Đợi…

Minh Đức |

Dưới ánh nắng chiều vàng vọt, trơ trọi giữa ngọn đồi bên mấy hàng phi lao đang cố gồng mình qua những cơn gió Lào bỏng rát, có ngôi nhà của mợ tôi. Mợ năm nay đã ngoài 70 tuổi, quên quên, nhớ nhớ. Nhưng câu chuyện về mợ thì lại được nhiều người nhớ đến.

Năm 1977, lấy nhau được 2 tháng thì cậu lên đường nhập ngũ vào chiến trường biên giới Tây Nam, mợ ở lại một mình đến bây giờ. Thời gian hạnh phúc quá ngắn ngủi nên cậu mợ chưa có con. Từ ngày xa nhau, mợ chỉ nhận được duy nhất một lá thư, sau đó mất liên lạc với cậu.

“Ông ấy hỏi em có ăn nhiều không, nhớ giữ sức khỏe, đợi anh về, mình sinh hai thằng con trai, nghe... Đưa đồ ăn cho tao, tao ăn cho khỏe…”. Lần nào cũng vậy, hễ tới nhà lại thấy mợ tay cầm lá thư đã úa vàng, nhòe không còn thấy chữ, lặp lại lời cậu trong thư và đòi ăn cho khỏe như cậu dặn.

Chiến tranh kết thúc, cậu tôi trở về không còn lành lặn vì mất đi đôi bàn tay, mắt một bên hỏng mờ không nhìn thấy. Nói là trở về nhưng thực ra theo lời bà ngoại kể thì cậu chỉ đứng nép bên mấy cây phi lao, lén nhìn mợ. Thấy người vợ xiết bao yêu thương mong nhớ của mình vẫn khỏe mạnh, mặn mà như còn son rỗi, chờ đợi một hạnh phúc, cậu tôi chạnh lòng. Thế rồi cậu quay lưng đi.

Sau khi tạt qua thăm bà và các anh, chị, em, cậu đi biền biệt… Cậu dặn lại rằng cứ báo về cậu đã hy sinh, để mợ đi bước nữa, tìm người lành lặn, có khả năng xây dựng gia đình trọn vẹn. Với cậu, đó là điều tốt đẹp nhất có thể dành cho mợ lúc đó. Dẫu gia đình cố giữ lại, dẫu anh em, bạn bè bảo cậu “ác” nhưng cậu vẫn cứ đi.

Mợ tôi, sau khi nhận tin báo chồng đã hy sinh thì nhất mực không tin. Mợ đi khắp nơi, tới chính quyền hỏi giấy chứng tử, hỏi bằng được gia đình là ai đã báo tin về. Mợ như gục xuống khi tất cả tin tức đều chung chung, mơ hồ.

Đau khổ có, buồn thương có, nhưng mợ vẫn luôn nói với mọi người rằng: “Chồng tui chưa chết mô, tui vẫn đợi!”. Ngày ngày, tháng tháng cứ nối nhau trôi qua, mợ một mình khi thì chạy chợ, khi xuống bến bán cá, đan lưới… Làn da rám nắng và nụ cười tươi tắn của người phụ nữ làng chài vừa ngoài 30 khiến không ít người vương vấn.

Bà tôi kể, số người thương yêu, mong muốn được nên duyên với mợ nhiều lắm… Thế nhưng khi nói nhẹ, lúc nói nặng, mợ vẫn kiên quyết bảo rằng chồng đi làm ăn xa chưa về, xin họ đừng nghĩ sai. Mợ còn dành dụm mua một chiếc nhẫn bạc đeo vào tay, nói là nhẫn cưới, để không bị cánh đàn ông “làm phiền”.

Ban ngày làm việc ở hợp tác xã, chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo, đêm về mợ lại thui thủi một mình. Bà con lối xóm bảo, một mình thế nhưng chưa bao giờ thấy mợ buồn. Nhiều khi còn hát ngân nga: “Em vẫn đợi anh về, như buồm căng đợi gió, như trời xanh đợi chim, như lòng em khát anh, như đời khát hòa bình…”.

Thấm thoắt đã hơn 40 năm kể từ ngày cậu trở về rồi quay đi không cho mợ hay biết. Mợ tôi nay đã yếu lắm, không nhớ rõ từng người, không nhớ tên cháu chắt, nhưng duy chỉ có bức thư của cậu, mợ vẫn giữ như báu vật. Còn cậu nghe đồn rằng vào An Giang, sau đó đã xây dựng gia đình.

Bà không muốn mợ buồn, cũng không kể lại. Bởi trên đời này có những điều không cần phải rạch ròi sai đúng. Tôi không muốn xác minh những lời đồn đại, cũng không phán xét ai, chỉ chắc chắn một điều rằng, tình thương của họ dành cho nhau là thật, lòng chung thủy của mợ dành cho cậu là thật.

Chiều nay ghé vào thăm mợ, bên song cửa vương từng sợi tóc trắng bay bay, mợ tôi vẫn cười, nụ cười móm mém nhưng đầy tin tưởng: “Có chi cho tao ăn, cho khỏe để tao chờ ông ấy không?”. Nhiều người nói rằng cuộc đời mợ gói trọn trong một chữ đợi, để rồi cuối đời vẫn cứ mãi ngóng trông…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Làm thế nào để trở thành người có giá trị?

Thùy Chi |

Chúng ta hãy chịu khó nhận thêm sách ấn tống tại chùa để về xem thêm, để mở mang trí tuệ vì không ai biết hết mọi thứ. Tận dụng thước khuôn trí tuệ của đức Phật để giúp chúng ta sống tốt, sống hữu ích.

Thư ngỏ

Hoàng Nam |

Chương trình học bổng “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” là một chương trình mang tính xã hội nhân văn sâu sắc, có hiệu quả thiết thực nên đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng đầy trách nhiệm và tình cảm của các tổ chức, cá nhân giàu lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh Quảng Trị suốt 18 năm qua.

Khát vọng hòa bình trên miền đất Quảng Trị

Lê Đức Dục |

Tháng Bảy năm nay ở Quảng Trị, dường như khách hành hương về đông hơn mọi năm. Không chỉ vì sau hai năm đương đầu với đại dịch, nay mọi người về với đất thiêng như để bù vào những tháng Bảy lỡ hẹn trước đây, mà còn vì năm nay là dịp lễ trọng, tròn 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947- 2022). Câu chuyện của dịp 27/7 còn chứa đựng giấc mơ khác về một Lễ hội Hòa bình sẽ diễn ra trên mảnh đất mang tầm vóc nhân loại này.

Mùa xuân ở lại nơi này…

An Khanh |

Tôi đến Thành Cổ Quảng Trị nhiều lần, song lần nào cũng trào dâng cảm xúc khi dừng chân nơi Đài chứng tích sinh viên-chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị. Tháng 7- bầu trời Quảng Trị xanh hơn trong cái nắng hanh vàng. Gió từ sông Thạch Hãn thổi vào làm dịu mát sự oi nồng tháng hạ. Trong không gian tĩnh lặng chốn linh thiêng, tiếng vọng rì rầm từ lòng đất như đang kể câu chuyện về những mùa xuân đã ở lại nơi này…