Rót vào những mùa trăng

Vinh Hoài |

Tôi hay nghĩ về giọt nước mắt của miệt bưng biền. Thấy nó trong ngần, đơn thuần và thân thương quá đỗi. Câu chuyện nằm mãi trong lòng không bao giờ kể được. Nào phải chuyện tôi không tin người đời không hiểu, mà thật tình là có nói ra liệu mấy ai hiểu hết nỗi xót xa của cố hương, mỗi bận có vài đứa con chọn xa xứ, chọn gieo đời mình vào dòng mênh mông của nỗi cơ cầu thăm thẳm chốn lạ quê người.

Đã bao mùa trăng tròn, gầy trên nền trời vời vợi. Trăng trên đồng thấy vậy chớ không giống trăng nơi phố thị. Tôi đổi cơn khát gió khuya còn vương mùi ngái nồng của đám cỏ non xanh mọc đầy trên bờ ruộng. Đổi cả một tuổi thơ chưa trọn vẹn nụ cười bên mái hiên nhà liêu xiêu mà chan chứa nghĩa tình. Đôi chân tôi chạy. Chạy nhanh trong cơn tất tả ngày tháng. Chạy để quên luôn mùa trăng này mình đã rót được gì vào đó.

Nửa tháng trước, tôi có chuyến công tác về mấy tòa án ở miệt cùng quê mình. Tranh thủ thời gian tôi ghé nhà thăm nội, thăm má và mấy em. Từ dạo ra trường rồi công tác ở tòa tỉnh, tôi ít khi được về nhà. Mỗi lần về là mỗi lần vội vã. Bộ vạc tre ngồi chưa ấm hơi, cái ôm nội chưa đủ lâu để lau khô đi giọt nước mắt. Má nhìn theo mãi làn khói xe tôi chạy vội khi có án mới, rồi nén lại tiếng thở dài thườn thượt.

 

15 năm rồi tía không quay về. Tía mãi nằm đó, sâu thật sâu chỗ mấy gốc mãng cầu sau vườn nhà. Trong mớ ký ức chấp vá của đứa con quen mùi khói bụi sặc nồng xa hoa thành phố, tôi mơ về dáng hình tía của những ngày tôi lên 9, lên 10. Tía rót vào mùa trăng là nỗi nhọc nhằn của đời nhà nông, của từng đêm băng đồng đi soi ếch, cắm câu. Giàu có chi đâu mà không phải làm lụng. Cái nghèo trong mắt tía không phải là kẻ thù. Tía từ lâu đã xem cái nghèo như phận số mình phải chấp nhận rồi đi qua.

Tía nói nghèo cũng làm, mà giàu cũng phải làm. Đôi mắt thơ dại của tôi tròn xoe nhìn tía gỡ mấy con cá lóc đồng ú quay. Rồi làm đến khi nào hả tía, tôi bất giác hỏi. Tay tía vẫn không ngừng việc móc mồi mới vào lưỡi câu. Làm đến khi nào trăng không còn mùa nữa thì thôi. Quan trọng là còn sống thì con người ta còn làm, không cần biết ít nhiều, miễn sao lòng mình thật sự thấy đủ. Cơn gió đồng giữa đêm mát rượi. Mạ non tía cấy hồi mấy tháng trước, giờ đã thành lúa cong oằn hình trái me. May mà đêm nay tôi xách được về nhà một bao cá nặng, chớ không thì má lại la vì cái tội trốn ngủ theo tía ra đồng. Tôi bỏ lại sau lưng là đám lúa chờ ngày được gặt, nặng đầy nỗi hồn nhiên không hiểu cho chữ đủ tía rót vào dòng trăng chảy trên đồng.

Trăng đã lên quá ngọn tre đầu làng, đêm nay má lại không ngủ được. Bên khung cửa tre, má ngồi vá mấy cái áo đi đồng bung chỉ của thằng Ba. Ngần ấy mùa tía bỏ đồng, cũng là ngần ấy tháng ngày má rót từng giọt nhớ chồng má vào trăng. Tôi với thằng Ba hỏi má sao không đi thêm bước nữa đi, tụi con hổng có buồn phiền gì đâu. Đi cho tuổi già đỡ cô liêu. Má cười cười, tụi bây ăn đã đời mấy miếng cá má gỡ xương nên giờ muốn bay đi chớ gì. Má ngoài ngũ tuần, mày hoa da phấn năm nào giờ đổi bằng từng vết đồi mồi, chân chim. Tay má giờ khác hẳn. Đôi tay ấy chai sần, đen đúa một màu cằn cỗi của phận người khô khốc.

Từng nỗi niềm của má được ủ xuống đất quê. Mùa nắng về làm cho cánh đồng nứt toạc ra, tiếng thương lời nhớ cho tía cứ vậy rồi thi nhau dâng trào, lan ra khắp ruộng, kéo dài đến tận cuối miền chân mây. Cơn lũ phù sa bồi đắp trái tim bưng biền, có khi còn không đủ phì nhiêu bằng những đêm má nhớ về tía.

Ngày đưa tía về chỗ mấy gốc mãng cầu như di nguyện của tía, má khấn xin lại của tía một tấm áo sơ mi bạc màu, chỉ may bung ra, dính đầy mủ chuối. Má không tẩy lại chiếc áo. Má nói tẩy làm chi, có tẩy hết được cơ cực của tía tụi bây còn dính đầy trên áo đâu mà tẩy. Hơn mười năm má vẫn giữ chiếc áo duy nhất còn lại trong nhà của tía. Thi thoảng má có đem ra giặt rồi đem phơi cho đẫm nắng, đẫm trăng và sương trong vườn. Tôi nói má sao hông đem xả lại bằng nước xả vải cho thơm. Má lắc đầu, tay má đang ôm cái áo của tía vô cất tủ. Có mùi gì thơm hơn mùi đất, mùi của dân quê dầm sương dãi nắng đâu con.

Nhiều cái hào nhoáng, tiện nghi thấy dị mà hổng mang nhiều hạnh phúc bằng mưa nắng, con nước xứ mình đâu. Cuộc đời này bản chất nó hông có buồn, là do con người sống mà chưa bao giờ biết đủ nên mới thấy đời hông vui, rồi quay sang trách đời. Tôi gặp lại chữ đủ của tía trong lời má. Mất gần hai chục năm cho một câu trả lời từ câu hỏi thuở thiếu thời. Lúc nhận ra mùa trăng ở quê vẫn đẹp dù có những đồi mồi, chân chim má rót vào, tôi cũng hiểu ra được lời tía dạy.

Tôi nợ thằng Ba là bao mùa trăng nó rót cơ hội học hành đời mình vào đó. Nó đổi cho tôi bước chân thẳng tắp trên con đường công danh. Đường học của thằng Ba cắt ngang vào giữa năm lớp 9. Thấy má thân sáo một mình phải lo trong ngoài sau ngày tía thác, nó xót rồi cũng nghỉ ngang chuyện chữ nghĩa.

Ngày tiễn tôi lên xe khách ra sân bay Cần Thơ, thằng Ba vỗ vai tôi thủ thỉ, Hai ráng mà học đi nghen, đời em lớp 9 cũng coi như xài được chút đỉnh rồi, Hai đậu đại học mà bắt Hai bỏ dở thì còn tiếc hơn em nữa. Nước mắt tôi chảy dài suốt chuyến xe khách lần đó. Tôi thấy mình ích kỷ làm sao, hẹp hòi làm sao. Đáng ra người nên đi tiếp trong xấp anh em phải là thằng Ba. Tôi là anh lớn vậy mà không nhịn nhường, phải để em tôi chuốc khổ thay mình.

Thằng Ba tập thương đồng, thương mớ cần câu rồi đống lưới giăng cá. Sáng sớm đến khi mặt trời chín đỏ rụng xuống sau chỗ mấy ngọn núi xa xa, nó đều ở ngoài đồng, ngoài vườn. Mùa nắng thì đi thăm đồng, làm cỏ vườn sẵn kiếm mấy mớ rau. Mưa về thì nó đi cắm câu, đặt lờ hay soi nhái. Ai cũng nói tôi nhìn giống tía y như đúc. Vậy mà ít ai hiểu, trong đám anh em thì người giống tía nhất phải là thằng Ba. Nó giống tía từ nét trầm mặc kiệm lời, tới cái sự lam lũ chịu thương chịu khó cho gia đình cũng không xê dịch đi đâu được.

Tôi hỏi thằng Ba có giận hờn gì tôi không mỗi lần tôi bay từ Hà Nội về thăm nhà thời còn sinh viên. Dù là ngày đại học, hay cho tới lúc tôi ra trường thì câu trả lời của nó vẫn cứ vậy, gọn lẹ và dứt khoát trong chữ không. Nó cầm ly rượu đế rồi nốc cái chóc. Xong nó khà ra một hơi dài kiểu sung sướng lắm. Có gì đâu mà giận Hai ơi, giờ cũng quen, cũng thương nhánh mạ, hòn đất rồi. Ai cũng có cái số hết mà, như tía hết nợ trần thì tía đi, như em thương Hai, thương nhà thì em chọn gắn đời mình bên ruộng đồng. Quan trọng là gì Hai biết hông? Là mình đi sâu vô cái số đó, mình làm cho nó đẹp theo cách lòng mình muốn, chớ chuyện người ta chê khen có là khỉ gì đâu mà, thấy đủ là được. Tôi thấy lòng mình được giải thoát khỏi nỗi ân hận phần nào. Hóa ra trường đời mang cho thằng Ba nhiều cái mà giảng đường năm đó không cho tôi được. Như chuyện thằng Ba rót luôn cả sự khiêm nhường, sự bao dung và yêu thương vào dòng trăng đang trôi theo con nước ròng gần sáng này vậy.

Con Út sắp sửa gả chồng. Tôi đang thu xếp mớ công việc trên cơ quan để cuối tuần về làm lễ xuất giá cho nó. Mồ côi tía từ buổi lên 4, con nhỏ dại khờ có hiểu gì về khoảng cách âm dương đâu. Hỏi tía đâu thì nó nói nhẹ bẫng, tía chết rồi còn đâu. Hỏi biết nào tía dìa hông, nó cũng nhẹ bẫng đáp chết rồi sao dìa cha nội. Con nít thấy vậy mà hiểu chuyện lắm chớ hổng có giỡn chơi. Chỉ là cách tụi nó biểu hiện ra bên ngoài cũng đơn giản như chuyện con Út buồn thì khóc, vui thì cười. Nó không dằn vặt nhiều như má, không hoài thương nhiều như nội, càng không thắt lòng nhiều như tôi với thằng Ba.

 

Thơ ấu con nhỏ vắng đi tía, coi là chuyện buồn, nhưng cũng là điều may mắn. Đời con nhỏ nên rót vào mùa trăng là những mộng mơ ngọt mềm, thay vì là từng bận tất tả chạy ngược thời gian kiếm tìm hình bóng của tía. Không nhớ nhiều thì sẽ chẳng đau khổ nhiều. Mong bến đỗ của con Út sẽ ngọt lành một lần và mãi mãi. Chú rể cũng có đâu xa lạ gì, là cấp dưới của tôi đó thôi. Tôi vỗ vai thằng em đồng nghiệp cũng sắp sửa làm em rể tôi, trông con nhỏ dùm anh. Thằng nhỏ cười hiền, anh yên tâm em sẽ rót vào đời vợ em là sự thấu cảm, sự yêu thương để đắp bù những mùa trăng thơ ấu kém trọn vẹn tình cảm gia đình của vợ em. Thằng nhỏ thư ký mới vào cơ quan ba năm mà hiểu chuyện cực kì. Quan trọng là nó cũng biết và thương những mùa trăng quê hương.

Tôi nhẹ lòng phần nào, lúc nhìn con Út lên xe hoa của một người đàn ông cũng biết lời thì thầm của những mùa trăng đời nó.

Dân xứ tôi ai cũng miệt mài rót đời mình vào trăng. Từng mảnh đời dẫu có muôn màu, muôn kiểu nhưng đều chung câu nói giản dị chân phương của tấm lòng. Tôi nhớ nội, nhớ tía, nhớ má rồi mấy em ở nhà. Ai cũng đều rót một điều gì đó vào mùa trăng rồi. Rót cho trăng thêm say câu hò điệu lý tình quê. Rót cho kẻ đi xa như tôi biết say vị men tình của miền cố thổ. Tôi choàng tỉnh khỏi đống ngang ngổn trong lòng. Phát hiện mình cũng đã từng rót điều gì đó vào những mùa trăng, trong những ngày chân không trên đồng nhưng tim sớm đã nằm sâu trong đất.

(Nguồn: Tản Văn hay)

Mừng tuổi Mẹ

Tây Long |

Hoạt động tri ân không chỉ thể hiện ở những điều lớn lao mà có thể khởi đầu bằng những việc làm nhỏ bé, giản dị nhưng mang đầy ý nghĩa. Đó là thông điệp mà Huyện đoàn Hải Lăng gửi gắm thông qua chương trình tổ chức tiệc sinh nhật cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy mới triển khai nhưng chương trình đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực.

Ký ức làng

Hồng Vân |

Làng tôi nhỏ lắm. Cả làng lơ thơ, vỏn vẹn đôi chục nóc nhà vách gỗ cũ kỹ trông như những tổ chim câu neo vào sườn núi biếc xanh.

Khói còn bay sau mùa

Hoàng Công Danh |

Buổi trưa tôi nằm ngủ lịm đi giữa nắng chuyển mùa, rồi một bản giao hưởng của nhiều âm thanh đánh thức tôi dậy.

Mùa câu

Trần Tuyền |

Với người dân vùng bãi ngang, quãng từ tháng 5 - 8 hằng năm là thời gian lý tưởng để giong thuyền ra biển buông cần câu cá. Mỗi làng chài sẽ có nhiều nghề câu khác nhau nhưng đa số vẫn hành nghề câu vàng, câu lông, câu thẻo, câu rường... để đánh bắt nhiều loại thủy sản từ sinh sống gần bờ cát đến vùng biển có rạn san hô. Mùa câu thường mang lại niềm vui cho mỗi ngư dân nơi miền chân sóng.