Tinh thần giải thiêng

Hoàng Công Danh |

Dễ thấy càng ngày Tết càng đơn giản. Thứ đơn giản mà người ta gán cho nó một chữ: nhạt. Song, cái nhạt có khi là do chủ ý của con người mà ra.

Ngày trước, cũng mới chục năm lại đây thôi, người ta còn quan niệm mùng một Nguyên đán không quét nhà. Thậm chí ba ngày Tết "nội bất xuất", cái gì trong nhà ta thì cứ để yên đấy. Ai mượn cái gì không cho, muốn tặng ai cái gì cũng đợi qua Tết hẵng tính. Quan niệm như thế vì đầu năm chủ nhân không muốn bị trôi lộc. Vỏ bánh kẹo có thể nhặt lên, chứ vỏ hạt dưa đố ai nhặt nổi. Không cho quét, ngày Tết đi vào nhà ai cũng giẫm lên lớp vỏ đỏ lạo rạo. Rác đấy, nhưng cứ để thế cho thiêng. Và người giẫm cũng dễ bằng lòng chấp nhận, như tôn trọng một phép thiêng.

 
 Gói bánh tét ngày tết. Ảnh: HCD

Bây giờ hình như không ai làm vậy nữa, nhà cửa ba ngày Tết phải sạch sẽ khai quang. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Nhưng kiêng cữ kiểu ở bẩn đã không được thời gian chứng minh. Người ta không thấy một mối liên hệ nào giữa chuyện quét nhà với tài lộc trong năm cả. Và họ không nhất nhất nguyên tắc cũ nữa. Chấp nhận giải thiêng.

Cũng chuyện ngày Tết, sau khoảnh khắc giao thừa người ta thường đi hái lộc. Bẻ một cái nhành cây gì đấy đem về cắm trong nhà. Nhưng bẻ cây ngoài đường không thiêng bằng cây trong chùa. Thế là rủ nhau lên chùa hái lộc đầu năm. Có cây trong chùa bị bẻ rụi hết. Đêm giao thừa, lục tục kéo nhau đi vặt cây như kẻ trộm. Bẻ một nhánh hay bẻ cả cây cũng không làm người ta giàu có lên được nếu chỉ chờ… đi trộm. Có làm thì mới có ăn, thành ngữ tự ngàn đời bất dịch.

Vài đền chùa mở lễ khai ấn, thiên hạ chen nhau giành giật lấy được một cái ấn, như ngắt được một nhánh lộc. Có cái ấn ấy thì phát đạt mua may bán đắt, có cái ấn ấy thì thăng quan tiến chức. Rồi người ra cũng chợt ngộ ra hình như ấn không quá linh thiêng (nếu không muốn nói là chẳng linh thiêng gì cả!). Cả cơ quan rủ nhau đi cướp ấn về mà ai cũng thăng quan thì lấy đâu ra "ghế". Bảo nhau sang năm không đi nữa. Lại một dịp giải thiêng.

 
 Ảnh: HCD

Rồi cả chuyện xông đất, hình như đã nâng tầm nó lên thành một tâm thế của văn hóa, gọi tục xông đất. Giờ người ta cũng ít nặng nề chuyện này, người vào nhà đầu tiên năm mới tuổi tác ra sao sự nghiệp thế nào không hề ảnh hưởng đến cả năm.

Mấy chuyện đó, từ quét nhà, xông đất, hái lộc… chỉ giảm bớt chứ không bỏ hẳn được. Đâu đó vẫn còn đeo đẳng ý nghĩ đừng phạm thiêng. Nhất là ở các làng quê. Đành vậy, dễ người dễ ta, khó người khó ta.

Và để chống lại quan niệm ấy, cả cộng đồng đã cùng nhau thử một phen. Chẳng hạn phiên chợ Đình làng Bích La ở Quảng Trị đêm mùng hai rạng sáng mùng ba Tết. Người đi chợ Đình hầu hết đều mua một ít cọng lá chè, một bó rau cải… gọi là mua lộc. Đấy, thế là khỏi phải bẻ cái cành trên cây mà ta vẫn có ngọn có ngành, có xanh có tươi, lại dùng được chứ không chỉ để héo queo. Chẳng phải hơn sao.

 
 Ảnh: HCD

Nhiều miền quê ở Quảng Trị bây giờ cứ sáng Nguyên Đán là "đi họ đi làng". Đàn ông trai đinh vân tập về nhà thờ họ tộc cúng bái tiên tổ, rồi cả đoàn người ấy kéo nhau đi thăm từng nhà, gọi xông đất từng nhà cũng đúng. Đi cả đoàn, chẳng biết ai là người xông đất. Gia chủ khỏi nặng nề chuyện tuổi tác người vào đầu tiên, lại được cái hên đầu năm có đông người đến cùng lúc.

Sự giải thiêng ấy là tự thân các phạm trù văn hóa giải quyết với nhau. Cái văn hóa sau phủ định cái văn hóa trước. Cái văn minh mới phủ định cái văn minh cũ (dù văn minh cũ thì không còn là văn minh). Con người dự phần trong cuộc giải thiêng như một yếu tố thực thi sứ mệnh mà thôi.

 
  Ảnh: HCD

Các mối quan hệ giữa con người và rác, con người và tuổi tác, con người và chồi lá như trên thật ra là mối quan hệ giữa con người với một thế lực siêu nhiên nào đó. Nên sự giải thiêng rốt cuộc là hệ quả của sự mệt nhoài tìm kiếm chân lý vô căn cớ.

Còn mối quan hệ giữa con người với con người thì sao.

Từ đầu thế kỷ XIII, dân nước Nam đã run lên vì lệnh húy kỵ. Dai dẳng suốt một chiều dài lịch sử sau đấy, hễ đụng đến chữ nghĩa thì phải cẩn thận. Đặt tên cho con, viết lách cái gì đấy cũng phải tránh tên vua ra, thậm chí tránh cả tên cha mẹ chú bác nhà vua nữa. Đụng phải gọi là kỵ húy, có khi tru di tam tộc như chơi.

 
  Ảnh: HCD

Đám sĩ tử vào kinh ứng thí, đám nhà văn mượn bút nói chuyện đời. Nói gì thì nói, viết gì thì viết, đừng nhắc tên dòng dõi nhà vua. Vì chữ ấy thiêng! Mở miệng cấm đụng bề trên.

Mãi đến thế kỷ hai mươi, khi đã hết chế độ quân chủ, nghe đồn dân văn chương thỉnh thoảng cũng bị phạm húy với tên một vị lãnh đạo nào đó. Đồn thôi, phong thanh với nhau, nhưng tác giả cũng lao đao khốn đốn. Không rõ vì chữ ấy thiêng, hay vì sợ đám nhà văn lộng hành được đà ám chỉ.

Giờ thì viết thoải mái. Tên cũng là một thứ để gọi nhau, để phân biệt người này người kia, có gì mà thiêng. Lên mạng xã hội viết thẳng tên họ nguyên xi chức vụ đầy đủ. Thậm chí kèm theo cái tên đó là sự nhận xét, khen chê, bình phẩm.

 
  Ảnh: HCD

Có đất nước, dân ở đấy nắn tượng tổng thống rồi hành hạ bức tượng, trút hết hỉ nộ ái ố. Không thấy sự bất lực của người dân với lãnh đạo. Không có khoảng cách thiêng liêng giữa quan và dân. Những người dân ấy chỉ muốn nêu lên cái vấn đề rằng lãnh đạo cũng là một người dân, và họ có quyền thể hiện quan điểm, nhận xét, ứng xử với con người ấy bình đẳng. Nếu anh làm việc tử tế thì chẳng sợ gì cả, dù ai nói ngả nói nghiêng. Phải thấy như vậy là một tự do của con người, phải xem như vậy là một hạnh phúc của người được nêu tên.

Đấy cũng là một sự giải thiêng. Nhân dân đã phá bỏ lời nguyền, rằng chớ đụng vào bề trên.

*

Tinh thần giải thiêng ấy, như đã nói, nó làm cho đời sống đơn giản hơn. Trong một chừng mực nào đó, nó phản ánh đúng trình độ phát triển xã hội. Khi con người biết tôn trọng đạo đức và yêu quý lao động, thì không thế lực nào ngăn cản được họ, kể cả thế lực siêu nhiên và cả thế lực do chính con người tạo ra.

TAGS

Đốt vàng mã và niềm tin mù quáng

Dương Triều |

Những ngày giáp Tết hay lễ Vu lan, rằm… đi đâu trên các cung đường ở xứ Việt đều mù mịt khói. Không phải khói đốt đồng, đốt rẫy mà là khói từ vàng mã. Làn khói ấy như một niềm tin gửi gắm của người trần về một thế giới nào khác, nơi tổ tiên, ông bà đã khuất.

Uống xong bắt tay, biết ngay Quảng Trị

Yên Mã Sơn |

Sau cái cụng ly, một trăm phần trăm ngon ơ. Phần còn lại là nhìn nhau và chìa tay ra, nắm chặt, rảy, rảy rất chuyên nghiệp.  

Nhớ tết xưa ngồi nhuộm áo

Yên Mã Sơn |

Sáng nào ngoại tôi cũng lom khom đi xé lịch trên tường để đếm ngày đếm tháng. Trong những ngày năm cùng tháng tận, ngoại thường nói, “sắp hết năm rồi bây ơi”. Chập choạng ít hôm nữa là ăn tết rồi. Ngày tháng thoi đưa…

Tết về thêm tuổi

Hoàng Ca |

Không ai đợi chờ, nhưng Tết vẫn đến và tuổi vẫn cứ về. Người ta nhắc Tết, hỏi tuổi và vô số thứ xung quanh hai cái này khi bâng quơ nghĩ mình còn trẻ. 

Bỗng thấy mình như trôi giữa quê hương

Yên Mã Sơn |

Thuở ấy nắng hanh vàng, xuân đang về trên lưng chừng đồi khi lốm đốm hoa ban nở. 

Đi dưới mưa phùn mùa xuân

Yên Mã Sơn |

Không biết tự bao giờ, trong tôi mưa phùn trở thành một nét duyên mà những ngày giáp tết, thiếu nó như thiếu một thứ gì đó vừa lạ vừa quen.

Tết về nhớ cái kẹo cau

Hoàng Hải Lâm |

Tôi hay dùng dằng giữa quá khứ và hiện tại. Hay nói đúng hơn là tôi thiên về quá khứ. Tôi hay nghĩ đến những ngày đã qua đối với tôi, và với một số người nó đã xa, có người thời đó đã trôi vào quên lãng. 

Tết có còn như tết năm xưa?

Yên Mã Sơn |

Đêm 30 tết năm trước, đứa bạn thời tóc còn bỏ trái đào giờ thành danh ở phương trời Tây điện thoại về í ới: “Tao thèm ngồi bên bếp lửa ấm mà đợi bánh chưng chín như thời hồi xửa hồi xưa, mày ạ”.