Mẹ mong chúng ta cùng rút kinh nghiệm, cùng trân quý phút giây được bên nhau, cùng hiểu đúng về khái niệm yêu thương.
Con gái, trong lòng mẹ ngập tràn sự ăn năn bởi sáng nay mẹ trót nói với con những lời nặng nề tới mức khiến con bật khóc.
Mẹ vẫn luôn mong muốn được con chấp nhận mẹ là một người bạn thân của con. Mẹ nghĩ rằng chỉ bằng cách đó mẹ mới có thể gần gũi và được con tin tưởng chia sẻ những điều thầm kín, từ đó mẹ giúp cho con nhiều nhất có thể.
Mẹ đã từng chịu đựng những lần chiến tranh lạnh của bà ngoại đối với mẹ. Mẹ cũng đã từng chứng kiến những lời miệt thị, mắng chửi của một bác phụ huynh dành cho con bác sau cuộc họp phụ huynh cuối năm. Và rất nhiều những trường hợp đáng tiếc xảy ra được báo mạng đăng tin sau những lần người ta bị bạo hành tinh thần. Ấy vậy mà, sáng nay mẹ đã để bản thân mất bình tĩnh đến mức không thể kiểm soát lời nói. Chắc con gái mẹ đã có ít nhiều tổn thương.
Mẹ vẫn nhớ cảm giác của mẹ khi bà ngoại giận không nói gì với mẹ, bà nói chuyện với tất cả mọi người trong nhà nhưng với mẹ thì bà chỉ im lặng. Mẹ đã đếm từng ngày, ngày thứ nhất, ngày thứ hai… ngày thứ năm… và mẹ cứ tự nói với bản thân mình “Khi nào mẹ mới nói chuyện với con, hả mẹ?”. Cảm giác lúc ấy mẹ không thể gọi tên, vừa buồn, vừa đau hay là… đau khổ, cô đơn cùng cực. Mẹ nghĩ rằng sau này mẹ sẽ không bao giờ làm điều tương tự với con, con gái ạ.Trong suốt thời gian bà giận mẹ, mẹ đã suy nghĩ rất nhiều. Mẹ ân hận với điều mẹ đã làm mặc dù mẹ vẫn biết rằng mẹ đã làm đúng, chỉ là trái ý bà ngoại thôi. Bà mong muốn mẹ là một cô bé ngoan hiền, nhưng mẹ lại cầm chồng sổ ném về phía đồng nghiệp của bà khi bị bác ý trêu đến phát khóc.
Mẹ cảm thấy gần như muốn nổ tung với cảm xúc tủi hổ lúc này, mẹ cô đơn lắm, mẹ ước gì bà mắng mẹ thật nghiêm, thậm chí vụt mẹ thật đau vào đít như ông ngoại vẫn làm nhưng hãy nói chuyện vui vẻ với mẹ khi cơn giận dữ qua đi. Thậm chí mẹ đã nghĩ rằng, từ nay về sau, mẹ sẽ làm mọi điều bà muốn chỉ cần bà không giận mẹ.
Vài ngày sau, cơn giận của bà qua đi thật, bà bắt đầu nói chuyện với mẹ nhưng bản thân mẹ lại vô cùng gượng gạo, mẹ thấy bà không còn thân quen như trước, mẹ cảm nhận được bức tường vô hình giữa mẹ và bà… nhưng mẹ đã không nói ra điều đó.
Rồi sau nhiều lần chiến tranh lạnh như thế, giữa mẹ và bà là một bức tường băng chắc chắn, mẹ ít tâm sự với bà hơn, mẹ sợ cảm giác bị bà giận nên thường né tránh bà. Đáng ngại hơn, mẹ bắt đầu có suy nghĩ “Có thể thao túng tâm lý người khác bằng việc giận dỗi họ”. Và những người mẹ yêu mến cũng lần lượt xa lánh mẹ.
Cho đến một ngày mẹ chứng kiến cô Phượng - bạn thân của mẹ bị chính mẹ của mình tát nhiều lần vào mặt và mắng chửi thậm tệ bằng những lời lẽ cay độc nhất. Lúc ấy mẹ biết, người ta có thể làm tổn thương nhau bằng nhiều cách, miễn là điều đó khiến họ cảm thấy mình mạnh mẽ hơn kẻ yếu đuối kia.
Cô ấy cũng từng kể với mẹ rằng: Không ăn rau cũng bị mắng, ho không kịp che miệng cũng bị mắng những lời mà đến Bino - con chó cưng của mẹ cô ấy cũng chưa từng phải nghe. Mẹ cô ấy, có thể mang cả dòng họ từ bố, bác, bà nội, cụ của cô ấy để minh chứng rằng những tật xấu của cô ấy hôm nay là do di truyền từ họ.
Cũng chính mẹ cô ấy, gọi cô ấy là “thứ súc sinh”, “đồ con chó”, “đáng chết”, “tự xỉ vả mình đi cho nhớ”… những từ ngữ gieo vào lòng đứa trẻ sự đau đớn, hoài nghi về bản thân. Để khi qua cơn nóng giận bà ấy thường đánh tráo khái niệm rằng đó là sự giáo dục với tình yêu con vô bờ bến, tình cảm chân thật nhất chỉ người mẹ mới nói với con của mình. Kiểu “Thương cho roi cho vọt”.
Rồi cũng đến ngày cô Phượng đi lấy chồng, người đàn ông cô ấy chọn đúng như mẹ cô ấy muốn. Người đàn ông cao to, có chút địa vị, rất lịch sự với gia đình vợ nhưng… đánh vợ không trượt phát nào. Và đau đớn hơn, bà yêu cầu cô Phượng phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình, trở thành một người vợ ngoan, một người mẹ đảm để mỗi khi có khách đến họ đều khen gia đình thật hạnh phúc.
Mẹ và cô Phượng đã cùng dán cho nhau từng miếng băng cứu thương lên trái tim non dại, chằng chịt những vết thương… Hy vọng, những cơn giận dữ tiếp theo của mọi người đừng đến sớm khi vết thương cũ chưa kịp lành.
Lá thư này của mẹ, thật khác với những lá thư trước phải không con. Mẹ không nhắn nhủ gì con, cũng không nhiều những lời yêu thương, vỗ về mà chỉ là những câu chuyện hờn giận thật buồn giữa mẹ và con gái. Con ơi, có lẽ đây là món quà quý giá mẹ có thể dành cho con ngay lúc này khi chúng ta đang sống trong thời đại mới, tân tiến và bình đẳng.
Mẹ mong chúng ta thấy được thiếu sót trong cách giáo dục của thế hệ đi trước để cùng rút kinh nghiệm, cùng trân quý phút giây được bên nhau, cùng hiểu đúng về khái niệm yêu thương. Gia đình là nơi ấm êm chờ đón ta về. Người thân là những người sẵn sàng che chở con khi gặp khó khăn, vui chung niềm vui của con. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng cần được vun đắp từ cả hai phía.
Mẹ thật sự muốn được trở thành một người bạn mà con tin tưởng cả đời, mẹ không muốn con sợ mẹ. Chúng ta, có thể trò chuyện và góp ý chân thành với nhau bằng những lời lẽ và hành động văn minh để cả hai trở nên tốt hơn mỗi ngày. Con nhớ nhé, con là một cô gái xứng đáng được trân trọng, người yêu thương con chắc chắn sẽ luôn tôn trọng con.
(Nguồn: Phụ nữ mới)