Vài cảm nhận khi xem “Siêu trí tuệ Việt Nam”

Lâm Chí Dũng (PGS.TS, Đại học Kinh tế Đà Nẵng) |

Sự chỉnh chu, nghiêm túc trong mọi công việc, tuân thủ kỷ luật và luật lệ, thái độ hòa nhã nhưng kiên quyết và nhất quán (và một số thứ khác nữa không tiện bàn ở đây...) là những điều mà ta vẫn luôn cần học hỏi một cách cầu thị, thực sự cầu thị chứ không phải là kiểu bắt chước hình thức, hời hợt.

Cảm nhận đầu tiên là tự tin vào trí tuệ Việt nam. Tôi muốn nói cảm nhận tự tin mà không muốn nói cảm xúc tự hào.

Tôi tin rằng trí tuệ Việt không thua kém bất kỳ một chủng người nào khác, một dân tộc nào khác nếu không nói là có những phần ưu trội nào đó (mà thực ra cũng khó cân đo). Trong cuộc thi với những đối thủ quốc tế mà thành tích chỉ nghe thôi đã thấy choáng ngợp (nhất là với những típ người sùng ngoại), các đấu thủ đến từ Việt Nam đã giành chiến thắng, thậm chí vượt cả mong đợi.

Mà đâu chỉ cuộc thi này. Những cuộc thi khác về trí tuệ như thi Toán quốc tế chẳng hạn, chúng ta cũng đã đạt được những thành tích (đôi khi) vang dội. Và tôi tin, rất tin chúng ta hoàn toàn có thể có được một triển vọng thịnh vượng hơn, xã hội được tổ chức tốt hơn để mọi người có thể chia sẻ được sự thịnh vượng đó một cách hài hòa.

Nhưng những cảm xúc sâu lắng lại đến từ ứng xử của hai đấu thủ một Nhật, một Đức. Cả hai đấu thủ dù đã đạt được những thành tích vang dội trên đấu trường quốc tế, chấp nhận thi đấu với một đấu thủ gần như vô danh, lại nhỏ tuổi hơn, mà khi thất bại vẫn không mất đi vẻ hòa nhã, thừa nhận chiến thắng của đối phương một cách tự nhiên, dung dị như là vốn vậy, coi việc được thử thách là một niềm vui, chiến đấu với một đối thủ xứng tầm là một cơ hội.

Trong cuộc thi thứ hai, đấu thủ Việt Nam về thực chất đã giành chiến thắng gần như tuyệt đối khi chỉ cần mất 3/12 phút để hoàn thành bài thi của mình, trong khi đối thủ đến từ Đức vẫn chưa điền được một ô chữ nào trong bài thi giải ô chữ. Thế nhưng bạn này đã không dành thời gian để kiểm tra lại nên đã để thiếu mất một ký tự trong một từ rất dễ (Apple) mà nhanh chóng bấm chuông. Đấu thủ Simon của Đức đã hòa nhã mà kiên quyết yêu cầu xử thua. Hoàn toàn không cay cú cũng không cảm thấy có lỗi khi xử sự như vậy với những lý giải rõ ràng, sâu sắc đến ngỡ ngàng đối với những người có ý định sửa chữa một sai sót có vẻ bất công, (mà điều này lại hay xảy ra ở ta).

Sự chỉnh chu, nghiêm túc trong mọi công việc, tuân thủ kỷ luật và luật lệ, thái độ hòa nhã nhưng kiên quyết và nhất quán (và một số thứ khác nữa không tiện bàn ở đây...) là những điều mà ta vẫn luôn cần học hỏi một cách cầu thị, thực sự cầu thị chứ không phải là kiểu bắt chước hình thức, hời hợt.

Và tôi nghĩ, đó có lẽ là cái chúng ta, nghĩa là tất cả chúng ta đều còn rất thiếu, cái giúp chúng ta lý giải (phần nào đó) tại sao dù không hề thua kém về trí tuệ nhưng đã không thể đạt được sự phát triển như lẽ ra đã phải có. 

(Nguồn: Lao Động Xuân BMT)


TAGS