Đếm

Yên Mã Sơn |

Cuộc sống con người đôi lúc cứ quẩn quanh trong chuyện “đếm”: Cuối ngày đếm tiền để biết lãi lỗ, đếm bầy gà trước khi lùa vào chuồng xem mất con nào. Nói chung cái “sự đếm” khiến từng con người phải đau khổ hay hạnh phúc tùy vào sự mất mát hay thặng dư!

Thở còn nhỏ, chơi trò bi chai. Cả buổi sáng lăn lộn với đám bạn giữa đất bụi, người lấm láp mồ hôi quên cả giờ cơm trưa để chuẩn bị đi học. Mẹ gọi về, lần lữa, kỳ nèo làm sao để chơi lâu hơn tý nữa, có đứa bố nó phải cầm cây roi dương đi gọi mới về. Trước lúc ra về, đếm bị xem mất viên nào, rơi viên nào và đám bạn thắng được bao nhiêu viên. Chỉ là viên bị nhưng cái tuổi thơ của từng đứa trẻ đi từ nhà đến trường đều “ấm ức” khi túi bi chai của mình bị thằng bạn hàng xóm “ăn” mất vài viên!

 
 Cuộc sống con người quẩn quanh trong sự đếm. Ảnh: ITN
Đến lớp, việc đầu tiên là cô giáo đếm học trò, xem đứa nào nghỉ học. Cuối tuần cô lại đếm để trừng phạt đứa nào vô phép tắc. Sau sự đếm cô thường nhăn mặt và tươi cười!

Tối về, mẹ giục lên đồng lùa bầy vịt về nhà, thế là phải đếm từng con một trước khi chúng vào chuồng. Tối thế nào mẹ cũng quát đứa nào “xơi” mất con vịt của mình nếu bầy vịt thiếu số lượng.

Lớn lên, cái sự đếm đó lại hiển hiện cụ thể bằng nhiều vật chất và mất mát về tinh thần ghê gớm. Cuối tháng thường đếm lại túi tiền của mình xem còn bao nhiêu để còn cân đối chi tiêu và gọi viện trợ của bố mẹ cho kịp thời. Đôi lúc muốn mua một cuốn sách hay, lại kiểm tra hầu bao rồi tiếc rẻ khi mình không thể mua nổi. Sau cái sự đếm đó làm mình “nhịn” một món ăn thuộc về tinh thần – nhịn sách! Có những “hệ quả” sau cái đếm nó làm tổn thương và gây hậu quả khôn lường như kiểm tra két sắt sau khi được tin có trộm đột nhập, đếm dưới gầm bàn xem có bao nhiêu vỏ bia để thanh toán sau bữa tiệc linh đình.

Cuối ngày, tôi thường đi chợ muộn vì do công việc. Ra chợ lúc chập choạng tối, lúc hàng quán sắp khép cửa ra về, từng người bán bày tiền ra đếm để “quyết toán” sau một ngày cần mẫn. Khuôn mặt họ vui tươi, niềm nở nếu trúng quả đậm; méo xẹo và cau có nếu thất thu. Có lẽ ra chợ lúc này sẽ nhìn thấy con người trẻ thêm hay già đi theo từng cung bậc của cảm xúc và tùy theo cái kết quả của sự đếm. Bởi thế người ta hay bảo, muốn biết thế sự trần ai của đời này thì hãy ra chợ mà ngó!

 
 Sự đau khổ hay hạnh phúc tùy vào sự mất mát hay thặng dư. Ảnh: ITN
Cũng có nhiều sự đếm lắm gian truân. Khi về già người ta thường khó ngủ, để đi vào giấc ngủ người ta lại đếm. Lúc này mới biết dãy số tự nhiên là dãy số đơn giản nhất được học từ tấm bé, đến lúc gần đất xa trời mới hay nó hiệu quả! Nhưng cũng đâu có dễ dàng mà đi vào giấc ngủ, có những lúc đếm đến sáng mà vẫn không chợp mắt, mới hay sự đếm là…vô cùng!

Khổ nhất vẫn là người đếm thời gian bằng những vết gạch ngang trên bờ tường. Ngày xưa ba tôi đi bộ đội, mẹ tôi đợi chờ mòn mỏi. Bà đếm ngày tháng qua từng gạch đen của mẩu than củi ở trong buồng ngủ. Bờ tường hết chỗ để đánh dấu mà ba tôi vẫn chưa về. Đôi lúc mẹ tôi vẫn nghĩ những gạch than màu đen ấy sẽ nối mãi đến nơi vô cùng trong cái hữu hạn của đời người. Mẹ tôi buồn, khổ đau và hi vọng sau từng gạch than đen sì ấy. Mới hay sự đếm nó như gươm như đao, làm chảy máu từ vết thương này đến vết thương khác!

 
 Sự đếm nó như gươm như đao, làm chảy máu từ vết thương này đến vết thương khác. Ảnh: ITN
Người tù đếm thời gian qua từng tờ lịch, thế nên người ta gọi từ “bóc lịch” để nói về kẻ ngồi tù. Thi sỹ đếm lá mùa thu để làm thơ, nhà thông thái đếm nỗi buồn và niềm vui để chiêm nghiệm, nhà sư đếm tràng hạt để nghĩ về chúng sinh, trẻ con đếm que tính để chuẩn bị bước vào cuộc đời đầy gềnh thác mà “sự đếm” hay sự được - mất đang ẩn nấp đâu đó.

Riêng kẻ làm điều ác, những vị quan tham thì chẳng bao giờ đếm xem túi mình đã đủ chưa và tối đến cũng chẳng bao giờ mất  ngủ về những gì mình đã làm nên không phải đếm 1…2…3…n.

Cuống rạ cắm vào đất quê

Hoàng Công Danh |

Trở về làng vào mùa trăng chín, những hạt lúa vàng cũng đã về nhà mà vào bồ. Đêm còn lại lát trăng mỏng như mâm ngọc sau lễ cơm mới, cứ chênh chênh tỏa sáng.

Tiếng khèn 

Yên Mã Sơn |

Ông bạn tôi làm văn hóa ở một huyện vùng cao. Ông am hiểu, biết nhiều chuyện về cuộc sống của dân tộc thiểu số.

Nếp tranh xưa

Hoàng Công Danh |

Buổi chiều, cỏ tranh dựng đứng lên xếp thành một lũy ở bìa làng. Ngay khi rễ cỏ còn vương dấu đất, loài tranh đã tự biết làm phên chắn gió cho một cõi linh thiêng tục gọi cồn Mai. Trong ý nghĩ của người quê, cỏ tranh biểu thị cho sự ấm áp và đôn hậu.

Chiều ô môi

Hoàng Hải Lâm |

Cũng không còn nhớ hôm đó là ngày tháng mấy. Tôi là trẻ con, nhớ cái gì đó chỉ thoáng qua.