Giấc mơ đầy rêu

Yên Mã Sơn |

Ai cũng cần có một mét vuông đất để nhớ. Dù nó đầy rêu và đêm mơ thấy mình hay trượt ngã.

Đi lâu thì nhớ. Nhớ ngôi nhà đằng sau con đường đất đỏ. Nhớ bờ ao với vạt bèo xanh biếc dáng mạ ngồi vớt bèo cắt cho lợn. Những gì hiện ra trong cái khoảnh khắc nhớ nhớ thương thương đó lộ rõ hình bóng quê nhà.

Nhớ hồi còn ở làng. Quanh đi quẩn lại cũng từ đầu đồng, cuối chợ. Chán ngấy, bức bách như muốn nổ tung. Tự hỏi lúc rời khỏi cái làng bé bằng bàn tay này, mình sẽ nhớ thứ gì. Lũy tre, triền đê hay hàng cau...? Những thứ đó đâu đâu cũng có, cần gì.

 
Nhớ ngôi nhà đằng sau con đường đất đỏ... Ảnh: Tranh HS Trương Đình Dung 
Nhưng chỉ cần tháng đầu tiên xa nhà, xa quê ăn học ở phố đã nhớ nhà quay quắt. Nhớ cái ang nước cứ róc rách suốt ngày. Cái ang nước với chiếc bao cát lọc nước vàng khè vì phèn. Lại thương người dân quê phải uống thứ nước ấy. Rồi bên cái ang nước là giàn bầu trái đu đưa. Trái nào già ăn được thì cắt dần. Nhà ít người nên mạ không cắt cả trái mà cắt một phần hay một nửa. Phần còn lại treo lơ lửng trên giàn vẫn tươi ngon dành cho ngày sau.

Giữa cái không gian ấy là hình bóng của mạ. Mạ hay đi ra đi vào từ bếp đến cái ang nước, xa hơn thì cái giếng rêu và quyết mọc lún phún xung quanh. Mạ quanh năm đầu tắt mặt tối. Đôi lúc mạ chẳng nhớ nổi ngày tháng. Chỉ biết khi con bé bên nhà nghỉ hè hay mạ nó báo nó sắp về thì mạ bắt đầu ngóng con về!

Học năm ba đại học, nghe quê mình đã có Internet. Bọn con nít, thanh niên đua nhau đi chat chit, chơi game suốt ngày. Đứa em gái học cấp II cũng bắt đầu thích nghi với máy tính. Nó về bảo mạ muốn thấy anh hai ở tận trong Nam không. Mạ mình liền theo nó chạy ra quán Internet để xem đứa con trai mấy tháng chưa gặp. Không biết nhìn cái hình con méo mó, chập chờn thế nào mạ liền khóc bảo sao mà nó ốm thế, lại còn đen.

 
Giữa cái không gian ấy là hình bóng của mạ... Ảnh: Tranh HS Trương Đình Dung 
Sau này mạ bảo không phải khóc vì thấy con gầy. Khóc vì sung sướng được thấy con ở tận chân trời xa xôi. Lúc đó mình bảo mạ đi lại ở ang nước đầy rêu cẩn thận kẻo trượt, bảo nuôi ít lợn thôi cho đỡ vất vả. Mạ lại bảo con em nói anh lo học, đừng ham chơi. Heo, gà mạ bán hết rồi. Đừng lo.

Rồi mình về nhà. Mới tới đầu làng bọn con nít vây quanh. Đứa thì bảo anh Tèo từ phố về à. Đứa thì nói anh Tèo làm cán bộ về thăm quê à. Đứa lại bảo mụ Hỏn (mạ mình) bị té gãy tay, anh không biết à... Mình chạy ù về nhà. Vừa chạy vừa khóc. Vào bếp, mạ đang ngồi bằm chuối, tay trái bó bột. Bếp lửa với nồi cơm sôi sùng sục, khói rơm nghi ngút. Nhìn ra ang nước, nước chảy róc rách như hồi nào. Những đám rêu ở sân được ai đó cạo nhẵn, sạch sẽ như chuẩn bị cái sân cho một buổi lễ nào đó.

Mình đi đi về về như thế mà chẳng biết làng đã lên phố tự bao giờ. Cái bảng tên đường, số nhà trước ngõ. Những ngôi nhà bắt đầu kín cổng cao tường. Dù xóm đã là phố, ngôi nhà vẫn còn cái ang nước, giàn bầu và đặc biệt cái sân nhỏ đầy rêu. Đó là những thứ còn lại mà sự đô thị hóa không xóa được ở nông thôn.

Thế là mỗi lần đi xa mình lại nhớ cái khoảnh sân đầy rêu đó. Trong mỗi giấc mơ cứ thấy mình bị té ngã ở ngay cái chỗ ngày xửa ngày xưa chơi ô quan hay nhảy dây đó. Những giấc mơ cứ lặp lại trên vùng ký ức mình trải qua ngay chỉ một mét vuông đất.

 
 Ai cũng cần có một mét vuông đất để nhớ... Ảnh: Tranh HS Trương Đình Dung

Giờ thì mới hiểu vì sao những Việt kiều hằng năm muốn quay về cố hương. Có người muốn về định cư hẳn. Có lẽ họ cũng có một khoảnh sân để mơ về. Có người thèm nhìn thấy quê hương đã sắm trong vườn mình những thứ thân thuộc, chân quê. Rồi thì có người lập chợ người Việt ở tận xứ người xa lạ để mỗi sáng thấy mớ rau, bó cải.

Ai cũng cần có một mét vuông đất để nhớ. Dù nó đầy rêu và đêm mơ thấy mình hay trượt ngã.

Tạ ơn biển

Trần Hoài |

Cứ mỗi lần về biển, ngồi nghiêm trang trước đĩa mực luộc tươi hồng roi rói, bát nước mắm nguyên chất thơm lừng, trong đầu mình lại dậy lên một câu muốn nói:

- Xin tạ ơn Biển!

Nếp tranh xưa

Hoàng Công Danh |

Buổi chiều, cỏ tranh dựng đứng lên xếp thành một lũy ở bìa làng. Ngay khi rễ cỏ còn vương dấu đất, loài tranh đã tự biết làm phên chắn gió cho một cõi linh thiêng tục gọi cồn Mai. Trong ý nghĩ của người quê, cỏ tranh biểu thị cho sự ấm áp và đôn hậu.

Chiều ô môi

Hoàng Hải Lâm |

Cũng không còn nhớ hôm đó là ngày tháng mấy. Tôi là trẻ con, nhớ cái gì đó chỉ thoáng qua.

Gian bếp

Yên Mã Sơn |

Gian bếp là không gian gắn bó với người phụ nữ phương Đông. Đến nổi có những bà mẹ sắp gần đất xa trời cũng muốn lui tới nơi này. Chẳng làm gì được ở cái tuổi tri thiên mệnh đó nhưng vẫn lục tìm những hạt giống treo giàn khói từ thuở nào, giục con cháu lấy mà gieo trồng.