Dưới đáy ba lô

Hoàng Công Danh |

Có việc đi xa xa một chút, đi công tác hoặc du lịch cỡ vài ngày, nhưng trước chuyến đi bao giờ vợ tôi cũng dặn mua ít quà thôi, đỡ lãng phí. 

Lần nào đi tôi cũng xác định không nặng nề chuyện quà cáp, nhưng chỉ mới tới nơi đã nghĩ đặc sản ở đây là gì, mua chừng nào thì vừa.

Mỗi chuyện đặc sản bản địa thôi đã mệt. Nếu hỏi người ở đó, họ sẽ nói chẳng có đặc sản gì cả. Là vì người ta quen rồi, ăn gì cũng thấy ngán, thấy bình thường, có gì đặc biệt đâu. Nên tôi đành mua theo quán tính, đi Hà Nội phải mua bánh cốm phố Hàng Than, qua Nghệ Tĩnh mua kẹo cu đơ ông bà Thư Viện, đi miền Tây mua bánh pía. Mua xong chần chừ không biết thứ này mang về có ăn được không. Nhất là cái bánh pía vị sầu riêng, ngoài miền Trung không mấy ai mê, thậm chí chê dở.

Tôi không có ý nói chuyện đặc sản, chỉ là muốn đưa ra để biết rằng những chuyến đi thường phải nặng nề chuyện ngày về: trong ba lô có gì. Và có bao nhiêu mới đủ cho bên nội, bên ngoại, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp.
 
 Ảnh: Nông Văn Dân

Nhà nội nhà ngoại gần, đầu làng cuối xóm cả, mình đi vài bữa là hai bên thấy vắng, thỉnh thoảng cha mẹ anh em qua về hỏi. Chẳng lẽ đi về hai tay không. Rồi bạn bè ở quê, bình thường đêm nào cũng tụ tập uống trà uống rượu, giờ về cũng phải có cái nhâm nhi mồi mè chứ. Đồng nghiệp cơ quan chắc chắn phải có, chỗ này tạo điều kiện thời gian (hoặc tiền bạc) cho mình đi cơ mà. Tính đi tính lại cuối cùng những người gần kề nhất với mình là vợ và con thì không chủ ý mua gì cả. Vợ thông cảm, bảo mình ăn chi chẳng được, không có cũng chả sao, để dành cho những người thân, người thân dễ tủi thân.

Đi tàu lửa đi xe đò còn đỡ, mang bao nhiêu cũng được, chứ đi máy bay hành lý nặng lại còn trung chuyển này nọ rất phiền phức. Vô miền Tây Đô, trái cây miệt vườn có thể coi là đặc sản, giá thì quá rẻ, cỡ một phần ba hoặc một phần năm ngoài miền Trung. Nhưng chuyển một thùng trái cây với kẻ (không phải con buôn) như tôi thật quá phức tạp. Đi máy bay, phải tốn thêm phí ký gửi cái thùng đó, tính ra giá lại cao hơn ngoài mình. Đành thôi.

Đàn ông ở nhà ghét chuyện đi chợ mua sắm, nhưng thoát khỏi cái nơi mình sống đi chu du thiên hạ tưởng hảo hán tung hoành hóa ra như đàn bà.

Đứa bạn cùng quê vào Sài Gòn học, xong đi làm, lấy vợ cũng người cùng quê, cưới xong ở lại luôn. Bốn năm rồi không đưa được vợ con về ăn Tết lần nào. Ngoài chuyện vé xe vé tàu ngày Tết cao quá, còn cái nỗi mỗi lần về phải tính mua quà gì rất mệt. Bạn bảo, khi một thân một mình về tay không chả sao, đằng này đã có vợ con thì phải biết điều chứ. Về, thăm ông bà nội ngoại, của mình và của vợ mình, mua gì cho người già răng rụng gần hết rồi. Ông bà nội ở với chú, quà cho ông bà thì cũng có cho chú thím với mấy đứa em chứ. Ông bà ngoại ở với cậu mự, cũng phải có quà cho cậu mự với mấy đứa em bên ngoại. Vân vân. Cứ tính bên nội, bên ngoại nhân hai lần lên cho cả vợ cả chồng.
 
  Ảnh: Nông Văn Dân

Bạn nói năm ngoái dự định về ăn Tết rồi, nhưng tới lúc tính mua quà gì thì ngán. Hai vợ chồng nằm vạch tay ra đếm số ruột thịt thân quen. Mở rộng một chút là biên độ lan ra, như những cái vòng tròn đồng tâm, vòng ngoài càng to hơn vòng trong. Suýt chút nữa vợ chồng cãi nhau vì "quà cho chú của anh thì cũng phải quà cho chú của em".

Ai cũng bảo gắng về được tới quê ăn Tết là vui rồi, bày vẽ quà cáp chi cho phiền. Nói thế nhưng bạn không đành. Người Quảng Trị có câu: "Miệng nói không không, bụng ưng hung". Cũng có người thấy đứa cháu đi mấy năm về không có chút quà, nghĩ nó đi về nhạt nhẽo thế.

Tôi chia sẻ được điều này với đứa bạn, vì tôi cũng từng đi học xa đất nước ba năm không về lần nào. Lúc sắp về, mất một tuần chạy đi chạy lại mấy cái siêu thị mua quà. Chẳng lẽ đi nước ngoài (dù là đi học chứ không phải xuất khẩu lao động) lại về tay không. Mua cái gì cũng tính. Sô cô la đặc sản nước Nga để trong hành lý nó nhão ra, nhất là về tới miền Trung mùa hạ gió Lào bốn chục độ xê thì chảy sền sệt. Rượu vodka, cũng là đặc sản xứ lạnh, tại bản xứ rất rẻ, nhưng mang qua sân bay không dễ. Phải lấy áo pull quấn chặt quanh chai, xếp vào hành lý để sao nó đừng vỡ.
 
  Ảnh: Nông Văn Dân

Ba năm một cuộc di chuyển đứt đoạn, bao nhiêu thứ cần mang về mà hành lý chỉ hai chục cân. Cuối cùng đi học nhưng tôi chẳng mang được cuốn sách nào về vì phải tính chỗ để bỏ quà. Đời, dễ chi có lại lần đi nước ngoài sống lâu như vậy, về tay không khó chịu lắm. Sô cô la về tới nhà đúng là chảy nhão thật, có người ăn tưởng mua loại đểu. May đem về được ba chai vodka, chú bác xóm giềng tới chơi mỗi người uống một ly (đúng một thôi) gọi là có quà nước ngoài.

Mới đầu ai tới cũng hỏi chuyện Liên Xô. Tất nhiên tôi hào hứng kể, những lúc đó còn kẹo còn rượu, người ta vừa thưởng thức đặc sản xứ tuyết vừa nghe chuyện lạ, cũng hứng cả người kể người nghe. Sau rồi hết thức ăn đồ uống, tôi cũng không thích kể chuyện nữa, tự thấy hơi nhạt. Giống vài người làm thơ viết văn in sách ra đem tặng phải làm bữa mằn mặn kèm theo, vì nghĩ sách mình thiếu muối. Cảm giác cái ta có sẵn không đủ sức hấp dẫn là điều đương nhiên.

Hôm rồi gọi điện cho cái đứa bạn thân ở Sài Gòn đó, hỏi Tết về không. Nó chần chừ nói để rồi coi, có khi ngày cùng tháng tận nhảy một cú lên xe khỏi lo nghĩ chi hết, mới về được. Đúng, chuyện đi về tính kỹ quá có khi chẳng được chi. Dưới đáy ba lô của mỗi chuyến đi, thường chứa đựng rất nhiều ưu tư. Người càng nghèo khó ưu tư càng nhiều. Cho nên đồ đạc của người nghèo thì ít, nhưng không vì thế nó nhẹ

TAGS

Những ngày lưng chừng tết

Yên Mã Sơn |

Thiên hạ thường nói “dăm ba ngày Tết”. Vậy Tết bắt đầu từ ngày nào? Với mình Tết là bắt đầu ba đưa cái khuôn bánh thuẫn ra chùi rửa, mạ trải dưa hành kiệu ra sân phơi…

Những tấm lưng còng

Diệu Ái |

Hồi nhỏ, anh hay thắc mắc, sao có những người già lưng chẳng còng bao nhiêu mà lưng nội lại còng nhiều thế. Nội cười hiền, bỏm bẻm nhai trầu rồi xoa đầu cháu “Ờ, chắc có khi mấy ông mấy bà đó chưa già bằng nội đó con. Khi bằng tuổi họ, lưng nội cũng thẳng lắm mà!”

Còn ai múc nước giếng quê

Hoàng Công Danh |

Ngày xưa, mỗi làng có một cái giếng chung, người dân đến đó gánh nước về dùng. 

Còn chiếc áo nào cho em

Yên Mã Sơn |

Đã nhiều năm trôi qua trên thũng lũng nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, mỗi độ giáp Tết mẹ lại chuẩn bị những chiếc áo cũ năm nào của mấy chị em, giặt, là tươm tất rồi đưa lên chợ. Không phải bán, không phải đổi lấy những nhu yếu phẩm khác mà để cho!