Là một nhà văn, nhà văn hóa đọc nhiều, đi nhiều, nghĩ nhiều nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có không ít tác phẩm viết về các vùng quê nước Việt từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Còn nói riêng với một người con của gió Lào cát trắng thì như một lẽ thường tình, khúc ruột miền Trung đã thành máu thịt trong nhiều sáng tác của ông.
Nhà văn có nhiều bút ký hay về quê hương Quảng Trị như “Hành lang của người và gió”, “Cồn Cỏ ngày thường”...và không thể không nhắc đến một văn phẩm tiêu biểu cho phong cách uyên bác, tài hoa, thấm đẫm nhân tình, đó là bài viết “Đêm chong đèn nhớ lại” nghe như một câu hát của Trịnh Công Sơn trong ca khúc quen thuộc “Huyền thoại mẹ”.
Tâm cảm của bút ký xoay quanh một mảnh đất nhỏ bé và duyên dáng nép mình bên dòng sông Thạch Hãn, đó là thị xã Quảng Trị. Tác giả tỉ tê chuyện Thành Cổ Quảng Trị có lúc được đọc trại là “Thành Cỏ” sau ngày nước nhà thống nhất. Rồi chuyện mẹ Thỏa giả điên để che mắt đối phương thời chống Mỹ suốt nhiều năm trời để nuôi giấu cán bộ. Mẹ giả điên giống thật đến nỗi ai cũng tin, chỉ có một người biết rõ không phải vậy, ấy là người nằm dưới nắp hầm bí mật ngay dưới nền nhà của mẹ. Hòa bình, thống nhất rồi người mẹ hy sinh vô điều kiện ấy cũng không nặng chuyện công sá mà tiếng bấc tiếng chì sự đền bồi. Vì rằng, ngay đến đứa con trai duy nhất rứt ruột sinh thành dưỡng dục của mẹ cũng ngã xuống ngay trước ngày chiến thắng thì kể chi chuyện công lao cứu nước. Mẹ có buồn, có giận cũng là thái độ bất đắc dĩ trước thế thái nhân tình. Nhưng không nói mà vẫn phải nói, vì đó là chức phận của lương tri, ăn ở có trước có sau của những người đang sống. Nên khi biết mẹ gặp chuyện thủ tục rườm rà, nhiêu khê mà chậm được giải quyết chế độ chính sách thì ngày ấy người viết đã không khỏi ngậm ngùi. Rất nhiều người mẹ như thế từ bao đời nay đã không so hơn tính thiệt, lặng lẽ dâng hiến, lặng lẽ hy sinh và cả lặng lẽ thiệt thòi cho đất nước được yên bề nhất thống, không còn cảnh bom rơi đạn lạc, người mãi đợi người...
Từ câu chuyện của mẹ Thỏa, tác giả đã gợi nhắc đến lịch sử của Thành Cổ, cả việc chọn nơi chốn làm việc cho tờ báo văn nghệ (tức tạp chí Cửa Việt) ngày đầu lập lại tỉnh cách đây ba mươi năm là ở thị xã Quảng Trị thay vì Đông Hà khiến nhiều ngạc nhiên và đàm tiếu. Nhà văn lý giải: “Nhiều đồng nghiệp khuyên chúng tôi dời trụ sở báo ra Đông Hà, dù sao vẫn đỡ “thiếu thông tin” hơn là ở đây. Mảnh đất Thành Cổ này, tôi vẫn nhận được những nguồn thông tin thật quan trọng, mà nhiều người khác không biết tới. Thí dụ như hài cốt của những người lính mà những người đi đào nhôm và sắt vụn, hoặc những thợ xây đào lên được hằng ngày từ độ sâu thứ hai dưới mặt đất, thí dụ như Khu nghĩa trang của thị xã hằng tuần đều thêm những ngôi mộ mới mang tấm bia khắc hai chữ “Vô danh” và thí dụ những người dân như mẹ Thỏa mà tôi có thể gặp hằng ngày.
Đó là những thông tin hết sức quan trọng cho công việc của tôi, chỉ còn ghi lại trong bộ nhớ của Đất. Dù rằng khi nghe tôi giãi bày, trong những cuộc bia bọt, có nhiều người cười tôi là mộng mị”. Đó là những thông tin nhân văn rất mực mà bổn phận những người cầm bút nhất thiết cần phải biết, biết mà hành xử như một nghĩa vụ của lương tâm.
Đêm chong đèn nhớ lại và phải luôn luôn nhớ, như khi nhà văn nhắc nhở chuyện bức tâm thư của nhân dân thành phố Bô-lô-nha (Ý) gởi cho đồng bào thị xã Quảng Trị dưới cái tên “thành phố tuẫn đạo”. Người- viết- ở-Thành-Cổ Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn luôn thao thức và trăn trở, bằng lời văn thống thiết tận tâm can, rằng: “Quảng Trị là thành phố đã chết để cho nhân loại thức tỉnh và tự mình hoàn thiện. Tôi đã chôn cất hài cốt của nhiều liệt sĩ còn gửi lại trên mảnh đất Thành Cổ mà tôi đang thừa kế, với tư cách là một người sống sót. Lịch sử được làm nên bởi những người đã chết và vì thế trong quan hệ với lịch sử, mỗi nhà văn làm công việc của mình với tư cách là một kẻ sống sót. Từ đáy lòng quằn quại, tôi cố gắng giải mã bức thông điệp câm lặng của các anh chị để lại. Rằng, những người chết đi không hề mong ước được phong anh hùng và được thấy hoa tươi dâng trước mộ. Không, không, không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ, cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm”.
Cũng bằng nỗi niềm văn-triết-sử bất phân, nhà văn-nghệ sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nâng niu xứ Huế, quê hương thứ hai của ông bằng bút ký “Sử thi buồn”. Đó như một bài thơ văn xuôi nghe gần gũi với một “thánh ca” của người bạn tâm giao Trịnh Công: “Phúc âm buồn”. Tiếp nối tuyệt bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, giai phẩm “Sử thi buồn” là một chương thật quan trọng trong tổng phổ Sông Hương. Bắt đầu bằng một giả định địa chất khiến ai nấy rụng rời: “Giả sử một ngày nào đó xứ Huế không còn Hương Giang thì mọi sự ra sao, để rồi câu chuyện dẫn dắt người đọc đến những mệnh đề hệ trọng của nhân sinh-văn nghệ. Văn nhân quả thực có con mắt xanh tinh tế trước dòng sông kỳ lạ này: “Sông Hương rất nhạy cảm với ánh sáng, nó thay đổi nhiều lần trong một ngày như hoa phù dung và đôi khi màu nước không biết từ đâu mà có, không giống với màu trời. Đó là một nét động trong cái tĩnh của thành phố, khiến cho dòng sông gây ấn tượng mạnh với ai từng đánh bạn với nó, giống như màu áo của người bạn gái yêu mến của mình. Sông vẫn thường xanh, nhưng chính màu xanh trở mình sau lũ mới lạ lùng, nắng vàng lạnh và dòng sông vừa xanh trở lại hôm qua, màu lục non trẻ trung đến chạnh lòng, như một tình cảm nào thiết tha khôn nguôi trong đời. Cuối hè, Huế thường có những buổi chiều tím, tím cầu, tím áo, cả ly rượu đang uống trên môi mình cũng chuyển sang màu tím và sông Hương trở thành dòng sông tím sẫm hoang đường như trong tranh siêu thực...”.
Từ chuyện dòng-sông-nghệ-sĩ, ngòi bút chấm phá những con - người- nghệ- sĩ. Những áng văn dù ngắn dài khác nhau về chí sĩ Phan Bội Châu, nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, nhà văn Phùng Quán hay nhạc sĩ Văn Cao từng duyên nợ với dòng Hương đều khiến người đọc thấm thía cái mỹ vị của ngôn từ và cả những thâm sâu trí tuệ ẩn hiện đằng sau câu chữ. Đó là “Ông già Bến Ngự”: “Suốt một đời chọc trời khuấy nước, trở về làm Tô Đông Pha đánh bạn với dòng sông sương mù, Phan Bội Châu tìm thấy ở sông Hương một tâm hồn bè bạn vừa sáng suốt, vừa tinh nghịch để chia sẻ với ông những kinh nghiệm lịch sử làm cho triết nhân nheo mắt cười...”, hay nhà thơ Trần Dần đã khái quát màu tím sông Hương thành “nhân loại tím” và thi sĩ Đoàn Phú Tứ nổi tiếng “màu thời gian tím ngát” như thể viết riêng cho dòng Hương đã hiện lên trong hồi ức của người thơ Hoàng Phủ: “Quả thực tôi đang đối diện với một đời nghệ sĩ tài hoa, đến bây giờ cốt cách vẫn chưa phai mờ. Tưởng lại gương mặt sầu buồn trải mấy mươi năm giữa xóm đê ven sông này, tôi kinh hãi nhận ra từ đáy ký ức vui buồn của ông, mải miết trôi đi một dòng sông tím ngát”.
Lại thêm một quan sát và phát hiện của tác giả khi nói về chuyện uống rượu của chàng nghệ sĩ cốt cách hào hoa - Tư Mã (Tương Như) thời nay-nhạc sĩ Văn Cao, trong một đêm trên phá Tam Giang: “Anh Văn Cao rất lạ, anh có thể uống rượu với mọi người bằng một tâm cảm bè bạn như nhau, nhưng sẽ nhất định từ khước và bỏ đi khỏi cuộc nếu buộc phải nâng chén với một vài người nào đó mà anh nghi ngờ về nhân cách”. Đó không phải là thù tạc thông thường, không phải là đối ẩm giao bôi mà là chuyện đối nhân xử thế, cũng như dòng Hương không phải là vật thể thiên nhiên vô tri vô giác mà qua tâm sự của nghệ sĩ ngôn từ đã hiển hiện như một sông-người, một “nhân giang” trong cách nhìn Hoàng Phủ và đương nhiên cần phải được đối xử như với một con người.
Trong nhàn đàm “Báo Tiếng Dân kiểu mới” tác giả nhắc đến sứ mệnh ngôn từ của người cầm bút. Nhà văn nhắc lại tờ báo nổi danh do cụ Huỳnh Thúc Kháng, một sĩ phu Quảng Nam sáng lập và điều hành, có tuổi thọ đến 16 năm giữa kinh sư Huế trong chế độ thực dân phong kiến hà khắc. Tính thân dân và chiến đấu của “Tiếng Dân” thể hiện trước hết nó là tờ báo tự thu tự chi, mặt khác tôn chỉ của tờ báo là: “Không thể nói hết Tiếng của Dân, nhưng báo chủ trương rằng dù không nói được điều muốn nói thì cũng không nói những điều người ta buộc phải nói”. Ngay cả quảng cáo cũng chọn lọc, không đăng tải những nội dung tác hại đến phong hóa hoặc phóng đại quá xa sự thật. Một tờ báo ra đời cách đây hơn 90 năm nhưng vẫn để lại nhiều bài học truyền thông mang tính thời sự cho đến hôm nay.
Vẫn còn những trang viết thú vị, bổ ích về Lũy Thầy (Quảng Bình), về Tây Sơn (Bình Định)... cho ta thấu tỏ hơn về những mảnh đất gắn bó với tên tuổi Đào Duy Từ hay Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân như những trải nghiệm lịch sử, văn chương sinh động và hữu ích.
Đúng là Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về mỗi địa dư trên dải đất đòn gánh miền Trung có thể nhiều ít khác nhau nhưng đích đáng: Hay, sâu và thường có những tìm tòi, khám phá. Nó thể hiện một tình yêu trĩu nặng với dải đất này và câu chữ tinh lọc tuôn ra từ một nội lực văn chương thâm hậu.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)