Dòng sông làng tôi

Nguyễn Thị Thúy Ái |

Một con sông chảy qua làng quê, nơi trẻ em tắm mát những trưa hè, ngụp lặn bắt cá tôm mỗi sáng chiều với bao kỷ niệm thân thương theo suốt cuộc đời, là một hình ảnh đẹp gắn kết nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc.

Tôi không sinh ra ở vùng sông nước, không được tắm mát tuổi thơ bên một dòng sông, nhưng như một sự bù trừ của số phận, tôi đã có một con sông trong nỗi nhớ niềm thương khi về làm dâu, trở thành đứa con của làng. Tình yêu với con sông quê được vun bồi bằng những câu chuyện kể, những kỷ niệm ngọt ngào và dữ dội về sông trong ký ức của chồng tôi, một chàng trai xứ biển mạnh mẽ, mộc mạc nhưng cũng đầy lãng mạn.

Làng Hà Tây, xã Triệu An, thuộc Nam Cửa Việt (huyện Triệu Phong) là một ngôi làng nhỏ ven biển đã có hàng trăm năm tuổi, bắt đầu từ những cư dân phía bắc vào khai hoang lập làng. Là một ngôi làng ven biển của vùng đất cát trắng quanh năm nghe tiếng sóng vỗ bờ, Hà Tây mang một vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình với một bên là động cát rộng lớn có đầy cây xanh mà bà con ở đây gọi là rú, bên kia là dòng sông nhỏ đổ ra biển nơi những con thuyền đánh cá trở về vào mỗi sáng. Cũng chính nhờ rú cây xanh và dòng sông mà cái nắng gắt với gió lào nóng bỏng khi mùa hè về ở đây được hạ nhiệt đỡ gay gắt.

Sông quê - Ảnh: Lê Quang Hồi
Sông quê - Ảnh: Lê Quang Hồi

Lần đầu về quê đi chợ với mẹ và chị, tôi đã xao xuyến với cảnh những chiếc thuyền cập bến đưa những con cá, tôm, mực còn tươi rói lên chợ bán. Dòng sông là sinh kế của bà con làng biển, là nơi đã để lại bao kỷ niệm tuổi thơ của chồng tôi. Có lẽ vì vậy mà dù không lớn lên bên dòng sông này, nhưng tôi vẫn cảm nhận được những yêu thương gắn bó mà chồng tôi đã gắn bó với chốn quê này. Và từ lúc nào không rõ, tôi đã yêu thương nó với tình yêu của một người con với quê nhà.

Dòng sông Hà Tây bắt nguồn từ khe núi, chảy qua ruộng đồng rồi đổ ra Cửa Việt. Là con sông gần biển nên sông có nước lợ và là một nguồn lợi thuỷ sản lớn, đã nuôi sống bao thế hệ người làng. Trên dòng sông này, một thời chồng tôi cùng chúng bạn đã ngụp lặn thả lưới, cắm câu, bắt tôm, bắt cá. Ngày đó, cá tôm còn nhiều, tôm bạc và cua là đặc sản dòng sông dành cho người dân quê. Sự giao thương lúc đó chưa nhiều, bà con chủ yếu là tự cung tự cấp. Với một xứ sở nắng gió khô khan, cây lương thực chính là khoai lang thì cá tôm, cua mực là món quà thiên nhiên dành cho để mang đến cuộc sống ấm no hơn cho bà con thôn làng.

Khi trở thành người con dâu của quê hương và đến với dòng sông này, tôi có thể hình dung phần nào tuổi thơ của chồng, sớm lội sông bắt cá, tối lội biển kéo tôm, vất vả mưu sinh bên con sông quê nối liền ra biển. Bà con trong làng kể lại, con sông ngày ấy rộng hơn với rất nhiều cây bần, cây chá...mọc dày, tạo bóng mát và cũng là nơi tôm cua cá về trú ngụ. Công cụ đánh bắt ngày đó thô sơ, hơn nữa người dân luôn có ý thức giữ gìn nguồn thuỷ sản quý giá, nên dòng sông luôn có nhiều tôm cá và chỉ cần chăm chỉ một chút để thả lưới, buông câu, cắm nò...là người ta sẽ có đủ thức ăn trong ngày.

Cứ tối đến, sau khi cơm nước và học bài xong, chồng tôi cùng với anh em trong xóm lại xách cần đi thả câu, xách nơm đi úp cá, hay cầm đèn để đi soi cua, bắt tôm. Cá tôm bắt được, mẹ sẻ chia ra, phần để ăn trong ngày, phần bán bớt để mua thêm thực phẩm, đồ dùng, phần xẻ phơi khô hoặc làm mắm để dành những tháng mùa mưa lạnh không đánh bắt được.

Nhà tôi ít người, không có điều kiện theo tàu ra biển khơi nên cuộc sống dựa vào con sông làng rất nhiều. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng con sông làng với nguồn thuỷ sản tươi sống của thiên nhiên đã giúp dân làng có một cuộc sống khoẻ mạnh, ít ốm đau bệnh tật. Cùng với nguồn cung cấp tôm cá, con sông làng còn mang lại sự dịu mát thanh bình, góp phần vào môi trường trong lành của làng quê.

Dòng sông bây giờ vẫn còn đó, nhưng dòng chảy thu hẹp dần vì nhiều yếu tố, trong đó phần nhiều là do con người. Những rặng cây lớn ở ven sông giờ không còn nữa, nước cạn, nạn đánh bắt nhiều bằng những cách thức huỷ diệt cùng với ô nhiễm nguồn nước thải từ nuôi tôm đã khiến lượng thuỷ sản dần cạn kiệt.

Cũng như bao lần trước, dạo này về thăm quê chúng tôi đi dọc theo bờ sông từ phía Cửa Việt lên, qua chợ Hà Tây rồi tiếp đến thượng nguồn của con sông. Con đường được bê tông hóa theo chương trình nông thôn mới đã thay con đường đất sạn đỏ thuở nào.

Tôi ngước nhìn chồng, khóe mắt của anh ấy ngấn đỏ, biết là anh đang xúc động về những kỷ niệm với dòng sông. Còn tôi, tôi ước giá như biết và được đến với dòng sông này sớm hơn.

Cuộc sống làng quê giờ đã nhiều thay đổi. Bằng sự năng động và quyết đoán, dám nghĩ dám làm, thế hệ trẻ hiện nay đã tham gia vào lực lượng lao động cả trong nước và nước ngoài. Sự cần cù chăm chỉ của họ đã được đền đáp bằng những ngôi nhà khang trang, những tiện nghi đầy đủ cho cuộc sống. Nhưng cuộc sống phát triển cùng với việc môi trường không còn được như xưa và dòng sông cũng mất đi cái dáng vẻ nguyên sơ, hấp dẫn như thuở ban đầu của nó.

Buổi sáng ở làng biển mặt trời lên rất sớm. Dưới ánh nắng đầu ngày vàng tươi trải nhẹ, từng đoàn thuyền sau một đêm ra khơi đã về cập bến nơi con sông của làng. Trên bờ người qua lại bán buôn tấp nập, những chiếc thuyền lớn nhỏ đã đưa những loại hải sản tươi rói, còn lấp lánh ánh bạc lên khu chợ làng vừa được xây dựng lại cạnh bờ sông rất khang trang.

Dòng sông quê tôi dù qua nhiều đổi thay vẫn ngày đêm êm đềm trôi chảy, là chứng nhân cho bao phận người nơi đây. Tôi nhìn ra dòng sông, nơi những con tàu đang neo đậu, nghe bao cảm xúc đong đầy. Dòng sông, làng quê ấy, đã là một phần gắn bó với đời tôi.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khi thơ đã sang sông...

Phạm Xuân Dũng |

Nhà thơ Võ Văn Luyến, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị vừa cho ra mắt thêm một đứa con tinh thần “Từ độ qua sông”* với gần 120 thi phẩm, hầu hết được sáng tác trong thời gian gần đây, chất chứa những trăn trở, chiêm nghiệm, suy nghiệm và có thể cả linh nghiệm, mở rộng thêm những chiều kích trong tư duy nghệ thuật. Tác phẩm là sự tiếp nối của các tập thơ trước đó như “Mật ngôn của biển” và “10 ngón thu”.

Sông Hiếu một thời dậy sóng

Đào Tâm Thanh |

Cũng như bao con sông chảy qua những làng quê trên nước Việt thân thương, sông Hiếu an nhiên sống một đời sông nhưng đời sông lại gắn chặt với tình đất, tình người bên lở, bên bồi từ thượng nguồn nơi sông sinh ra cho đến khi sông hòa vào lòng biển lớn.

An Lạc, làng hoa bên sông Hiếu

Đức Việt |

Nép mình bên dòng sông Hiếu hiền hòa, làng hoa An Lạc (Phường Đông Giang, thành phố Đông Hà) từ lâu đã nức tiếng gần xa với nghề trồng hoa truyền thống. Nghề trồng hoa nơi đây không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân mà còn khẳng định vị thế nông nghiệp ven đô.

Sê pôn, dòng sông chỉ có một bờ

Yên Mã Sơn |

Đó là một trong hai dòng sông chạy ngược lên hướng Tây của tỉnh Quảng Trị. Dòng sông chỉ có một bờ, vì bờ bên kia thuộc đất nước bạn.