Ngay cả những người khó tính nhất, từ các góc nhìn khác nhau, cũng không thể không thừa nhận Việt Nam đã làm rất tốt trong đối phó với đại dịch.
Các dữ kiện thực tế, trước hết là các số liệu thống kê tự nó đã nói lên nhiều điều, nếu người quan sát không bị những định kiến che mờ, không phải thuộc dạng chỉ chấp nhận những điều mà mình muốn nghe và muốn thấy. Một cách công chính, chúng ta phải suy nghĩ khách quan và độc lập trên các dữ kiện.
Mỗi một hệ thống xã hội đều sẽ bộc lộ những điểm mạnh, yếu trước những tình huống nhất định. Không có hệ thống nào là hoàn hảo vạn năng. Quả thực, trong những tình huống khẩn nguy như thế này, thế mạnh về khả năng huy động tập trung các nguồn lực; sức mạnh từ sự phối hợp của các thành tố trong hệ thống chính trị; năng lực kiểm soát xã hội; sự tập trung nhất quán về ý chí chính trị của toàn bộ hệ thống lãnh đạo - cái tạo nên những quyết đoán trong lựa chọn ưu tiên, thay vì phải phân tâm trong những thời khắc phải lấy những quyết định sống còn (như những lãnh đạo trong các hệ thống mà mỗi một quyết sách đều phải thường xuyên nghe ngóng và tiên lượng phản ứng của những lá phiếu bầu từ dân chúng... Và thực ra, nhìn từ một khía cạnh khác, đó lại là điểm ưu việt của họ trong rất nhiều tình huống khác vậy!). Với riêng Việt Nam, những kinh nghiệm tích lũy từ trong những cuộc trường kỳ kháng chiến, quán tính của một thời gian dài vận hành nền kinh tế chỉ huy… đều là những ưu thế kế thừa được trong xử lý khủng hoảng... Tuy nhiên, hệ thống vẫn chỉ là hệ thống. Nó phải được vận hành qua những con người cụ thể. Từ những lãnh đạo tử tế, tận tâm đến đông đảo những con người thầm lặng và vô danh trên tuyến đầu chống dịch. Từ những nhà chức trách đến hàng chục triệu công dân - người lao động cũng như chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư... đang gồng mình chống chọi từng ngày với những hậu quả của tai ương bất ngờ đổ ụp xuống với một ý thức kỷ luật và tinh thần cộng đồng cao.
Tình cờ thấy được một video Trung Quốc tổ chức những nghi lễ hoành tráng để tiễn và chào đón những chiến sỹ áo trắng hoàn thành nhiệm vụ từ Vũ Hán trở về. Về chữ “lễ” thì Trung Quốc là số 1 rồi! Nhưng với riêng clip này, ai xem cũng cảm thấy xúc động. Và trong lúc chờ đợi những lễ lạc long trọng (?) để ca khúc khải hoàn - điều chắc chắn sẽ diễn ra - mỗi người cũng nên gửi một chút tâm tình cảm ơn đến đa số vô danh đang ngày đêm đối đầu trực diện với đại dịch, ít nhất là đừng làm mọi việc rối thêm.
Đừng như một đám học đòi hóng hớt, hời hợt về cái gọi là thị trường tự do cạnh tranh để tự cho rằng không cần phải có nghĩa vụ biết ơn ai hết...
(*) Tiêu đề do Xanh Ewec đặt.