Mùa thu này, tôi rời nhà mẹ để về nhà mình. Từ biệt ngôi nhà thân thuộc đến từng vạch than đứa cháu vẽ nguệch ngoạc trên tường, từng cái cây trong vườn, từng cái nồi sứt quai trong căn bếp nhỏ.
Nhớ lúa mùa này mẹ được bao nhiêu tải, ngô được bao nhiêu túm phơi trên gác bếp, gạo trong thùng đã vơi đến từng nào, cá dưới ao đến ngày nào thì quây lưới bắt. Nhớ trong nhà có bao nhiêu chỗ dột, con chim rẻ quạt mấy giờ sáng thì cao giọng hót. Thân thuộc đến nghẹt thở lúc đóng cửa phòng lại bước ra ngoài hiên nhà, gió từ cánh đồng ập đến se sắt trong lòng. Tôi quyết định không mang theo gì hết kể cả những cuốn sách gối đầu giường. Vì không muốn để lại quá nhiều khoảng trống trong nhà, mẹ sẽ buồn như khi nhìn một tán cây thay lá.
Tôi đã ở trong căn nhà của mẹ qua tháng năm thơ ấu, qua niên thiếu trưởng thành, qua những mùa cây lá lao xao. Nhà mẹ là nơi đã đón tôi trở về sau những biến cố thăng trầm, đớn đau, đổ vỡ. Trong ngôi nhà của mẹ đến cả tiếng thạch sùng tặc lưỡi giữa đêm cũng lưu lại trong kí ức tôi thật rõ. Vậy mà mùa thu này tôi phải rời nhà mẹ!
Mùa thu màu trời trầm hơn. Tôi ngồi trong căn nhà mới, nhắm mắt mường tượng lại những điều thân thuộc. Cổng nhà mẹ hoa thủy tiên nở rộ sau những ngày mưa, thơm như cổ tích. Hoa 10 giờ mẹ trồng trước sân đủ màu sắc đua nhau nở hút về những cánh bướm rập rờn. Những đụn khói mẹ đốt sau nhà quẩn quanh không bay lên cao được. Lũ gà con tụm lại một góc chim chíp kể câu chuyện về giun dế trong vườn. Tiếng mụ gà mái nhảy ổ làm xao động cả khu vườn hiu hiu gió. Na cuối vụ, cà chín già trên cây, rau lâu không cắt ngọn đã bắt đầu già. Tôi nhón chân đi khẽ qua mảnh sân lún phún rêu xanh, cố gắng không đánh thức con mèo lười hay ngủ. Ngước mắt lên dây phơi thấy áo mẹ đã bạc màu sương gió. Tôi cứ nghĩ mình còn trẻ mãi cho đến khi nhận ra mẹ đã quá già rồi. Vào mùa măng tóc mẹ rụng nhiều vo thành từng nắm nhỏ gió thổi bay dạt về một góc. Mẹ sẽ ngồi tiếc tóc, lẩn thẩn nghĩ có khi hết mùa măng thì tóc trên đầu cũng đã rụng hết rồi.
Tôi nhớ bậc thềm nhà mình, nơi đó mẹ thường ngồi hồi tưởng lại kí ức. Khi mà những đứa con đều khôn lớn trưởng thành, một năm chỉ vài lần về thăm nhà rồi lại vội vã đi. Chúng tôi đi ra ngoài cố gắng từng ngày để khôn ngoan, trưởng thành trong mắt người đời. Nhưng đâu biết ở một nơi được gọi là nhà, trong mắt bố mẹ mình chúng tôi luôn khờ dại. Chúng tôi lưu giữ đầy ắp trí nhớ mình những đau đớn, phũ phàng mà người dưng mang lại. Nhưng lại quên mất dần những yêu thương mà bố mẹ đã chiu chắt nuôi mình.
Bố đi làm xa, hẹn đầu mùa thu về thăm nhà. Chuyến xe khách thả bố xuống ngã ba gần nhà lúc trời đã xâm xấp tối. Sau khi thắp hương báo cáo với ông bà tổ tiên rằng mình mới về nhà, bố sẽ đi quanh nhà xem có gì thay đổi. Bố ngó vào lòng giếng xem năm nay hạn nước cạn đến đâu, ngó đàn lợn trong chuồng xem nuôi có lớn nhanh không? Bố hỏi sao chặt cây đào già? Na năm nay có ra nhiều quả? Rồi bố ngồi trầm ngâm ở hiên nhà chờ nén hương trên bàn thờ cháy hết. Mỗi lần trở về nhà bố đều xúc động vì sống gần hết đời người vẫn là những chuyến đi. Mẹ sẽ dọn cơm chiều bằng những món ăn mà bố thích. Răng bố đã rụng vài cái rồi nên món gì mẹ cũng hầm thật kĩ. Suốt cả bữa cơm mẹ kể hoài vẫn chưa hết chuyện đã xảy ra trong họ mạc, xóm làng lúc bố đi xa. Chuyện “Lũ trẻ lớn nhanh lúc nào mình không biết. Chúng lấy vợ, lấy chồng hết cả rồi. Mới một tháng mà ở làng có năm đám cưới”. Câu chuyện đang vui bỗng lắng xuống khi bố biết tin có vài người mình sẽ không bao giờ còn gặp lại họ nữa, ngay cả một lời từ biệt cũng không. Có người từng tới nhà ngồi uống nước chè chỉ trước hôm bố đi xa. Có người còn vẹn nguyên tiếng cười hào sảng. Có người từng hứa sẽ tặng bố một con chim cu gáy. Vậy mà giờ họ đều đã về với thế giới bên kia…
Mùa thu này tôi rời nhà mẹ, mang theo tất cả những kí ức thân thuộc nhất. Như giờ này ngồi đây, nhắm mắt lại tôi có thể cảm nhận được nắng đang mon men vào đến đâu trong sân nhà mẹ…
(Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM)