Hãy cho con một mùa hè đúng nghĩa!

Hoài Nam |

Năm nào cũng vậy, bước vào kỳ nghỉ hè, nhiều phụ huynh lại đứng ngồi không yên với các câu hỏi: “Biết gửi con chỗ nào?”, “Biết cho con tham gia các lớp ngoại khóa nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như thời gian đón đưa?”. Dự kiến như mọi năm, ngày 15/8 sẽ là ngày học sinh tựu trường chuẩn bị cho năm học mới 2020 - 2021. Kỳ nghỉ hè năm nay, do ảnh hưởng bởi COVID-19 nên sẽ rút ngắn hơn mọi năm khiến nhiều phụ huynh băn khoăn giữa việc cân đối thời gian nghỉ và học của con.

Nếu đúng như dự kiến thì năm nay thời gian nghỉ hè của học sinh chỉ gói gọn trong một tháng. Có rất nhiều ý kiến đề nghị ngành Giáo dục-Đào tạo cho học sinh học sau lễ khai giảng thay vì học trước như mọi năm để kỳ nghỉ hè của học sinh kéo dài thêm hai tuần, cũng là để cho ngày khai giảng trở nên ý nghĩa hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vậy nhưng trong khoảng thời gian nghỉ hè theo dự kiến đó, nhiều phụ huynh đã xếp lịch cho con theo học các lớp học thêm về văn hóa và rèn luyện kỹ năng.Trong khi phụ huynh lo lắng với việc chọn lớp, xếp lịch thì con cái “ngộp thở” với thời gian học thêm, thời gian tham gia các môn ngoại khóa. Nhiều phụ huynh luôn hướng đến việc phát triển con một cách hoàn hảo: học văn hóa giỏi nhưng kỹ năng mềm cũng phải thành thạo. Vì thế, hè chính là khoảng thời gian thích hợp cho các môn học khiêu vũ, bơi, đàn... Một học sinh lớp 7 chia sẻ với bạn: “Từ thứ hai đến thứ sáu, mình phải đi học thêm Toán, tiếng Việt; thứ bảy, chủ nhật học tiếng Anh. Buổi sáng phải dậy sớm để đi học bơi. Mùa hè là mùa học...”.

Có nhiều quan điểm trái chiều về việc nên hay không nên cho con học hè, có người thì ủng hộ, có người lại nói không với việc học hè và cho con tận hưởng một mùa hè đúng nghĩa. Tuy nhiên, phần đông phụ huynh đều lựa chọn giải pháp học thêm vào mùa hè cho các con, phần để không gián đoạn với chương trình học đã theo từ trong năm, phần ngăn không cho con tiếp xúc quá nhiều với ti vi, smartphone... Một phụ huynh giải thích về sự lựa chọn cho con học hè của mình: Đợt COVID-19 vừa qua khiến nếp sinh hoạt của gia đình tôi bị đảo lộn, nhất là vừa phải sắp xếp thời gian chăm sóc con, vừa phải bảo đảm công việc theo giờ hành chính. Dù con mới đang học bậc tiểu học nhưng hè nào tôi cũng gửi con ở nhà cô giáo, để con vừa được học, ba mẹ cũng có thể đảm bảo công việc của mình. Một phụ huynh khác thì đưa ra các dẫn chứng: Đuối nước, tình trạng xâm hại trẻ em, rồi sự cám dỗ của game online..., đó là những thứ khiến tôi ám ảnh. Vì vậy, cho con tham gia các lớp học hè vẫn là sự lựa chọn tối ưu của chúng tôi. Ngoài ra, một số nguyên nhân như sân chơi cho trẻ em trong mùa hè không nhiều và cũng chưa làm các bậc cha mẹ yên tâm; nhiều bậc phụ huynh lo lắng rằng các con sẽ quên hết kiến thức đã học nếu không được ôn luyện trong suốt tháng hè... khiến giải pháp cho con học hè và tham gia các khóa học kỹ năng sống được nhiều phụ huynh lựa chọn. Kỳ nghỉ hè biến thành học kỳ 3 của rất nhiều học sinh vì những lý do như vậy. Học sinh cứ thế xoay tít với sách vở, các khóa học kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng xã hội, tự nhận thức bản thân…; các lớp năng khiếu hội họa, âm nhạc, võ thuật… từ thứ hai đến tận chủ nhật. Học sinh tiểu học khổ, học sinh trung học lại càng khổ hơn bởi nghỉ hè là khoảng thời gian để bồi dưỡng thêm kiến thức nhằm dễ dàng bắt nhịp trong năm học mới với điểm số không được thua bạn kém bè. Lịch học kín mít chẳng khác gì trong kỳ học chính thức. Sau một năm học căng thẳng, các em không có thời gian nghỉ ngơi để tạm thoát khỏi áp lực học tập, dù đang trong kỳ nghỉ của mình.

Hè đến, với nhiều em học sinh không phải là những ngày vui đùa thoải mái cùng chúng bạn với những trò chơi đậm chất trẻ thơ; không được chạy nhảy tự do trong các buổi dã ngoại cùng gia đình. Các con, thay vì được thưởng thức một mùa hè đúng nghĩa sau 9 tháng miệt mài trên lớp, nay lại tiếp tục đi đi về về ngày hai buổi học thêm. Dẫu biết rằng, nỗi lo trên của các bậc phụ huynh không có gì sai nhưng việc “tước” đi khoảng thời gian nghỉ ngơi quý báu nhất của các con, bằng những khóa học hè như vậy không phải là một cách làm hiệu quả cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Bởi, hè chính là thời điểm các con cần được thư giãn, là lúc các con viết thêm vào trang nhật ký những kỷ niệm êm đềm và đẹp đẽ của lứa tuổi học trò. Nhờ vậy mà các em sẽ tích lũy cho mình được không ít kỹ năng sống cơ bản. Đến khi chuẩn bị vào năm học mới, ai cũng có cảm giác hồi hộp, vui mừng khi được gặp lại bạn bè, thầy cô sau thời gian dài xa cách. Mùa tựu trường, vì thế cũng trở nên ý nghĩa hơn.

Làm thế nào để cho con một mùa hè đúng nghĩa? Câu trả lời hẳn sẽ không quá khó đối với các bậc phụ huynh nếu chúng ta tự cởi bỏ áp lực của chính bản thân và cân đối hài hòa giữa việc chơi-học của các con.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bơi cả dòng sông

Yên Mã Sơn |

Nắng đầu mùa làm cho dãy quán bên đường như khô đanh lại. Những tấm bạt che tạm cứ vươn xa ra khỏi vỉa hè như cố che cái nắng oi ả cho gia chủ của mình khiến con đường nhỏ lại, lụp xụp chứ không thoáng đãng như mùa đông.

Nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ trong văn hóa truyền thống của người Việt

BTV |

Ca dao xưa có câu: “Tháng tư đong đậu nấu chè; Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm”. Hằng năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch dân ta lại tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ…

Nước hoa có mùi chính trị

Gia Hiền |

Cách quan tâm chính trị trong sáng của chị em khiến anh ước ao mọi thể chế trên đời đều do phụ nữ nắm giữ, thì hòa bình hẳn trong tầm tay.

Thương những mùa trăng

Diệu Ái |

Khi ánh trăng chưa tròn, tiếng trống lân đã vang lên khắp xóm. Đám trẻ con bắt đầu háo hức nôn nao đợi trung thu về.