Tết đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi. Tốt hơn hay xấu hơn tùy góc nhìn của từng người. Rất khó để kết luận thay cho người khác. Nhưng rõ ràng là mọi người dều có cảm nhận thoải mái hơn.
1. Nhớ, Tết xưa, nói thì vui nhưng thực chất ai cũng than mệt, ai cũng thấy những gánh nặng, cả về tiền bạc phải lo, cả về những công việc phải làm - nhất là chị em - cả về những lễ nghĩa phải hoàn tất một cách chu đáo. Riêng cái khoản phải đi chúc tết người này người nọ, không nói những quan hệ làm ăn, cấp trên, cấp dưới, mà chỉ riêng những quan hệ thân bằng quyến thuộc cũng đủ làm nhiều người than thầm... Vì ít nhất có một lý do dễ thấy: ấy là khác với xã hội nông nghiệp truyền thống, chúng ta vẫn gặp nhau hàng ngày, vẫn giao tiếp với nhau qua bao nhiêu phương tiện thế mà cứ lượt đi, lượt về đến mức chẳng biết nói gì. 2. Truyền thông ngày Tết đang ngày càng nhạt, thậm chí nhảm. Là vì nhiều thứ. Nhưng sâu xa nhất là nó thiếu “muối” của điều thật. Thật ở đây là những quan tâm cá nhân của một con người - nói bình thường cũng được, nói trung bình cũng được - chứ không phải quan tâm của một chính khách, không phải quan tâm của những người tài ba xuất chúng. Chừng nào niềm vui, nỗi buồn bình dị cứ bị lấn át bởi những cảm xúc tự hào, những quan tâm to tát, vĩ mô, những điều thực ra rất xa xôi, và nhiều khi không có thực với chính ngay những người sản xuất ra nó, chừng đó, chúng càng trượt dài vào sự giả và sự nhạt.Kết cục tất yếu đến ngày nó sẽ nhảm. Bạn cứ nghe lại bài Happy New Year của ABBA, rồi đọc lời của nó, để thấy, tại sao chúng ta vẫn thích nghe nó mãi dù đó không phải là bài hát vui. Vì nó nói về những tâm trạng mà chúng ta vẫn có, những yếu đuối thường tình của con người, những lầm lạc và sai sót, những buồn đau và hy vọng cho người nhưng trước hết cũng cho mình...
3. Tết là dịp mà mật độ của từ "tự hào" được lặp lại nhiều nhất trên truyền thông. Tự hào vì có những người Việt giỏi giang, xuất chúng; hoặc đơn giản, tự hào vì là người Việt; tự hào vì này nọ kia khác. Không biết mọi người sao chứ tôi cảm thấy oải ghê luôn. Chúng ta không cần tự hào, cần tự tin là đủ. Chúng ta cần được là một người bình thường của thế giới văn minh, hòa nhập với tư cách bình đẳng, đừng để người ta nhìn với ánh mắt kỳ thị, thiếu thiện cảm vì, chẳng hạn, những cách hành xử thiếu văn minh.Không dễ, thật không dễ. Nó cần nhiều những nỗ lực không mệt mỏi từ quan đến dân, nó cần những cải cách thể chế nhưng cũng cần cả dân trí, cần đến cả những thói quen tử tế cho những việc nho nhỏ. Rộng ra, chúng ta thôi đừng nhồi vào đầu con trẻ ước muốn hơn người khác, mà cũng chẳng phải là cái hơn thực chất, phần nhiều chỉ là cái hơn hư danh.