Bà ngoại tôi bắt đầu tập tành chơi facebook. “Tin tức” nóng hổi ấy khiến con cháu trong đại gia đình tôi vô cùng phấn khích, liên tục gửi lời mời kết bạn, like bài viết và “vẫy tay” với bà. “Ting ting”! Tiếng báo tin nhắn lại đến, bà nhìn chúng tôi cười ngại ngùng rồi cúi đầu, đôi mắt nheo nheo nhìn bàn phím điện thoại, tay run run trả lời từng chữ một. Tôi cười bảo:
-Ngoại “rep” tin nhắn vậy chừng nào mới xong?
-Ngoại cố gắng lắm rồi. Mà facebook, zalo này cũng hay con nhỉ!Tôi hỏi bà sao hay, bà chỉ cười, tập trung “hoàn thành” nốt dòng tin nhắn chỉ vỏn vẹn 5 chữ. Hơn một năm sau ngày ông tôi mất, đây là lần đầu tôi thấy bà vui như thế này. Dì tôi sắm cho bà chiếc điện thoại mới, để lướt mạng, đọc báo, xem Youtube đặng khi con cháu không bên cạnh thì bà vẫn có cái mà xem cho đỡ buồn. Hồi mới mua điện thoại về, ngoại nhất quyết không dùng. Ngoại bảo: “Tao già rồi, biết cái chi đó mà chơi. Bây thường xuyên về thăm là bà vui rồi”. Nhưng rồi ai cũng theo đuổi công việc và kiếm tiền, chúng tôi không có thời gian về thăm hay gọi điện thoại cho ngoại. Bẵng đi một thời gian, nghe đâu ngoại nhờ thằng cu Lượm, con dì Thanh trong xóm lắp sang sim, khởi động máy và hướng dẫn bà cách lập facebook cho mình.
Ngày nọ, tôi thấy bà chụp ảnh tấm bằng mừng thọ của Hội Người cao tuổi cùng bó hoa tươi thắm với dòng caption: “Tôi năm nay 70 tuổi rồi. Bạn bè tôi ai cũng có người nhà đến chúc mừng!”. Điện thoại trước mắt bỗng chốc nhòe đi, hẳn là bà tôi đã tủi thân lắm. Chiều tối, tôi sắp xếp công việc ghé thăm bà. Trong ngôi nhà với những bức tường bám màu thời gian, bà ăn cơm, mắt không ngừng nhìn màn hình điện thoại. Thấy tôi về, ngoại vui mừng ra mặt, kéo tôi vào bàn và bới một chén cơm, gắp thật nhiều đồ ăn. Tôi bỗng nhớ mình của những ngày thơ bé, những lúc như thế này sẽ luôn miệng nói: “Sau này lớn lên con sẽ ở nhà với bà để nấu cho bà thật nhiều món ngon!”. Ngoại vừa ăn vừa hỏi chuyện công việc, cuộc sống của gia đình tôi, lâu lâu không quên khoe bài viết của mình đã được bao nhiêu con cháu trong nhà like, bình luận những gì,… Bà bảo: “Nhờ cái này này - tay chỉ vào điện thoại - chúng mày mới nói chuyện nhiều với bà. Lâu nay bà cũng chẳng hiểu “phây - búc” có gì hay mà đứa nào đứa nấy cũng cắm đầu vào, giờ dùng rồi bà mới thấy hay thật. Thôi ăn đi con!”. Chúng tôi ngồi ăn cùng nhau đến tối muộn, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất và bà ăn nhiều hơn hẳn mọi hôm. Dù cười nói với bà như thế nhưng tôi vẫn thấy bản thân mình đáng trách ghê gớm. Hóa ra không phải bà tôi muốn hợp thời nên tập tành chơi facebook như người ta, chẳng qua đó chính là cách giúp bà có thể hiểu và trò chuyện nhiều hơn với con cháu, biết chúng tôi đã làm những gì, ở đâu,... Hẳn là bà đã phải vất vả lắm mới theo kịp những thứ hiện đại như mạng xã hội, smartphone. Bà mong mỏi con cháu về chơi với bà từng ngày, hôm nào cũng hái những xoài, ổi để sẵn khi có ai về sẽ có mà ăn. Nhưng cuối cùng thì… chẳng có ai về.
Tôi bàn với mọi người tổ chức một lễ mừng thọ đầy ấm cúng vào dịp sinh nhật lần thứ 70 của ngoại. Hôm đó ngoại vui lắm, vui như một đứa trẻ được nhìn thấy món đồ chơi mà mình thích. Tuy lưng ngoại đã còng đi nhiều so với hồi trước nhưng chân tay vẫn rất nhanh nhạy, hết gắp cái này cho tôi, lại lấy cái kia cho em tôi. Có lẽ không chỉ bà mà gia đình tôi cũng vui, bởi lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp quây quần bên nhau như thế. Nhờ tấm bằng mừng thọ của bà và đôi dòng status trên facebook, chúng tôi mới được trở lại những tháng năm cũ tưởng chừng đã mất. Ngoại tôi năm nay đã 70 tuổi. Với chúng tôi ngoại cái gì cũng không tiếc, từ một củ khoai lang nhỏ đến tiền học phí… một tay ngoại lo đủ. Nhưng chúng tôi lại tiếc thời gian về thăm ngoại, ham mê kiếm tiền ở thế giới bên ngoài. Thời gian trôi đi nhanh đến mức khi nhìn lại, người ta bỗng chốc đau lòng. Ngoại mong chúng tôi không chỉ về trong lễ mừng thọ mà hãy về khi có thể, có lẽ bởi ở cái tuổi “gần đất xa trời”, ngoại rất cô đơn...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)