vẻ thương cảm đến hai mẹ con cô. Hình như đối tượng được thương cảm không hề biết đến điều đó. Họ đang duỗi chân ra ở dưới một tán cây, thằng bé khám phá dưới lớp vỏ xù xì bỗng bật ra một chồi non tơ, nó reo lên, kéo tay mẹ hứng nước từ chiếc vòi cách đó không xa tưới lên lên chiếc chồi nẩy lên từ thân cây.

Cô định giải thích với con nước không phải là điều quan trọng nhất đối với một chiếc chồi ở thân cây, phải tưới ở dưới gốc cây kia. Nhưng cô bật cười, người vô lý phải là cô kìa, một chút mát lành cho chiếc chồi non chẳng có gì là thừa. Cũng không phải điều gì lộn xộn hơn sự sắp xếp của tạo hóa thông thường cũng chẳng có gì phải quá sợ hãi. Hãy cứ bình yên, hãy cứ dịu dàng, hãy cứ chấp nhận, hãy cứ tin và hy vọng, mọi việc sẽ ổn theo một nghĩa nào đó.

Chống đối cuộc đời bằng nỗi mệt nhọc, đớn đau, khổ sở thì chỉ mang về hơn chừng ấy những điều đã chống đối. Cô chìa đôi bàn tay thân thiện với cuộc đời và chấp nhận tất cả nhưng luôn luôn hy vọng. Người ta thấy lửa luôn cháy trong trái tim cô và sức chịu đựng có thể đã vượt quá xa giới hạn của con người.

Kỳ thực, người đàn bà ấy, khi đèn đã tắt, tiếng con thở đều trong giấc ngủ thần tiên, cô nằm xuống, nước mắt chảy ra từ đôi mắt luôn trong veo hấp háy cười, cô ôm cuộn lấy chiếc gối, nỗi đau khổ như tràn lấp, cơn mỏi mệt đến tận cùng, cơ thể như vụn vỡ. Nhưng tất cả điều ấy không ai biết hoặc chứng kiến cả. Ngoại trừ bóng đêm.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Biết đâu, là lần sau cuối

Diệu Ái |

Tôi luôn đinh ninh rằng, đời này mình sợ nhất là những lần sau cuối, dù vô tình hay hữu ý với bất cứ một mối quan hệ nào. Tôi sợ nhất đó là lần cuối cùng gặp lại ai đó bằng những ký ức không mấy tốt đẹp, bằng vài ý niệm chẳng gì hay ho, bằng những hối tiếc giá như này nọ…

Học cách chia sẻ yêu thương

Thạc sĩ Nguyễn Quế Kỳ |

Từ xưa tới nay, chia sẻ, yêu thương luôn là truyền thống nhân đạo tốt đẹp của người Việt Nam, được nhân dân gìn giữ và không ngừng phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng thể hiện đúng ý nghĩa tốt đẹp đó. Do vậy, chúng ta phải học cách chia sẻ yêu thương để thực sự lan tỏa, làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.

Thay đổi hành vi, thay đổi cuộc đời

Hoài Nam |

Khi nói đến bạo lực gia đình, người ta thường hay nhắc đến cụm từ “vòng tròn bạo lực”. Vòng tròn này được hiểu là sự lặp đi, lặp lại của một chu trình: Mâu thuẫn - bạo lực - trăng mật - bình yên - mâu thuẫn…, tạo nên vòng luẩn quẩn mà người phụ nữ không thể nào thoát ra được. Hoặc là im lặng, nhẫn nhục chịu đựng, hoặc là nuôi hy vọng về sự thay đổi của chồng khi đang trong giai đoạn “bình yên” của vòng tròn bạo lực, tất cả điều đó khiến tình trạng bạo hành không thể chấm dứt đối với một số phụ nữ.

Bánh sắn nhà nghèo

Minh Thi |

Là một người hảo ngọt, tôi rất thích ăn bánh, đặc biệt là các loại bánh quê như bánh nếp, bánh ram, bánh đậu, bánh sắn,…Hôm rồi trên đường đi chợ, thấy bên đường có bày bán rổ bánh sắn, tôi mừng húm mua luôn mấy chục cái bỏ ngăn đá, hấp ăn dần.