Tết về nhớ cái kẹo cau

Hoàng Hải Lâm |

Tôi hay dùng dằng giữa quá khứ và hiện tại. Hay nói đúng hơn là tôi thiên về quá khứ. Tôi hay nghĩ đến những ngày đã qua đối với tôi, và với một số người nó đã xa, có người thời đó đã trôi vào quên lãng. 

 Một con sông, chiếc đò, cái cầu, ngọn núi, vầng trăng... những nơi từng đi qua tôi nhớ đến nằm lòng. Kỷ niệm trong cuộc sống không cần phải dùng bút mực ghi lại vẫn có thể nhớ rõ ràng. Nhất là với Tết và cái kẹo cau thời ấu thơ của những đứa trẻ ở làng. Nó hằn sâu trong ký ức tôi gần bốn mươi năm bươn chải. Mỗi năm, cứ tới khoảng 20 tháng Chạp là lòng tôi nhớ quay quắt. Đầu tiên là nhớ cha tôi, người đã đi cùng tôi hơn 20 cái Tết, người đã gói cho tôi hơn 20 cặp bánh nhỏ, người đã neo vào tim tôi những kỷ niệm nhỏ nhoi nhưng chẳng thể phai mờ. Nếu nói hạt mầm may mắn vì gặp mùa xuân, cây non chóng lớn vì gặp mưa xuân thì tôi cũng là hạt mầm may mắn khi có được một người cha như thế trong cuộc đời mình. Ông ấy đã “gieo” tôi vào cuộc đời. Cái kẹo cau của cha đã gieo vào lòng tôi kỉ niệm đầy ngọt ngào. Và tôi thấy bao nhiêu điều thú vị từ cuộc sống. Dù buồn, dù vui tôi cũng cầm chắc thân phận của mình, tôi không có ý định trả lại cho cha vì đó là người mà tôi yêu thương nhất.
 
 Ảnh: ITN
Cha không để lại cho tôi tiền tài, không mang lại cho tôi một địa vị cao sang cũng không dạy dỗ tôi cách làm người phải như thế nào cả. Ông ấy sống cho tôi học theo, tới tận ngày cha mất tôi mới ngẫm nghĩ ra chân giá trị của sự giáo dục không bằng lời nói. Cứ như mỗi mùa xuân đến, con người cứ hay làm rộ lên mỗi độ giao thừa chứ thực ra Tết về rất lặng lẽ. Tôi thích như thế, có lẽ tôi đã già trước tuổi hoặc cũng có thể căn nguyên của nỗi niềm hoài cổ của kiếp trước cứ day dứt níu tôi. Mỗi độ Tết đến, tôi hay bắc ghế ngồi trông ra ngõ, nghe mưa nhỏ rơi rơi hay tiếng radio điểm từng khắc đến giao thừa. Lúc đó mới cảm nhận được mạch máu của mình lưu thông, nghe lòng rộn ràng ấm áp. Lúc đó tôi đã mở hai bàn tay cha, ở trong đó có mấy cái kẹo cau không biết cha lấy từ đâu mà năm nào cứ tới thời khắc giao thừa cũng có. Lúc nhỏ tôi nghĩ hai bàn tay cha là chiếc túi diệu kỳ, lớn hơn một chút tôi lục tìm trong túi áo, túi quần của cha. Có lần tôi dùng mũi để ngửi mùi đường từ chiếc kẹo cau còn dính lại trên quần áo. Về sau tôi càng thắc mắc và truy tìm nguồn gốc của những chiếc kẹo cau. Và đến giờ đối với tôi đó vẫn là điều bí ẩn. Vẫn biết kẹo cau phải mang về từ chợ, được gói trong lá chuối khô nhưng cha tôi chưa một lần xuống chợ. Đàn ông ngày ấy giữ kẽ lắm, chuyện đi chợ chỉ có đàn bà con gái, ăn uống ở hàng quán đối với đàn ông là điều tối kỵ. Cũng bởi thế có lần cha tôi cùng người chú họ đi mua trâu tận miền biển Triệu Phong, đi từ sáng cho tới chiều tối dắt trâu về tận nhà mới ăn cơm. Những lần cha đi đây đi đó chúng tôi không có quà cũng vì lẽ đó. Đàn ông không xuống chợ, đàn ông không la cà hàng quán... nhưng tại sao cha lại có kẹo cau cho chúng tôi trong những dịp Tết đến xuân về? Câu hỏi đó đôi lúc tôi nghĩ thấy cười, nó nhỏ nhoi, đơn giản nhưng không có lời giải đáp. Nhất là khi cha tôi đã trút hết sức sống của mình cho cây con tôi lớn lên trong gió rét. Thực như thế, bao gian khổ của cuộc đời mẹ cha chịu gần hết, để cho con lớn lên. Cũng chẳng mong con cái đền đáp công ơn dưỡng dục, đời mẹ cha như hạt mưa xuân rớt xuống đồng ruộng cho cây con tốt tươi, như ánh nắng ấm chan qua cánh đồng rồi đi đến tận hư vô. Tôi thấy cha mẹ với con cái nhiều “duyên” hơn là “phận”, đó còn là “sự tình cờ” giản đơn nhưng đầy yêu thương đến mức sợi dây tình cảm đó kết nối không muốn chia lìa. Thử thiếu đi một mùa xuân trong năm, thử vắng đi mẹ cha một khoảng thời gian nhất định trong đời mình chúng ta sẽ thấy cảm giác chơi vơi như cánh chim lạc tổ.
 
  Ảnh: ITN
Tình yêu nó ấm áp như ánh nắng mùa xuân, có đáng chi cái kẹo cau được làm từ bột trộn đường nếu nó không được nằm trong bàn tay già cỗi của cha, nó không được trao trong đêm giao thừa và ngày nào cũng có chúng. Nhà tôi ở khá xa chợ, đi gần chục kilomet mới tận nơi người ta bán hàng. Cảnh đông anh em khiến mọi thứ không thể nào chia đủ. Kẹo cau cũng thế, chỉ duy nhất tôi, một người chị kế tôi và đứa em út mới được ăn loại kẹo này. Kẹo cau như miếng cau chẻ làm sáu, phần trong cứng có màu vàng nhạt tượng trưng cho hạt cau, là một phiến nước đường vàng óng; phần ngoài màu trắng là thịt cau, làm bằng bột trộn đường. Nó chỉ được trao cho con nít, thời đó bánh kẹo Hải Hà là hàng hiếm, kẹo Nô ga cũng là món đắt tiền chứ nói gì đến Chocopie orion. Trẻ con miền quê quen thuộc với kẹo cau. Con nít vốn thích kẹo, người lớn thời đó cũng thích kẹo nhưng phải nhường nhịn. Trong khó khăn đã đẻ ra nhiều thứ quý. Ví như nhà có một đĩa thức ăn ngon người lớn phải nhường cho người già, con trẻ. Có bánh kẹo ngon thì phải chú ý đến trẻ con, có cái chăn ấm đắp cho người già yếu, nhát gió. Sự nhường nhịn này suy cho cùng thì cũng được “ăn”. Đó là món ăn tinh thần, người nhường biết nâng niu, chở che cho người già yếu và tiếp thêm sức mạnh cho những đứa trẻ lớn lên. Đó là cảm giác ấm áp, sẻ chia, hạnh phúc. Là sức mạnh của những con người nhỏ bé. Đó là cái đáng trân quý ở đời, là mùa xuân vĩnh cửu trong lòng người không gì thay thế được. Thử nghĩ trong hoàn cảnh thức ăn dư giả, mọi người nhìn nhau ngán ngẫm, có gia đình đùn đẩy nhau ăn trông thật là chán. Sự thừa thãi về thức ăn nói riêng và vật chất nói chung dẫn đến sự biến mất cái món ăn tinh thần đó là “nhường nhịn”. Cũng bởi thế, cứ mỗi năm Tết đến, anh em chúng tôi ngồi ôn lại kỷ niệm xưa như món ăn tinh thần và cách để chúng tôi tưởng nhớ đến cha. Và chiếc kẹo cau được mang ra làm chủ đề sôi nổi nhất. Chị gái lớn tôi bảo là chị nắm được bí mật của những chiếc kẹo cau trong bàn tay cha, chị mua ở chợ rồi mang về cho cha phân phát. Điều này có vẻ hợp lý vì chị là người đi chợ duy nhất của gia đình. Nhưng sao bấy lâu chị vẫn làm việc này kín kẽ như thế? Chị chỉ cười với câu hỏi của tôi. Có lẽ, trong cuộc sống có những điều không cần phải nói ra và có những thắc mắc không nhất thiết phải có lời giải đáp, mặc dù nó tồn tại dài lâu, giản đơn và rất trẻ thơ. Mỗi lần nói đến chuyện kẹo cau là anh trai tôi hay cười, anh bảo rằng trước khi cho chúng tôi phần nhiều anh cũng được cha lén cho một ít. Còn mạ thì nói say sưa đến cách làm kẹo cau của những vùng khác nhau, chủ yếu là cách làm kẹo cau, vật liệu làm kẹo cau của ba tỉnh Bình - Trị - Thiên mà mạ biết. Chúng tôi đã không quan tâm lắm đến những bí quyết gia truyền, cứ ngồi nghe ngóng nhưng thực chất là hồi tưởng. Ôi cái kẹo cau ngọt thanh đến lạ lùng, giòn tan đến từng thớ. Tôi thường bỏ cái kẹo cau vào miệng nhai rau ráu, âm thanh phát ra cứ như bắp rang trên chảo. Chị và em gái tôi chọn cách ăn rất con gái, cứ bỏ cái kẹo cau vào miệng để chúng tự tan ra từ từ, nước đường ngọt bùi ngấm vào trong miệng rồi nuốt đánh ực. Ăn kẹo cau kiểu này thì vài ba cái cũng được một buổi sáng, còn vài cái để sang đến chiều thế là suốt ngày được ăn kẹo cau.
 
  Ảnh: ITN

Hơn chục cái Tết tôi vắng cha đồng thời với việc mấy anh em nhà tôi không còn được nhận những chiếc kẹo cau từ đôi tay già nhăn nhúm. Mạ già bỏ ngày đi chợ, chị gái tôi lấy chồng ở tận làng bên, anh trai tôi lập gia đình làm những ngôi nhà mới... có mấy năm đầu vắng cha, tôi và đứa em gái nhỏ cứ mỗi đêm giao thừa là tránh nhìn vào nhau nhưng trong lòng cuộn trào dòng ký ức. Chúng tôi thường ngồi lặng lẽ trong đêm giao thừa. Hễ mạ nhắc chi thì làm nấy, mạ kêu bưng chè ra cúng ngoài trời, kêu thắp hương lên bàn thờ, kêu bật công tắc điện ngoài cửa... bao nhiêu thứ việc như thế, bao nhiêu điều dễ làm xao nhãng nhưng chúng tôi vẫn nhớ cha đến lạ lùng. Cũng như đi khắp mọi miền tổ quốc, thưởng thức mọi của ngon vật lạ ở đời thì kẹo cau vẫn lọt thỏm vào ký ức tôi một cách ngọt ngào.

Chợ quê giờ vắng dần những đôi quang gánh, vắng nón lá tất bật trong ngày nắng cũng như vội vã mỗi chiều mưa. Lúc ra đường tôi hay quan sát, nhiều hình ảnh ra đi cùng với lớp người. Có những giá trị của cuộc sống ta không thể nào níu giữ nỗi bởi nó được thay thế ằng những chân giá trị mới, lớp người mới. Cuộc sống cứ loáng cái là qua, như cái chớp mắt. Đôi lúc, trẻ con chờ Tết mà mãi quên đi sau bao cái Tết mình trở nên lớn khôn, rồi chục cái Tết đã trưởng thành. Cứ thế, thời khắc giao thừa cho ta thêm một tuổi. Chớp mắt tóc xanh thành tóc bạc, đứa trẻ ngày xưa ngồi nhai kẹo cau giờ ngồi ôn lại kỷ niệm với con cháu của mình như người già kể chuyện cổ tích. Trẻ con giờ vẫn trông tết nhưng người già sợ thêm tuổi. Tôi thầm lặng nhặt mỗi mùa xuân, cứ đón Tết sợ chi tuổi già. Cái đáng sợ là lòng người già cỗi...

TAGS

Tết có còn như tết năm xưa?

Yên Mã Sơn |

Đêm 30 tết năm trước, đứa bạn thời tóc còn bỏ trái đào giờ thành danh ở phương trời Tây điện thoại về í ới: “Tao thèm ngồi bên bếp lửa ấm mà đợi bánh chưng chín như thời hồi xửa hồi xưa, mày ạ”.

Những ngày lưng chừng tết

Yên Mã Sơn |

Thiên hạ thường nói “dăm ba ngày Tết”. Vậy Tết bắt đầu từ ngày nào? Với mình Tết là bắt đầu ba đưa cái khuôn bánh thuẫn ra chùi rửa, mạ trải dưa hành kiệu ra sân phơi…

Những tấm lưng còng

Diệu Ái |

Hồi nhỏ, anh hay thắc mắc, sao có những người già lưng chẳng còng bao nhiêu mà lưng nội lại còng nhiều thế. Nội cười hiền, bỏm bẻm nhai trầu rồi xoa đầu cháu “Ờ, chắc có khi mấy ông mấy bà đó chưa già bằng nội đó con. Khi bằng tuổi họ, lưng nội cũng thẳng lắm mà!”

Còn ai múc nước giếng quê

Hoàng Công Danh |

Ngày xưa, mỗi làng có một cái giếng chung, người dân đến đó gánh nước về dùng. 

Chẳng dễ gì ru thương nhớ ngủ yên

Diệu Ái |

Anh bảo cái gì qua sẽ để nó qua, tuyệt nhiên không bao giờ nhớ lại hay vương vấn rồi có chút xáo động nào. Chắc gì, khi em biết rõ bao thương nhớ kia đâu dễ dàng ru ngủ.

Tháng Mười hai lặng lẽ

Diệu Ái |

Tháng Mười hai lặng lẽ sang khi người ta chưa kịp chuẩn bị gì cho cuối năm nhiều trăn trở. Gió đung đưa chiếc phong linh từ ngôi quán nhỏ và mùi cà phê thơm rộn rã khiến góc phố vốn bình yên thêm dịu dàng.

Người Quảng Trị ăn... ớt

Phạm Xuân Hùng |

Folklore hiện đại kể rằng ở một đô thị lớn nhất nhì trong nước xảy ra vụ tai nạn giao thông khủng khiếp. 

Mùa đông

Yên Mã Sơn |

Tôi sợ mùa đông. Bàn tay mạ nhăn nheo, khô khốc đặt xuống dòng nước lạnh căm để kiếm ốc, kiếm nhái bằm cho vịt. Đàn vịt ngày một lớn lên nhưng thưa dần vì dăm ba bữa mạ lại mang ra chợ bán.