Như ngôi sao không tắt

Nguyễn Bội Nhiên |

Câu chuyện bên ly cà phê sáng nay của nhóm bạn thời phổ thông trung học chúng tôi là nhắc nhau cùng đi thăm những thầy giáo, cô giáo đã dạy mình thuở ấy nhân Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11. 

Một kế hoạch nhanh chóng được đồng thuận nhưng khi cả nhóm bắt đầu yên ắng trở lại thì một gợi ý khác được đưa ra là thêm nén tâm hương viếng thăm người thầy dạy Văn đã trao cho một học trò nhỏ mà mình dạy dỗ tình thương yêu và lòng cảm thông trìu mến, sự chia sẻ bùi ngùi như trong những câu thơ cảm động của thầy: Cho đến hôm nay/ Giữa chợ Đông Hà/ Mẹ và em/ Đi bán con gà trống/ Để nộp tiền lệ phí kỳ thi/ Mẹ già rồi. Hai bàn tay lẩy bẩy/ Con gà bay/ Nước mắt mẹ lưng tròng/ Thầy trao em món tiền nho nhỏ.

 

Bốn mươi năm trước, người học trò trong bài thơ ấy đã bước vào khung trời cao rộng hơn của tri thức một phần nhờ sức tác động của phẩm chất nhà giáo và người thầy giản dị, nhân hậu kia đã có thêm niềm vui, hạnh phúc: Hôm nay nhận được thư em/ Lá thư viết nơi giảng đường đại học/ Giữa Sài thành hoa lệ lao xao/ Thầy có biết đứa học trò ngày ấy/ Làm gia sư quyết ăn học bằng người/ Thư em đến trước giờ lên lớp/ Thầy thấy cuộc đời toàn trái ngọt, hoa tươi.

Thuở ấy, trên bục giảng giữa thời bao cấp luôn có những thầy giáo, cô giáo gieo vào mỗi học sinh niềm ước hẹn và sự tin tưởng về ngày mai rồi sẽ hết nghèo khó, rồi sẽ nên người và bằng người. Truyền thụ kiến thức và quan trọng hơn cả là trao cho từng học trò lòng yêu kiến thức và mưu cầu kiến thức, thầy cô giáo thực hiện sứ mệnh trồng người vinh quang và gian khổ. Vậy nên giờ đây, trong tâm trí của những cô cậu học trò ba mươi năm trước vẫn khắc ghi lời giảng thân thiết, xúc động về tình yêu quê hương, đất nước của người thầy; vẫn giữ lòng yêu kính và niềm biết ơn đối với thầy cô giáo đã giúp mình tiếp nhận những bài học về đường thẳng, đường cong và hoa trái, mùa màng; vẫn nhớ dáng người, giọng nói và phong thái của thầy của cô đã nuôi dưỡng tâm hồn và khơi nguồn tri thức cho mình…

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân

Nén tâm hương viếng thầy giáo rưng rưng hình ảnh người thầy thuở trước ngày hai buổi đi xe đạp tới trường, vượt mấy con dốc cao giữa lòng thị xã vào mùa nắng thì vi vu gió Lào, trong mùa mưa thì bời bời gió bấc bằng sức mạnh của trái tim luôn tin tưởng và hy vọng học trò của mình rồi đây sẽ là những con người sống bằng trí thông minh và sự trung hậu, lòng hiếu thuận. Người thân của thầy kể, lòng thầy tràn ngập nỗi lo lắng, niềm thương cảm khi có một ngày người học trò ấy không đến lớp và thầy đã thầm gửi học trò lời động viên giản dị và chân thành: Đừng nản lòng. Vì vậy mà khi đã đạt được sự học, người học trò ấy của thầy tin rằng ảnh hưởng của người thầy là vĩnh cửu đối với mỗi con người bởi thầy đã đưa mình đến ngưỡng của tư duy và tri thức, đã dạy dỗ mình bằng trái tim và giúp mình vượt qua những thử thách của đời sống.

Thầy như ngôi sao đã tắt nhưng ánh sáng từ trái tim yêu tri thức, yêu nghề, yêu trò của thầy vẫn đang tiếp tục chiếu rọi và làm chúng tôi xúc động trong giây phút lĩnh hội những câu thơ về vẻ đẹp cao quý của những nhà giáo chân chính mà thầy đã viết từ mấy mươi năm trước:

Cuộc đời người thầy giáo nhân dân

Như ngày xưa Chu Văn An, Nguyễn Trãi

Không muốn cao sang, chỉ muốn thanh bần

Như ngày xưa Nguyễn Tất Thành cầm phấn

Vì con đường rạng rỡ tương lai.

Tiếng chổi của mẹ

Nguyễn Bội Nhiên |

Những cơn mưa làm cho đêm Sài Gòn ngọt ngào hơn, giấc ngủ của tôi đằm sâu hơn. 

Bão

Bội Nhiên |

Trong những đêm khuya cuối Thu vẫn thường có những khoảnh khắc trở mùa với làn sương lành lạnh buông dày trên tán cây, có tiếng gió thổi rung xào xạc cành lá ngoài vườn... 

Thương lấy màu xanh

Diệp Anh |

Tôi thường có cảm giác rung động khi đứng dưới một tán lá hay vòm cây rộng.

Bạc trắng miền cỏ lau

Thiên Lam |

Lặng lẽ trên những triền đồi hun hút gió, loài hoa trắng mong manh, bình dị ấy từng ngày kiên cường đương đầu với rét mướt của mùa đông để dâng cho đời bạt ngàn hoang dại mà kiêu hãnh.