Hoa của tháng Ba

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Người già bảo cô được mùa sinh vì thuộc mệnh Mộc mà được sinh ra trong mùa Xuân. Đang là những ngày đầu tiên của tháng Ba. Không có bông hoa nào dành tặng cô.

Khắp nơi trên đường phố hoa được bày bán rộn rã. E.mail báo có mesagger. Là bài viết kèm ảnh minh họa của cộng tác viên. Dòng cảm ơn của cô thật mượt mà. Trên khoảng sân ngang ở phía trước là làn nắng mới rải màu vàng dịu ngọt. Bàn tán sôi nổi về mẫu đồng hồ và túi xách sang chảnh đang được giới thiệu trên thế giới ảo làm hai cô gái ở bàn bên cạnh không ngắm được sắc ửng của cơn gió vô ngôn vừa tới. Màn hình vừa sáng và nhịp rung của chiếc điện thoại di động ở cạnh tập tài liệu cho biết người bạn được cô lưu tên “không tì vết” từ năm trước đang gọi tới. “Mình đang tìm cách vận động cộng đồng giúp hai vợ chồng mù nghèo ở một xã miền núi có điều kiện mưu sinh tốt hơn để nuôi và cho cậu con trai ở tuổi sắp vào lớp một được đến trường”. Không còn những nụ hồng vàng và cẩm chướng đỏ trong mong chờ. Cảm thấy sâu hơn sự bất lực trước những nghiệt ngã. Vọng tới tâm trí là lời khuyên “Đừng sống thân phận của người khác mà nhất là người nghèo khó” trong lúc cô viết những dòng tin về tình cảnh của gia đình nhỏ ấy để gửi tới mục nhân đạo của các tờ báo mình có cơ duyên cộng tác.

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân

Tháng Ba đang xanh những thân cành của cây cối và đậm đà tươi thắm những bông hoa chúc mừng phái đẹp cùng lời hát “màu nắng hay là màu mắt em” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hoa hay sản phẩm làm đẹp đều không đến với cô. Gió đầu Xuân đã ấm hơn và bầu trời đã cao hơn. Công việc lại bắt đầu hối hả. Những giỏ hoa của thời gian không còn gợi nhắc hơn ba mươi năm trước có người nói rằng vì cô mà muốn học trồng hoa. Tấm thiệp hoa người ấy tặng đã không còn. Kỷ niệm cũng vô thường. Công việc truyền thông đa phương tiện đòi hỏi những sáng tạo mới mà cũng đưa đẩy cô gặp nhiều cảnh đời xót xa mới. Hoa tươi đã tỏa hương sắc trong ngày cưới của người mẹ nghèo đã sinh ra cô bé 9 tuổi bị mắc một dị tật là cong vẹo cột sống mà cô vừa viết thư kêu gọi giúp được chữa trị. Tháng Ba này hoa của người mẹ ấy vẫn là cô con gái mà “tắm cho cháu hôm qua tôi mới để ý thấy người cháu bất thường với lưng cong và cả thân hình thấp nhỏ hơn so với các bạn cùng tuổi mà dạo trước còn hay kêu đau mỏi người nhưng cuộc sống cơ cực quá nên tôi cũng không có thời gian nghĩ ra là cháu bị bệnh”. Cô không hay là nước mắt của mình đang rớt trên dòng chữ mà mình đang trích câu nói của người mẹ…

 

Dòng tin nhắn lời hẹn uống cà phê như một bông hoa nở thầm giữa ồn ã thị thành trong ngày của một nửa nhân loại trên địa cầu. Giọt nắng ngân vang như trong sắc nắng vàng mảnh mai kia có vô vàn cái chuông đang nhất loạt rung lên. Khu vườn có sự yên tĩnh sâu xa bên đường phố dài. Cà phê thơm óng ả. Họa phẩm duy nhất trong quán là bức tranh thủy mặc ẩn hiện đóa sen gầy trầm tư với mưa sa trên mặt hồ. Hộp thư điện tử vừa mở trên laptop nhấp nháy dấu báo có thư mới ở phần thư đến. “Bác sỹ Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện đã trả lời rằng vì độ cong vẹo khá lớn nên ca bệnh này được phẫu thuật càng sớm càng tốt và bệnh viện có năng lực rất lớn nên hãy yên tâm là sẽ chữa trị tốt ca bệnh này. Bé cần được khám sàng lọc kỹ cùng với các xét nghiệm bổ sung. Nhờ bạn nhắn gia đình của bé liên hệ với cán bộ công tác xã hội của Bệnh viện để được hướng dẫn về hỗ trợ chi phí phẫu thuật”…

Nụ hàm tiếu của tháng Ba nở trên môi và giữa lòng cô.

Thanh âm mùa xuân và năng lượng thành phố trẻ

Lê Đức Dục |

Những lần ngồi uống cà phê ở khu vực các quán xung quanh Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, tôi vẫn thầm ao ước cả quảng trường rộng lớn và thoáng đãng này sẽ trở thành một không gian lan tỏa năng lượng cho đô thị, cho những thị dân mà không phải thành phố nào cũng có được một không gian như thế.

Thương người sợ Tết

Diệu Ái |

Khi người ta bắt đầu sử dụng lịch âm, nhẩm tính ngày tàn tháng tận bằng những thở dài, bạn giật mình ngó quanh, hóa ra ngày càng nhiều người sợ Tết, giống mình vậy.

Nhớ những món ngon của mẹ

Hồ Sĩ Bình |

Trước ngày giỗ mẹ, M. hỏi tôi: Mai giỗ mẹ, hỏi anh lúc sinh thời mẹ thích ăn món chi để em nấu cúng cho mẹ. Tôi ngớ người một lúc để nhớ, nhưng chẳng nhớ được gì. Thôi, để anh gọi Lan (em gái) cho chắc ăn vì cứ nghĩ em gái có thời gian dài sống gần gũi với mẹ mà là con gái nên chắc biết về sở thích của mẹ. Ai ngờ, em cũng lớ ngớ trả lời: Mẹ thích món chi hè? Không, có thấy mẹ thích chi mô anh...!

Bếp ngày Tết

Hà Phạm |

Nếu không tìm được niềm vui khi vào bếp thì cũng đừng coi đó là việc nhọc nhằn. Nhọc nhằn là ở trong tâm mình, khi mình so đo hay bực bội.