Còn ai múc nước giếng quê

Hoàng Công Danh |

Ngày xưa, mỗi làng có một cái giếng chung, người dân đến đó gánh nước về dùng. 

 

Dần dà mỗi nhà cũng đào được một cái giếng. Rồi đến nước giếng khoan ống bơm lên. Đến bây giờ, một số vùng quê đã được đấu nối ống nước từ thành thị về. Nước có sạch hơn, tiện hơn, nhưng có lẽ cái vị ngọt của nước sẽ không còn nguyên chất nữa.
Gần nhà tôi có một cái giếng cũ, thành giếng từ dưới lên đều xếp bằng gạch thẻ đất nung. Người ta quen gọi là giếng làng nhưng thực ra đấy chỉ là giếng của xóm. Qua năm qua tháng, thời gian điểm tên mình bằng thứ rêu xanh và ít cây rêu dương xỉ len mọc giữa các nếp gạch như một minh chứng kiên trì của sự trường tồn. Tôi vẫn nhớ như in, lúc ấy hầu như tất cả các gia đình trong xóm đều đến đây gánh nước về nấu ăn. Từ sáng sớm cho đến tận khuya, chốc chốc lại nghe tiếng gầu chao nước xoang xoảng. Tôi thường ra giếng chơi vì ngoài đó lúc nào cũng có người.

 
 Ảnh: Yên Mã Sơn

Lũ trẻ như chúng tôi cứ chiều chiều lại tập trung ra giếng cùng nhau tắm. Tranh nhau chiếc gầu gai múc nước. Một gầu nước đưa lên là cả mấy đứa chúi đầu vào. Dây gầu ngắn, trẻ con chúng tôi phải uốn cong, vắt thân mình vào thành giếng, chúi đầu xuống dưới mới múc được nước. Khi múc, mấy đứa đứng sau túm giữ lấy thân cái đứa cầm dây gầu. Làm như thế mới khỏi bị rơi xuống giếng. Hóa ra, trong tuổi ngây dại của mình, trẻ con đã biết đến sự đồng lòng, chung sức.

Giếng ấy còn là nơi lũ trẻ thường tụ tập lại để chơi như một điểm hẹn. Bên giếng có một bụi rậm với nhiều loại cây dại mà quanh năm hầu như lúc nào cũng đơm những trái nhỏ chín vỗ về cơn đói ấu thơ. Khi thì quả mâm xôi đỏ vồng lên, lúc trái thuồng luồng tím, hay cây cam thảo đất ngòn ngọt. Có thể nói những thứ hoa quả dại ở quê nhà là “lương thực” cứu trợ sau mỗi buổi đến lớp, trên đường về, thể nào bọn học trò cũng hái ăn. Chúng tôi hái những trái mâm xôi đỏ lựng và ngọt lịm, nếu không có trái thì bẻ lấy đọt cây, bóc lớp vỏ mỏng ngoài, tựa lưng vào thành giếng và nhai một cách ngon lành.

Giữa chặng đường tôi đi học hồi cấp một, có một cái giếng của làng Dương Đông, ở đấy luôn để sẵn một cái gầu cho người nhỡ đường khát nước. Những trưa hè nóng nực, đường về nhà thả bộ tuồng như xa lắm, chúng tôi thường tụm lại múc lên làm một ngụm cho đã khát rồi mới đi tiếp. Mùa đông, sau khi vượt quãng đường bùn nhơ băng qua cồn Bạt, chúng tôi lại múc nước giếng để rửa chân cho sạch rồi mới tới lớp.

 
 Ảnh: Yên Mã Sơn

Có thể nói giếng làng là tài sản chung của mọi người, về cả vật chất và tinh thần. Đôi khi đấy là nơi hò hẹn của mấy o mấy chú. Chỗ này thoáng đãng, gặp gỡ không sợ điều tiếng dị nghị, lại lấy đó làm cái cớ rằng chúng tôi ra đây là để múc nước thôi. Chàng bước tới, rụt rè như sợ trơn trượt. Trong khi nàng đỏ mặt cúi xuống kiểu giả vờ mượn giếng làm gương soi. Một nhà thơ Quảng Trị đã viết về cái tình tứ bên giếng ấy: Em ra giếng gánh nước trong/ Còn tôi ra giếng để không làm gì? (Nguyễn Văn Dùng).

Nhớ hồi nhà chưa có giếng, buổi tối mạ tôi vẫn thường gánh một triêng rau ra giếng làng, múc nước lên rồi dùng tay vẩy vẩy cho rau tươi để sáng mai đem ra chợ bán. Nước giếng trong vắt và hình như có chút sắc tố gì đó làm cho rau xanh thêm. Nước ấy đem đun sôi để pha chè tươi thì nước chè cũng xanh và đậm đà. Có lẽ người xưa chọn đào giếng làng ở nơi đất tốt, hẳn vì thế mà những làng nào có cây đa bên giếng thì đều tốt tươi. Và một điểm đặc biệt nữa là những khi hạn hán, thì giếng làng vẫn luôn sẵn nước.

 
  Ảnh: Yên Mã Sơn

Đến năm 1993, nhà tôi mới đào được cái giếng riêng. Ngày đào giếng ông nội làm lễ cúng rất chu đáo. Ông nói vì làm bất cứ việc gì mà đụng chạm đến đất đai đều phải cúng, như kiểu xin phép thổ thần. Những nhà trong xóm cũng đều đào cho mình một cái giếng ở phía gần bếp. Người ta đúc bốn ống bi tròn và lún xuống đất chứ không xây giếng vuông nữa. Phải công nhận người quê ít học hành nhưng giỏi tính liệu. Trong toán học, nếu cùng chu vi thì hình tròn có diện tích lớn hơn hình vuông, và vì thế cái giếng tròn chứa nước nhiều hơn cái giếng vuông (đây là bài toán đo đất của nàng Titô trong huyền thoại Hy Lạp).

Ở quê, cái bếp và cái giếng gắn liền với người phụ nữ, họ quẩn quanh đấy. Ngày ấy thường có trò “gò” gái, là cách đi tìm người thương của đám trai làng. Sau bữa cơm chiều, các cô bưng cái ấm trà ra chùi rửa xong đặt vào bàn để ông cụ tiếp khách, còn mình lại ra giếng, làm gì không biết cứ luẩn qua luẩn quẩn nơi thềm giếng ấy, một kiểu “trốn” rất phổ biến của con gái nhà lành. Đám con trai làng vào nhà, ngồi uống no nước và tiếp chuyện mỏi mồm với ông bà cụ. Chỉ chàng nào có ý mới tách riêng, giả vờ xin phép đi ra ngoài rồi bước ra giếng. Tựa lưng vào thành giếng, tay cầm cái dây gầu nấn ná mãi mà người ta chẳng nhờ múc miếng nào, thì cứ múc đại lên đổ vào chậu nước cho đầy tràn. Đêm nào có trăng lại thi vị hơn nữa, bóng trăng soi chếch rót ánh vàng vào chậu nước. Cô gái nhủ anh đừng có đổ nữa, để rứa cho trăng nó yên. Anh chàng giảo ngôn, nói mô có, anh múc trăng dưới giếng lên đấy chứ.

 
  Ảnh: Yên Mã Sơn

Giếng nước nhà quê không đơn thuần chỉ để lấy nước, nó còn thêm nhiều mục đích khác rất đơn giản nhưng thiết thực. Chẳng hạn, mỗi lần tắm người ta cọ lưng vào thành giếng hoặc dùng chính cái dây gầu vắt chéo sau lưng kéo qua kéo lại. Hay những lúc người chồng nóng nảy, đòi vợ. Người vợ khôn khéo không cần chạy đâu xa, cứ vòng quanh cái giếng để trớ. Người chồng đuổi ba vòng không bắt được tay, nguôi giận. Vậy là cái giếng đã gội mát sự bực bội nhất thời. Nước giếng lại như một bình điều hòa, mùa hạ thì nước mát đến lạnh, mùa đông nước lại ấm như được pha thêm. Cái tiện nghi và thuần hậu của giếng là ở chỗ ấy.

 
  Ảnh: Yên Mã Sơn

*

Rằm tháng tám năm nay, tôi có dịp dự lễ cúng làng, các cụ bàn chuyện tôn tạo lại giếng làng. Hậu thế như chúng tôi được dịp ngồi nghe các cụ kể lai lịch và những chuyện thiêng liêng liên quan đến giếng. Bây giờ, trong làng còn ba cái giếng xóm, lâu ngày không ai múc nên giếng bỏ hoang. Còn cái giếng làng nằm bên cồn Sanh thì đã bị lấp đi từ lâu, hồi nhỏ đến giờ tôi chưa hề thấy. Ban hương sự của làng dự kiến sẽ khai thông lại cái giếng chính ấy. Đó là một việc làm cần thiết và ý nghĩa, để những ai đi xa về cứ soi mặt xuống đấy, có khi thấy bóng mình in giữa bóng trời sâu thẳm, thấm giữa mạch nước quê nhà. Tu một ngụm thật đã rồi ngửa cổ lên trời: Còn ai múc nước giếng quê?

TAGS

Đầu năm 2020, đưa Nhà máy chế biến và bảo quản nông sản ở Hướng Hoá vào hoạt động

H.N.K |

Ngày 13.12.2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan đã có chuyến khảo sát thực tế và làm việc với Công ty TNHH My Anh-Khe Sanh.

Còn chiếc áo nào cho em

Yên Mã Sơn |

Đã nhiều năm trôi qua trên thũng lũng nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, mỗi độ giáp Tết mẹ lại chuẩn bị những chiếc áo cũ năm nào của mấy chị em, giặt, là tươm tất rồi đưa lên chợ. Không phải bán, không phải đổi lấy những nhu yếu phẩm khác mà để cho!

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thế Lập: Trồng hoa, tạo cảnh quan sẽ thúc đẩy phát triển du lịch

Nhật Mai |

Ngày 12.12, đồng chí Nguyễn Thế Lập - Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Trị đã trao tiền ủng hộ Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị. 

Hội chợ Thương mại huyện Hướng Hoá 2019 sẽ khai mạc vào 17h ngày 15/12

Tân Văn |

Ngày 11/12/2019, ông Phan Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Huyền My cho biết, đơn vị đang chuẩn bị mọi công tác để Hội chợ Thương mại huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) năm 2019 được tiến hành như kế hoạch. 

Tháng Mười hai lặng lẽ

Diệu Ái |

Tháng Mười hai lặng lẽ sang khi người ta chưa kịp chuẩn bị gì cho cuối năm nhiều trăn trở. Gió đung đưa chiếc phong linh từ ngôi quán nhỏ và mùi cà phê thơm rộn rã khiến góc phố vốn bình yên thêm dịu dàng.

Người Quảng Trị ăn... ớt

Phạm Xuân Hùng |

Folklore hiện đại kể rằng ở một đô thị lớn nhất nhì trong nước xảy ra vụ tai nạn giao thông khủng khiếp. 

Nhớ khói

Hoàng Hải Lâm |

Đôi lúc tôi tự hỏi, phải chăng tôi thèm khói cùng với những yêu thương. Cha đi hơn chục năm để lại ngôi nhà trống vắng, mạ cũng đi làm mây.

Giấc mơ đầy rêu

Yên Mã Sơn |

Ai cũng cần có một mét vuông đất để nhớ. Dù nó đầy rêu và đêm mơ thấy mình hay trượt ngã.