Chiều mưa. Hương ngọc lan bên hiên nhà cứ lặng thầm quyến rũ. Bản nhạc Trịnh văng vẳng đâu đây cùng tiếng mưa “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa…” *
Những mùa đã qua và những chiều mưa xa cứ níu tôi trở lại. Hạt mưa kể chuyện mình trong tí tách bâng khuâng. Tôi nhớ những chiều mưa. Không biết có phải vì cái cảm giác ngày mưa có gì đó dễ thấm sâu vào tâm hồn con người hơn là những ngày nắng hay bởi tôi nhạy cảm và thiên vị với mưa? Có lẽ sự hữu hạn về thời gian cộng với gió mưa làm cho con người có gì đó bất an chăng khi ngày không ai rót mà vơi?
Xòe tay hứng giọt mưa rơi là cả một tuổi thơ sống dậy. Con đường đất lép nhép bùn lầy lội. Bàn chân bé xíu của những đứa trẻ sáu tuổi bấm tòe ngón dưới đường trơn. Lóng ngóng, lọ mực đổ ra tay trộn nước mưa nhòe nhoẹt. Quần áo nhuộm tím mực học trò, đâu đâu cũng vương màu tím! Mưa gợi cho tôi những khó nhọc từ thuở học vỡ lòng. Đúng là chỉ có trong tưởng tượng cũng không thể hình dung nổi những đứa trẻ lớn lên cùng bùn đất. Cả ngày, chỉ có mỗi buổi tối từ khi rửa chân chuẩn bị ăn cơm là đôi chân tìm đến chiếc dép làm bạn.
Nhưng những đứa trẻ đó có niềm vui mà bây giờ khó lòng tìm lại. Đó là những bữa tiệc với mưa mà chỉ có những đứa trẻ ngày xưa tắm truồng mới có. Bất chấp mưa ào ào, bất chấp mắng mỏ, la hét, chúng cứ nhảy dưới mưa hoan hỉ cho thỏa thích. Mà lạ thật, gần như chả có đứa nào ốm sau những buổi tắm mưa. Sau này lớn thêm một chút, biết ngượng nghịu, xấu hổ thì vũ điệu tắm mưa được để nguyên quần áo, cảm giác vẫn sung sướng, mát rượi. Như một lũ chuột, tóc tai ướt nhẹp, quần áo dính bết vào người, chúng tôi chạy về nhà trong niềm thích thú vô bờ.
Nỗi nhớ chiều mưa như con đường mòn trong ký ức, cứ hiện những vết chân bé nhỏ ngày xưa. Một nửa ngày học ở trường, nửa ngày còn lại những đứa trẻ chúng tôi theo cha, mẹ ra đồng cuốc, cào, cấy, gặt hoặc chăn trâu, cắt cỏ… không làm được việc nặng nhọc thì trẻ con làm việc nhỏ. Chính vì vậy, việc nhà nông đứa nào cũng thạo, làm nhanh thoăn thoắt.
Nếu nói theo ngôn ngữ của trẻ bây giờ, thì hồi đó, chúng tôi thường học trải nghiệm trên cánh đồng. Từng cây lá, hoa cỏ, giống khoai, giống lúa ngày ấy lũ chúng tôi đều biết. Chỉ cần nhắm mắt lại, ngửi mùi hương là phân biệt được cỏ ấu, lá cúc tần, lá trầu, lá ổi, chỉ cần sờ tay là biết cỏ gừng, cỏ chỉ, cỏ lá tre,… Những thứ đó thân thuộc với người quê như ngấm vào máu thịt. Mắt lim dim nghe nhạc mà trong đầu tôi toàn hình ảnh bông hoa nhọ nồi cánh trắng nhỏ xinh thấm đẫm nước mưa. Nếu đứt tay, vò nhẹ cây đó một chút nhựa cây đã nhuộm đen những ngón tay mềm, giữ lá đó trên vết thương, nó khắc cầm máu.
Thương những buổi chiều mưa, giọt xiên giọt thẳng găm rát lưng người. Khi cả nhà quây quần bên căn bếp nhỏ thì mẹ phải quẩy nốt mấy đóm mạ đi vá đồng cho kịp. Cánh đồng Quýt xa làng nước trắng mênh mang, chiều ngả dần về đêm trong tiếng còi tàu thúc giục vào ga. Cảm giác lo lắng, thấp thỏm chờ đợi khi trời tối thẫm vẫn chưa thấy mẹ về vẫn còn nguyên vẹn trong tôi đến tận bây giờ.
Những buổi chiều mưa với những khoảnh khắc bình yên trôi qua mà khắc sâu vào tâm khảm con người. Như vẫn còn đây cảnh ta ngồi bên bậu cửa ngắm đàn gà con ướt lướt thướt tìm chỗ trú mưa, nhìn bong bóng mưa phập phồng trên mảnh sân gạch đầy nước, nghĩ đến câu ca dao buồn buồn mà thương cái Tám mẹ bỏ đi lấy chồng xa. Tôi thường hay ngắm những hạt mưa to rơi xuống nền sân, bắn tung lên mà tưởng tượng và mơ về chiếc vương miện kim cương lấp lánh quên cả nhổ tóc sâu cho bà để đổi mươi sợi lấy một cái kẹo dồi hay một que kem hai hào mát lạnh… Chiều mưa trôi đi trong hương thơm rộn ràng của thóc nếp, của nẻ nổ trắng cả chảo rang bên bếp rạ, trong mùi vôi nồng nồng bánh đúc quyện mùi hành phi của bếp nhà ai theo khói ấm bay lên.
Những ngày mưa, niềm vui của trẻ con là được đi bắt cá rô. Cá cứ ngược dòng nước chảy mà lóc lên. Cá hồi đấy sao mà nhiều thế, chỉ đi một lúc đã được lưng giỏ hoặc một xâu cá dài. Ngạnh cá đâm vào ngón tay nhiều khi chảy máu hoặc xước, xát nhưng chẳng hề gì, rồi cũng quen. Lòng lâng lâng nghĩ đến bữa canh cá rô nấu rau cải thơm lừng, món canh dân dã quê tôi đã đi vào ca dao một thuở: “Cá rô canh cải nấu gừng/ Không ăn thì thiệt chứ đừng chê bai”. Chả như bây giờ, mưa xuống, lòng tôi cứ hoài niệm nhìn theo dòng nước chảy mà tịnh không thấy con cá nào. Cá rô đồng xưa giờ đã rủ nhau đi đâu?
Sau mưa, làng xóm nhộn nhịp hẳn lên. Chỗ này người câu, chỗ kia thả vó, trẻ con đi bắt kiến càng về rang thơm phức, ăn ngầy ngậy, bùi bùi. Những đứa choai choai khoái nhất là tìm chỗ nước chảy để đắp nhạy bẫy cá ngày mưa.
Mà lạ thật, mưa nhiều, nước lên, người lớn lo ao chuôm cá đi, đồng ruộng mất mùa bao nhiêu thì trẻ con lại thích thú, khoái chí khi được ra lội uồm uồm bờ nước ngập bấy nhiêu. Đúng là tuổi thơ vô lo vô nghĩ. Chúng tôi có biết đâu nỗi lo của người lớn khi thóc gạo trong nhà đã hết, khi củi lửa, rơm rạ ướt, làm sao lo được bữa ăn cho năm, sáu người trong nhà khi mà mưa lai rai mãi không thôi.
Mưa. Ông tôi lặng lẽ vót nan đan rổ, rá. Mặc cho bà cháu, mẹ con tíu tít ở bếp, ông lẳng lặng vừa làm vừa lẩy Kiều. Ngón tay trỏ ông xỏ vào một miếng da trâu khô để dao mác không cứa vào tay. Thi thoảng ông nghỉ uống chén trà, tôi thử xỏ tay vào đó, tay tôi lọt thỏm giữa cái mà tôi gọi là nhẫn da trâu cứng ngắc của ông. Trước bao nhiêu vết dao sắc, nó vẫn vẹn nguyên không rách xước gì, bền bỉ theo ông hết cuộc đời. Chả biết từ bao giờ, những câu Kiều cứ như những giọt mưa thấm dần vào hồn tôi dù lúc đó tôi chả hiểu gì, chỉ nghe man mác buồn:
Từ đây góc bể chân trời
Nắng mưa thui thủi, quê người một thân…
Đêm thu khắc lậu, canh tàn
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm sương…
Trời mưa có việc của trời mưa. Bà tôi lôi bó rơm nếp gác trên bếp xuống, đứa chặt phần gióng cuối, đứa rút rơm cho bà bện chổi. Những sợi rơm vàng óng ngoan ngoãn, hiền lành nằm gọn gàng, chặt chẽ trong bàn tay bé nhỏ, gân guốc đầy chấm đồi mồi của bà. Bà vặn rơm thành cái chổi xinh xinh. Vặn chổi xong, bà dùng khúc tre hoặc khúc gỗ đóng vào giữa thân chổi cho chắc. Cái Thương với cu Tân được bà bện cho cái chổi nhỏ, xinh, lại có lớp rơm cắt ngắn xòe ra như cái váy của công chúa chổi nom thật điệu. Tiếng mưa rì rầm hòa với tiếng Thương hát líu lo, ngọng nghịu “Một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm/ Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ…” như còn vẳng bên tai. ** Có chổi mới, đứa nào cũng chăm quét nhà hơn. Bây giờ, mỗi khi nhìn thấy cọng rơm vàng lại miên man nhớ về những chiều mưa ấy, nhớ ngón tay bà như múa với vàng thơm một thuở đói nghèo.
Những chiều mưa mùa đông, mưa gợi cho tôi mùi khói ám và những cơn gió bấc rét căm căm. Chân tay nhúng xuống nước chỉ chực đông thành đá. Áo bông cũ sờn truyền từ đời nọ đến đời kia không đủ che ấm cho người. Bếp giấm trấu là cái lò sưởi duy nhất cho cả nhà, ai cũng muốn đặt bàn tay tím tái lên đó xua bớt đi giá rét. Hai bàn tay xòe ra, úp lên mặt rặt mùi khói trấu khen khét, thơm thơm phảng phất hương thóc nếp dịu dàng.
Rét thế nhưng tôi với anh Minh vẫn đi bắt cá cóng để cải thiện bữa ăn. Gọi là cá cóng vì rét quá, con cá cứng đờ người không bơi được, cứ lững lờ dưới làn nước trong như chờ người nhón mang về. Bắt được cá về thì người cũng cóng, giẫm lên đất khô mà chân tê dại, buốt giá chẳng có cảm giác gì. Nghĩ đến đó mà thương những chiều mưa mùa đông lạnh giá ngày xưa.
Những cơn giông ầm ầm theo những đụn mây kéo về đen đặc bầu trời trong những buổi chiều mùa hạ, cũng là lúc lũ trẻ chúng tôi gò lưng xúc thóc chạy thi với mưa. Ngoài đồng, người lớn cũng chạy vội về nhà. Bà tôi đi mót thóc, gió bạt cả nón mê, cái dáng gầy gò đi ngược cơn giông cứ ám ảnh mãi trong tôi.
Tôi nhớ cả cơn mưa chiều mùa thu đó, ánh mắt nào chạm ánh mắt tôi trong hiên nhà ven đường lúc tránh mưa. Câu hát tinh nghịch của cậu bé bên cạnh làm tôi nhớ mãi: “Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa…” để rồi bao ngày cách xa, một chiều mưa tôi lại nhớ về bài hát đó: “ Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa, đôi ta về dưới mưa, có nhau mà như xa”.
Năm nay mưa ngâu nhiều quá!
Mưa dai dẳng, dấm dẳn mãi không thôi. Bất chợt có ánh nắng, nghĩa là trời vừa mưa vừa nắng, phía đông nam ánh lên chiếc cầu vồng bảy sắc. Người ta thường nói ai nhìn thấy cầu vồng sẽ gặp may. Cầu mong người ở nơi xa lắc cũng nhìn thấy những khối màu sắc tuyệt diệu kia.
Những hạt mưa như những sợi chỉ mỏng manh khâu lại những ký ức ngày xưa ấy. Những sợi mưa chiều như những khuông nhạc trầm buồn, da diết mà sâu đậm. Tôi ngồi thẫn thờ trong mưa, chỉ để hoài niệm và biết ơn những giọt mưa nuôi chúng tôi lớn thành người. Trong âm thanh của chiều mưa có niềm vui, nỗi buồn, có đói nghèo và ấm áp một thuở bình yên. Ông, bà đã đi về với thế giới người hiền, tất cả đã khác xưa, chỉ lòng tôi còn vương vấn…
“Ngoài hiên mưa rơi rơi. Lòng ai như chơi vơi…” *
* Bài hát, lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
** Bài hát Bé quét nhà của nhạc sỹ Hà Đức Hậu.
(Nguồn: Tản văn hay)