Người lớn không tử tế, sao mong con cháu hiếu thảo, trung thực?

Viết Cường (ghi) |

Tại Lễ kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em tối 20/12 diễn ra ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu ấn tượng:

“Kính thưa các Quý vị đại biểu cùng toàn thể các bạn!

Trước hết, thay mặt Chính phủ Việt Nam tôi xin trân trọng cám ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Liên hợp quốc, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, các Tổ chức quốc tế, các quốc gia bè bạn, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em Việt Nam.

Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em là văn kiện đậm tính nhân văn thể hiện tầm nhìn “trẻ em hôm nay thế giới ngày mai” và mong ước “dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất” của toàn nhân loại nên điều hoàn toàn dễ hiểu là văn kiện được nhiều quốc gia phê chuẩn nhất.

Việt Nam vinh dự là quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước. Đó cũng là điều tự nhiên vì Công ước rất phù hợp với truyền thống, đạo lý của Dân tộc và đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Từ ngàn đời nay, cha ông ta không quản hy sinh với ước mong và niềm tin vào tương lai hòa bình, tự do, hạnh phúc của thế hệ mai sau. Trong muôn vàn thiếu thốn, các thế hệ người Việt Nam luôn nâng niu, dành dụm cho con, cho cháu những gì tốt đẹp nhất. Nhiều khi là rất nhỏ bé, đơn sơ nhưng đầy ắp tình yêu thương.

Pháp luật, chính sách của Nhà nước cùng muôn vàn hoạt động của cả cộng đồng nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em theo Công ước đã giúp trẻ em Việt Nam được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục, phát triển ngày càng tốt hơn.

Chúng ta vui khi thấy các số liệu thống kê cùng các phân tích đánh giá của các tổ chức quốc tế liên quan tới phát triển con người, tới chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở nước ta tốt hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển.

Nhưng chúng ta cũng không quên rằng ngay giờ phút này không ít trẻ em vẫn sống trong nghèo đói, vẫn đang là nạn nhân của của bạo hành, của phân biệt đối xử, của tệ nạn... và của rất nhiều thứ khác nữa - những thứ đã xâm phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản, đã cướp đi cơ hội được phát triển của các em.

Không chỉ trẻ em nghèo khó, thiếu thốn, thất học, ốm đau không được chăm sóc... mà ngay không ít trẻ dù được sống trong điều kiện tươm tất, được học hành, thậm chí được cưng chiều... vẫn có thể bị xâm hại những quyền cơ bản.

Không ít hành vi dù là do nhận thức chưa đúng, hiểu biết chưa tới hay do thói quen không tốt của người lớn đã ảnh hưởng xấu tới tâm lý, tình cảm, sự phát triển hướng tới chân - thiện - mĩ của trẻ em.

Làm sao đòi hỏi con, cháu mình vượt khó để học giỏi trong khi bản thân mình lại không chăm chỉ, nỗ lực?

Làm sao mong muốn con, cháu thành người trung thực, hiếu thảo, nhân ái khi những lời nói, việc làm của chính mình lại không được như vậy?

Làm sao tin tưởng con cháu mình sẽ trở thành công dân mẫu mực, mà một tiêu chí hàng đầu là tuân thủ pháp luật, trong khi mình lại không đội mũ bảo hiểm, lại vượt đèn đỏ khi chở con trên đường?

Có rất, rất nhiều câu hỏi “làm sao?” như vậy mà chúng ta nên thường xuyên tự hỏi mình...

Người lớn là tấm gương để trẻ em noi theo và trẻ em cũng là tấm gương để chúng ta soi lại mình. Một ánh mắt trong trẻo, một câu nói hồn nhiên của trẻ nhiều khi làm lòng ta trong sáng ra, hành động của ta đúng đắn hơn. Nghe trẻ em nói không chỉ đơn giản vì quyền của trẻ mà còn vì lợi ích của tất cả.

Thưa các vị đại biểu cùng toàn thể các bạn!

Chúng ta cùng có mặt tại đây giữa Thủ đô Hà Nội - thành phố vì hòa bình - trong một không khí an lành của mùa giáng sinh, năm mới đang đến gần.

Nhưng ở nhiều nơi trên thế giới vẫn còn đạn bom, khói lửa, vẫn còn xung đột, bạo lực đe dọa cướp đi mạng sống của nhiều người dân, của nhiều trẻ em.

Nhiều người dân, nhiều trẻ em vẫn đang sống trong đói nghèo cùng cực.

Và cả những hiểm họa từ bệnh dịch, từ ô nhiễm môi trường, từ biến đổi khí hậu... đe dọa tới sự phát triển bền vững, tới hòa bình, thịnh vượng, tới bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Có rất nhiều hình ảnh tuyệt vời về trẻ em như các nghệ sĩ nhí trong các tiết mục văn nghệ đặc sắc mà chúng ta vừa thưởng thức, những nụ cười lộ hàm răng sún, những ánh mắt, trò đùa tinh nghịch… làm cho ta thấy yêu đời, tin tưởng và trách nhiệm với tương lai.

Nhưng cũng có những hình ảnh mà không ai, không một ai muốn thấy và đã thấy rồi thì chẳng thể nào quên được, chẳng thể nào không day dứt. Đó là hình ảnh xác em bé ba tuổi người Syria nằm xấp trên bờ biển; là con kền kền chờ em bé Sudan chết đói trong bức ảnh của Kevin Carter …

Một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo, công bằng và tràn ngập tình nhân ái là ước vọng của loài người. Khát vọng chính đáng ấy chỉ có thể sớm thành hiện thực nếu tất cả các dân tộc, tất cả chúng ta cùng chung tay với đầy đủ trách nhiệm và sự thực tâm.

Tôi xin đề nghị tất cả các quý vị và các bạn một lần nữa cùng bày tỏ lòng biết ơn đối với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, tới Liên hợp quốc và tất cả các quốc gia, tổ chức, cá nhân đã không ngừng phấn đấu, đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng; cho phát triển con người - cho chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Xin hãy nhớ về tuổi thơ và cùng nguyện làm tất cả để trẻ em có một tuổi thơ tươi vui, một tương lai tốt đẹp nhất.

Chúng ta xin cám ơn các vị khách quốc tế lẽ ra đã đang trên đường về với gia đình nhưng vẫn nán lại để tham dự sự kiện rất ý nghĩa này. Cám ơn tất cả những người dù trong những ngày lễ, ngày tết vẫn làm việc xa gia đình vì hạnh phúc, vì niềm vui của mọi người.

Xin chúc các Quý vị đại biểu và các bạn Năm mới 2020 an lành, hạnh phúc!

Xin trân trọng cảm ơn”.

(Nguồn: VietQ.vn)

TAGS

Đốt vàng mã và niềm tin mù quáng

Dương Triều |

Những ngày giáp Tết hay lễ Vu lan, rằm… đi đâu trên các cung đường ở xứ Việt đều mù mịt khói. Không phải khói đốt đồng, đốt rẫy mà là khói từ vàng mã. Làn khói ấy như một niềm tin gửi gắm của người trần về một thế giới nào khác, nơi tổ tiên, ông bà đã khuất.

Uống xong bắt tay, biết ngay Quảng Trị

Yên Mã Sơn |

Sau cái cụng ly, một trăm phần trăm ngon ơ. Phần còn lại là nhìn nhau và chìa tay ra, nắm chặt, rảy, rảy rất chuyên nghiệp.  

Tết về thêm tuổi

Hoàng Ca |

Không ai đợi chờ, nhưng Tết vẫn đến và tuổi vẫn cứ về. Người ta nhắc Tết, hỏi tuổi và vô số thứ xung quanh hai cái này khi bâng quơ nghĩ mình còn trẻ. 

Còn ai múc nước giếng quê

Hoàng Công Danh |

Ngày xưa, mỗi làng có một cái giếng chung, người dân đến đó gánh nước về dùng.