Làng xưa còn lại chút này…

BẢO NGHI |

Quán cà phê đầu xóm hôm nay xôm tụ bởi hàng tre nghiêng nghiêng soi bóng xuống dòng sông đối diện quán đã biến mất. Hàng tre này vốn là hàng rào của xóm bên.

Năm rồi nước lụt lên cao may có hàng tre che chắn. Đồ đạc trôi đến đó thì dính vào rễ tre nên mắc lại, chờ chủ ra lấy về. Cả đoạn đường sạt lở hết, trừa lại xóm bên nhờ có hàng tre. Thế mà giờ không lụt, không bão mà hàng tre lại bị xóa sổ. Hỏi ra mới biết họ chặt bán vì có người mua mỗi cây tre 20.000 đồng kèm theo lời nhắn nhủ, không có hàng tre này, dễ bê tông hóa con đường hơn, xây hàng rào bằng tường nhìn ra vẻ đô thị văn minh hơn.

Cả mấy dãy tre dài đằng đẵng trồng ngót nghét mấy chục năm tính ra cũng không đáng là bao bởi nhà nhiều nhất nhận được chừng chục triệu mà nếu “xây hàng rào mới mất cũng phải 20 triệu” - có ai đó nhanh miệng nhẩm tính.

Một hàng rào xanh dẫn lối vào nhà. Ảnh: Yên Thường
Một hàng rào xanh dẫn lối vào nhà. Ảnh: Yên Thường
Hàng rào dựng để làm gì? Tất nhiên là hàng rào để xác định ranh giới một cách khéo léo, không làm mất lòng hàng xóm khi “tối lửa tắt đèn” có nhau. Vì khéo léo nên hẳn nhiên người ta mượn cây lá để nói hộ ý của mình về “ranh giới buộc phải có” nhưng nhà hàng xóm có chuyện rục rịch gì mình cũng biết. Hàng rào sinh ra “vốn chẳng để rào ai” nên bọn trẻ con tha hồ vẹt hàng rào để trốn ra chơi với chúng bạn.

Cây làm hàng rào thường được chuộng là dâm bụt, chè tàu hoặc tre… Khi hoa dâm bụt nở, bọn con nít hay hái bông làm lồng đèn, xách tòn ten. Sau cuộc chơi của bọn con nít, xác hoa đỏ rải đầy trên nền đất, còn hàng rào dâm bụt cũng xác xơ. Rồi cũng chẳng sao, từ hàng rào ấy sự sống lại xum xuê xanh, nở đỏ màu hoa dọc dài theo bờ rào như những chiếc lồng đèn hoa đăng.

Hàng rào cây xanh không chỉ làm đẹp mà còn thực sự là hàng rào của sự sống. Mấy đứa nhỏ bị mụn nhọt sau mông rên khóc um sùm, bà mẹ chỉ cần ra hái vội vài đọt lá non và hoa tươi giã nhỏ với một ít muối đắp lên thì lập tức những mụn nhọt đang mưng mủ sẽ đỡ nhức và chóng vỡ mủ. Hay nhà có người bị bỏng, dùng “trúc tâm” (là đọt tre chưa xòe ra thành lá) kết hợp với cây chuối sứ con để trị. Lá tre còn lông gọi là “trúc mao diệp”, có thể dùng làm thuốc trị đẹn, nhiễm trùng họng, nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng sinh thực nữ; nó còn có thể trị được chứng trào ngược dạ dày và chứng ách nghịch (nấc cụt)… Cũng từ hàng rào ấy, cây tre được sử dụng làm vật liệu dùng để làm nhà, không bị mối mọt và rất lâu hư hỏng, bền chắc hơn sắt thép. Dùng cọc tre đóng dưới móng nhà nơi có nước phía dưới là sự độc đáo của kỹ thuật xây dựng Việt Nam, vì những cái cọc đó gần như là vĩnh cửu.

Nhìn cách làm hàng rào cũng đoán được phần nào tâm tính của chủ nhà. Chủ nhà tâm tính hiền thì trồng dâm bụt cho tụi nhỏ bứt bông, xả rác trước nhà. Nhà có người lớn thì thích trồng hàng chè tàu uốn lượn quanh ngõ. Ngay phía cổng rào còn tỉa tót kiểu cọ một chút. Nhà mà có người khó tính hơn thì trồng một hàng rào bằng cây xương rồng. Còn muốn không cần bỏ công sức chi cả thì trồng tre.

Thế nhưng dù cây xương rồng có gai sắc nhọn thế nào vẫn không bằng hàng rào B40 hay lạnh lùng như hàng rào tường gạch, những hàng rào bằng kim loại lạnh nhạt, phẳng lặng. Nhiều người rời quê nhà đi làm ăn xa, vài năm quay lại bùi ngùi khi thấy hàng rào uốn lượn quanh ngõ như chứng nhân cho bao nhiêu biến cố, bao thay đổi của đời người đã không còn.

Còn đâu những hàng chè tàu chất phác, hiền hậu đứng ở đó như một chiếc cầu vồng mát xanh bình yên nhưng luôn bị xáo trộn bởi những trò nghịch ngợm, phá phách của tuổi thơ. Dấu vết của làng xưa đã bị biến mất. Vui hay buồn khi đô thị thì chưa định hình nhưng những nét nên thơ, tươi xanh của làng xưa bao đời xây dựng bị nhanh chóng xóa bỏ.

Nhà báo Minh Tự trong một bài viết gần đây đã cảm khái thốt lên rằng: “Đừng nhìn làng quê như hình ảnh của sự lạc hậu, và đô thị hóa là thực hiện giấc mơ ngàn đời của người dân quê. Điều đó sẽ dẫn đến cuộc thay thế ào ạt những lũy tre xanh, hàng chè tàu bằng những bức tường bờ lô xi măng khô cứng, vô cảm. Nếu không còn làng thì phố phường cũng trở nên bơ vơ như kẻ có nhà mà không quê!”.

Truyền thống và phát triển luôn có sự đối lập nhau bởi tính bảo thủ và tân tiến. Tuy nhiên, chúng cũng luôn có sự tiếp nhận trong hội nhập trên cơ sở sự chắt lọc và đào thải để trở thành một thể thống nhất và hoàn chỉnh. Bởi vậy, có thể nói trong quá trình đô thị hóa, bản sắc và hiện đại gắn với phát triển bền vững là xu hướng phát triển khách quan của các đô thị. Làm sao để yếu tố đặc thù “làng trong phố” hay các “không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng” phải có chỗ đứng xứng đáng và phải góp phần tạo nên “nền móng” của một cấu trúc đô thị có bản sắc và hiện đại theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các giá trị văn hoá truyền thống còn lưu giữ tạo nên các “không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng” trong lòng các đô thị hiện đại cần được các nhà quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, các nhà quản lý, chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm.

Đô thị nào càng có bản sắc, tính riêng biệt, tính địa phương... cao thì càng có tính cạnh tranh cao mà đô thị cổ Hội An hay cố đô Huế là một minh chứng. Chỉ khi nào hài hòa giữa cổ và mới, truyền thống và hiện đại, trong phố có làng và làng trong phố, mới đảm bảo cho các đô thị trở nên hấp dẫn, năng động, hiện đại, đặc sắc, có vị thế và sức cạnh tranh cao…

Trong khi nhiều địa phương trong quá trình đô thị sẵn sàng “chặt bỏ” không thương tiếc những hàng cây trăm năm tuổi, xóa sổ những bến nước, sân đình… thì nhiều địa phương khác triển khai mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”… sau khi đã trải nghiệm hết sự trống vắng của màu xanh.

Có người nói đùa rằng, người đô thị giờ nghèo hơn cả nhà thơ Nguyễn Bính bởi lẽ ít ra ông cũng còn có… dậu mồng tơi để mà làm thơ: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, / Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn. Nhờ hàng rào xanh xanh này mà thi sĩ nhà ta mới có thể quan sát được rằng: Chả bao giờ thấy nàng cười, / Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên, / Mắt nàng đăm đắm trông lên...

Nghe qua thì vui mà ngẫm lại thấy nghẹn nơi cổ…

(Nguồn: Tạp chí Cửa việt)

TAGS

Nỗi nhớ ngày mùa

Hoàng Nam Bằng |

Bây giờ cuộc sống của nhiều người đã gắn với phố thị, với nhịp điệu sôi động, hối hả của phố phường nhưng vẫn không thể quên những năm tháng sống nơi miền quê yên ả với bao kỷ niệm ấm áp, trong đó khó quên nhất là những ngày mùa, những lần cúng cơm mới.

Rú Chá, mùa lá bay…

Triền Thảo |

Màu vàng của lá cây chá đầy ma lực giữa giai điệu mùa thu ngát xanh xứ sở. Rừng chá những ngày cuối tháng chín luôn khiến cho những người đến ngắm cảnh như lạc vào cõi mơ của một cánh rừng miền ôn đới xa đẩu đâu bên trời Tây.

Mẹo tặng quà Trung Thu ý nghĩa

Vũ Tuyến |

Trung thu là Tết Đoàn Viên, là một dịp để mọi người trong gia đình, người thân, bạn bè cùng nhau quây quần. Đây cũng là dịp để mọi người thể hiện tấm lòng và sự trân quý qua những món quà Trung thu đầy ý nghĩa.

Sợi tóc bạc rớt bên thềm nhà cũ

Minh Phúc |

Hồi đó, lúc ngoại lui cui, cầm cái sào dài ơi là dài chọt bẻ mấy trái vú sữa chín tím rịm, bu xung quanh là đám cháu nhỏ, ngước những đôi mắt đen lay láy, tay chỉ trỏ trái này trái kia, rồi chờ ngoại chia phần, tôi nghĩ, ngoại của tôi sẽ không bao giờ già.