Cứ độ giáp Tết, khi tiết trời đầy mưa phùn và gió rét, tôi nhớ ngoại khôn nguôi. Những ngày còn thơ, ngoài dịp nghỉ hè dài ngày về thăm ngoại, thì mỗi lần sắp Tết, chị em tôi lại nôn nao trong lòng vì biết ngoại đang mong chúng tôi. Về thăm ngoại trước Tết, chí ít chúng tôi cũng được ở bên ngoại gần một tuần rồi trở về nơi phố thị, hẹn đầu năm mới sẽ lại về với ngoại trong dịp làng có phong tục cúng gà vào ngày mồng 2 tết.
Khi những chân mạ mới cấy được mươi ngày bắt đầu bén đất, bén phân, lên xanh rì trong mưa phùn, gió bấc ở những cánh ruộng quanh làng thì ngoại tôi cũng như bà con vào thời gian nông nhàn, chuẩn bị lo Tết. Đó là lúc ông ngoại tôi chặt vài buồng chuối mật mang vào nhà, chọn được buồng già nhất, to nhất, trái tròn cạnh để dành bày bàn thờ cúng tổ tiên với nét mặt hài lòng. Bà ngoại giở mấy lu gạo, nếp và đỗ xanh, tính toán sao cho đủ gói bánh chưng, giã mấy mẻ bánh giầy, xay bột làm bánh in, nếp gửi biếu thông gia và bà con ở xa ăn Tết lấy thảo. Đó là những lúc ngoại rải lúa cho đàn gà nuôi từ tháng 6 âm lịch, bụng thầm chọn con gà trống ưng ý nhất dành cúng cầu an cho gia đình vào đầu năm mới…
Chúng tôi về với ngoại khi trước sân nhà là những hàng vạn thọ, lay ơn, thược dược với nhiều màu bắt đầu bung hoa. Gốc mai vàng cũng chi chít lộc non và nụ biếc. Quanh vườn, hoa cải vàng ruộm ướt át trong mưa phùn. Những ngày xưa giá rét ấy tôi nhớ nhất là bếp củi dường như luôn đỏ lửa của ngoại. Căn bếp lợp bằng tranh, phên đất, tỏa khói của rơm rạ, lá dương khô. Bếp gắn với nhà chính bằng một chiếc máng xối to, hơi thấp, dốc về phía trước sân để ngăn khói ám lên nhà trên và cũng để hứng nước mưa trữ trong lu, dùng nấu nước chè. Từ nhà trên xuống bếp phải hơi khom người một chút. Bếp đun nấu được làm bằng đất sét trét khum lại để chắn gió. Hai thanh sắt dài làm kiềng bắc soong. Gần bên bếp, ngoại luôn để hai chiếc gùi bằng tre trong đó chứa đầy muối biển như cách trữ muối trong những năm kháng chiến. Mỗi khi cần chỉ nhấc nắp đậy là có muối khô dùng. Do sức nóng từ bếp khiến muối bị nén thành từng tảng, khô chặt lại với nhau, có thể bị cứa đứt tay. Kế đó là mấy hũ mắm ngoại hong cho chín vì trời mùa đông lâu có nắng…
Ngoại dành thời gian phần nhiều trong gian bếp nên nếu cần tìm ngoại, chúng tôi chỉ cần chạy ngay xuống đó. Tuy nhiên, người gắn bó với bếp lửa nhiều nhất có lẽ là ông ngoại. Ông tôi vốn là thầy giáo, người yếu nên công việc đồng áng chủ yếu nhờ vào một tay bà ngoại lo. Những ngày giáp Tết, đêm nhiệt độ xuống thấp, gió lạnh rít từng cơn, mưa xóc vào mái ngói, tôi co ro thu mình trong lòng bà thì nghe tiếng ông húng hắng ho rồi tiếng bước chân xuống bếp. Chỉ cần cời than tro rồi bỏ vào bếp một bốc lá dương là có lửa ngay. Ngoại ngồi với bếp lửa suốt đêm. Tôi nghe mẹ nói ngoại mong ngóng cậu út tôi, người đang tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam. Có hôm quá lạnh, không ngủ được, tôi cũng xuống bếp, thấy ông đang ngồi lặng thinh, bóng in trên vách đất, chập chờn…
Với ông bà ngoại tôi, trong một năm thì Tết là thời điểm quan trọng nhất, nên việc cúng bái rất thành tâm, mọi sự đều được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Chúng tôi chơi, nghịch ở đâu cũng được nhưng không được lại gần gian thờ trang nghiêm ở giữa ngôi nhà, nơi có bộ bàn ghế không dùng tiếp khách, mỗi khi có món ngon hay có thức quà con cháu gửi về, ngoại thường đặt lên bàn thắp hương. Gian thờ ấy, cứ đến ngày 27 hoặc 28 tháng Chạp thì hai bức mành sáo được nâng lên, cúng lễ tất niên, mời tổ tiên về ăn Tết với lòng thành kính. Làng ngoại tôi có phong tục ngày mồng 2 Tết, nhà nhà làm gà, nấu xôi cúng ông bà, cũng là lúc để thết đãi con cháu ngoại ở xa về thăm. Và đến ngày mồng Ba thì làm lễ thả (hạ) sáo, tiễn ông bà, tổ tiên về trời, để con cháu bắt đầu công việc đồng áng…
Tết năm nay lại đến. Chúng tôi lại về với ngoại. Vẫn cội mai vàng, vẫn thược dược và lay ơn tốt tươi trước sân nhà, vườn vẫn vàng hoa cải và căn bếp hồng than ấm áp nhưng không còn bóng ngoại. Cậu út thắp nén nhang thơm bảo tôi dâng lên bàn thờ, như báo với ngoại, con cháu đã về.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)