Nhiều đêm con thức giấc bởi một lời ru. Tiếng ru của một thiếu phụ bên lưng nhà vừa sinh con sao mà buồn man mác! Lời ru theo gió cứ ùa vào căn phòng như dìu con về với tuổi thơ trong những ngày có mẹ.
Nhớ mẹ ngày xưa ru thằng Tý, thằng Tèo. Con nhớ mẹ, người đàn bà suốt đời chỉ biết đến củ sắn, củ khoai, và chưa từng bước ra ngoài cái lũy tre làng! Ở quê giờ này không chừng đã bắt đầu mùa nắng, cái nắng và gió Lào của xứ Quảng Trị không lẫn lộn vào đâu được. Thương mẹ gánh gạo đi trên cát để xuống chợ Chùa bán, vành nón lá nghiêng, nắng như đổ lửa trên đầu còn dưới đất cát nóng như rang. Tuổi thơ con đã có những ngày theo mẹ đi chợ, con đường cát in những bàn chân con nhỏ xíu, mẹ ngắt lấy cho con một ngọn lá chuối để che đầu, mẹ bảo sang chợ bán hết gạo mẹ sẽ mua cho chiếc mũ. Đó là chiếc mũ đầu tiên trong đời để khi đến lớp con khoe với đám bạn.Đường trở về, gió liêu xiêu, cát nóng bỏng, mẹ sợ chân con không chịu nổi nên đã đặt con lên một đầu thúng, đầu kia là những thứ vừa mua được rồi gánh về nhà. Đòn gánh kẽo kẹt, nhịp nhàng cứ nảy lên nảy xuống theo mỗi bước chân của mẹ. Giọt mồ hôi thấm vào quai nón mẹ rồi rơi xuống cát bỏng. Sau lưng, những dấu chân trải dài về phía chân trời... Đến bây giờ những dấu chân ấy cứ ám ảnh con khi nghĩ về mẹ. Năm mười ba tuổi con bắt đầu chăn trâu. Mẹ đùa con trâu này để dành con cưới vợ. Con cười, tự thấy mình thật xấu hỗ khi một ngày nào đó có một người khiến con yêu, thương ngoài mẹ. Mẹ cười hiền lành, đôi mắt đẹp ngày nào giờ đầy vết chân chim. Nhưng con không ái ngại bằng những sợi tóc bạc bắt đầu lốm đốm trên tóc mẹ. Mẹ ít cười đi từ ngày chị Hai không nghe lời mẹ bỏ lên phố kiếm việc làm. Đôi lúc con nghe mẹ khóc một mình. Thấy nước mắt mẹ rơi con cũng khóc theo, mẹ bảo tự nhiên lại nhớ con Hai, nước mắt cứ trào ra chẳng cách nào mà ngăn được. Nhớ có một lần trời nhá nhem tối, con trở về nhà một mình. Mẹ ngạc nhiên hỏi trâu ở đâu sao không dắt về. Im lặng một hồi rồi con khóc, con vừa khóc vừa kể vì quá ham chơi đã để trâu lạc mất. Ba nghe vậy chạy ra vườn bứt ngon roi dương, vừa đánh vừa quát con vì tội ham chơi, còn mẹ vừa ôm con vừa khóc. Con đâu biết hồi đó con trâu nhà mình là cả một gia tài lớn, mất nó xem như đói cả nhà. Con lớn lên bằng tình thương, lòng vị tha của mẹ và sự nghiêm nghị của ba. Con đường làng cát bỏng giờ trở nên quá nhỏ bé và ngắn đối với một chàng trai sức dài vai rộng của mẹ. Con đi học, lên huyện rồi lên phố. Mẹ dõi theo con đi, những sớm mai mẹ đưa ra con ra bến đò đầu làng để qua sông. Hành trang lúc nào cũng có một đùm khoai luộc, đó là món ăn thân thuộc của tuổi thơ mà những đêm dài mẹ ngồi luộc rồi cắt phơi. Mẹ gí vào tay con thêm ít tiền. Tối qua mẹ đã chạy vạy mới vay được tiền và đưa cho con, sáng con đi mẹ cứ sợ không đủ, không ai lo như mẹ. Đi đi con, lên tới nhớ gọi về cho mẹ. Thiếu gì mẹ gửi lên, miễn sao học cho thành tài. Nghe mẹ nói con rơm rớm nước mắt quay đi. Mẹ cũng quay về trong nước mắt như sợ rằng con của mẹ còn quá bé để tự lập. Rồi con ra trường, quyết lên phố kiếm việc và lập nghiệp. Những tháng này khó khăn nơi đất khách, mẹ cứ giục gắng lên. Gắng khi nào không gắng được nữa thì về với mẹ, về đây có mẹ có con, quê mình bửa nay khá hơn nhiều...
Mới đó mà đã hai mươi năm. Tóc con giờ cũng đã thành màu muối tiêu. Về quê, con sà vào lòng mẹ. Tuổi ngoại tứ tuần mà vẫn cứ như đứa trẻ trong mắt mẹ. Mẹ vuốt tóc, mẹ sờ tai bảo sao mà chống già thế. Con thủ thỉ bên mẹ, con thương mẹ lắm! Mẹ bảo thằng này học đâu cái kiểu ăn nói khách sáo quá! Rồi con bảo ước gì mẹ có thể bỏ con trong thúng mà gánh đi chợ như ngày xưa. Mẹ cười móm mém, đôi môi thắm đỏ một màu trầu. Đó là lần cuối cùng con về với mẹ. Lần trở về sau đó thì mẹ đã thành người thiên cổ. Mẹ ơi mẹ ở đâu. Con chạy trên con đường làng đã trải nhựa mà vẫn hình dung được dấu chân mẹ đi trên cát khi xưa.