Thương lấy màu xanh

Diệp Anh |

Tôi thường có cảm giác rung động khi đứng dưới một tán lá hay vòm cây rộng.

Những xôn xao của gió, của lá, mùi của ánh nắng xiên qua tàng cây nhỏ, vài thanh âm trong veo vọng đến, tất thảy hòa lẫn khiến tâm hồn tôi thư thái, dễ chịu. Sau này tìm hiểu, tôi mới biết hóa ra thiên nhiên vô cùng diệu vợi, thế giới màu xanh ấy có thể xoa dịu và chữa lành thân tâm con người.

Nương tựa nơi thiên nhiên

Theo định nghĩa chung nhất, thiên nhiên (còn gọi là tự nhiên) là tất cả các dạng vật chất và năng lượng tồn tại từ cấp độ bé như hạt nguyên tử đến cấp độ lớn như ngôi sao, thiên hà… Hiểu theo nghĩa đơn giản, khi nhắc đến thiên nhiên, ta có thể hiểu đó là tất cả những gì tồn tại xung quanh đời sống con người nhưng không phải do con người tạo nên, bao hàm là nước, là không khí, đất đai, động thực vật…

Ảnh: Diệp Anh
Ảnh: Diệp Anh
Mọi thứ con người có đều dựa vào tự nhiên. Thế giới tự nhiên cung cấp nguyên liệu để con người làm nên sự sống, từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất, từ cơm ăn áo mặc đến các tiện nghi vật chất. Có thể nói, thiên nhiên góp phần tạo ra sự sống và cũng có thể kết thúc sự sống. Nơi nào thiên nhiên ưu đãi, con người thường hòa ái, có đời sống dễ chịu. Nơi thiên nhiên khắc nghiệt, con người phải chật vật lắm để thích ứng và tồn tại.

Có một điều chắc chắn rằng, dù không tạo ra tự nhiên nhưng con người có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tự nhiên. Và theo quy luật của vũ trụ, mọi tác động dù vô tình hay hữu ý đều sẽ nhận về một phản lực ngược lại. Nghĩa là, nếu ta tác động đến đời sống tự nhiên, tự nhiên sẽ đáp trả lại ta bằng cách này hay cách khác. Đó là chân lý đơn giản, dễ hiểu mà ai ai cũng đã dần nhận ra.

Thiên nhiên nhiệm màu

Trong các màu sắc, màu xanh lá cây luôn có tác dụng khơi gợi cảm xúc, mang đến cảm giác an toàn, thư giãn, tươi mát. Một số bác sĩ tâm lý cho rằng những người nóng nảy nên sử dụng màu xanh lá cây trong phong thủy vì nó có tác dụng kiềm chế cơn nóng giận, làm êm dịu các rung động thuộc thể trí và thể xác, do đó, màu xanh là màu sắc tuyệt vời để tăng cường, nuôi dưỡng, phát triển tinh thần. Hiển nhiên, màu xanh dễ nhận thấy nhất, dễ bắt gặp nhất chẳng phải là cây cỏ hoa lá, là thiên nhiên trong lành đó sao.

Mỗi khi mỏi mệt, chúng ta thường có xu hướng tìm đến những nơi chốn an tĩnh, nhẹ nhàng. Đó có thể là khu vườn rộng, một cánh đồng mênh mông hay khoảng rừng xanh mát, giữa tiếng chim hót, gió reo, bạn sẽ tâm trí mình tĩnh lặng. Dễ thấy tác động của việc gần gũi với thiên nhiên nhất là khi quan sát và đối chiếu ở độ tuổi trẻ thơ và người già. Thế hệ ngày xưa lớn lên bên cánh đồng, bên vườn cây, thỏa thích tắm sông, tắm mưa luôn khác thế hệ ngày nay khi cứ chúi đầu vào màn hình điện thoại, tivi. Và những người già, mấy ai muốn bó buộc trong ngôi nhà kín cổng cao tường hay thích tản bộ trong vườn, tới lui chăm cây, tỉa hoa lá. Khi cuộc sống hiện đại ngày càng áp lực, việc trở về với thiên nhiên được coi là liệu pháp quý giúp con người cân bằng tâm lý.

Thực ra, việc chữa bệnh bằng cách tiếp xúc với thiên nhiên, đắm mình vào thiên nhiên không phải là khái niệm mới mẻ và xa lạ. Các nền văn hóa cổ xưa đã thấu hiểu sức mạnh chữa lành của thiên nhiên. Tại Nhật Bản, liệu pháp Forest Bathing, tiếng Nhật là Shinrin – yoku, tức liệu pháp tắm rừng đã được giới y khoa áp dụng từ lâu. Ở Hàn Quốc, Healing forests (những khu rừng trị liệu) đã được thành lập và phát triển rộng rãi nhằm cải thiện sức khỏe, an sinh của người dân. Hiểu một cách đơn giản, với một số bệnh, đặc biệt những căn bệnh liên quan đến tâm trí, trị liệu cảm xúc, trầm cảm, các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân hòa mình vào thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên cây cỏ, đi bộ, hít thở trong những cánh rừng sẽ có tác dụng hiệu quả hơn dùng thuốc.  

Hình: Internet
Hình: Internet
Tại Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người đầu tiên giới thiệu và quảng bá liệu pháp “Thiền ôm cây” đến các phật tử của mình. Tôi đã từng thử liệu pháp này và cảm nhận sự kỳ diệu của nó, dù lúc đó, tôi chưa hiểu hành động ôm một thân cây lớn trong cánh rừng chính là một cách để tâm bình lặng và đón nhận năng lượng tốt lành. Thân cây càng lớn, bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp và năng lượng bình an càng lớn. Cảm giác này chỉ có bản thân mỗi người tự trải nghiệm, chứ miêu tả bằng lời nói, đôi khi chẳng ai tin. Một hôm nào đó, bạn thử ra vườn, tìm một thân cây lâu năm nhất, tâm bạn khởi lên niềm biết ơn và yêu thương rồi dang tay ôm trọn thân cây, áp má vào cây, lắng nghe nhịp thở của mình. Thử một lần xem, bạn sẽ thấy cây cối thiên nhiên nhiệm màu biết chừng nào.

Dù hữu hình hay vô hình, với vai trò một người mẹ bao dung, một người bạn thân tình hay một thầy thuốc hữu dụng, thiên nhiên đã đối đãi với loài người vô cùng tử tế. Thế nhưng, loài người đã làm với thiên nhiên?

Hãy thương lấy màu xanh

Bhutan, đất nước được mệnh danh là “vương quốc hạnh phúc” nằm kế bên dãy Himalaya với 72% diện tích được bao phủ bởi rừng. Việc giữ gìn môi trường sống, bảo vệ tự nhiên là một trong những lý do khiến “chỉ số hạnh phúc” của quốc gia này cao hơn những nơi khác. Chúng ta, ai cũng hiểu khu rừng là lá phổi, dòng sông là mạch máu, mặt đất là nơi nương tựa nhưng việc gìn giữ bảo vệ thì mấy ai ý thức và hành động.

Con người đang phá nhiều hơn là xây, một công trình hiện đại mọc lên đồng nghĩa với việc một cánh rừng ngã xuống, một góc xanh nào đó vĩnh viễn biến mất. Tự nhiên trao cho chúng ta nơi trú ngụ an lành, chúng ta cũng chỉ ở trọ nhưng lại quá ngang tàng, quá phung phí. Thay đổi cách hành xử với thiên nhiên cũng chính là cách con người bảo vệ mình khỏi những thảm họa trong tương lai, bảo vệ ngày mai cho thế hệ cháu con của mình. Liệu có phép màu nào để con người thay đổi suy nghĩ, nhận thức, ngưng những hành động phá hủy sự sống của muôn loài, thôi hủy diệt sự sống của hành tinh này hay không? Con người cần một lời cảnh cáo, một án phạt thật nặng?

Có lẽ chưa khi nào con người nhận ra việc đối xử với thiên nhiên lại tác động đến đời sống của chính mình đến vậy. Cơn đại dịch đã và đang diễn ra đã hơn cả một lời cảnh tỉnh cho nhân loại về những cộng nghiệp mà loài người gây ra. Nói một cách vi tế thì vũ trụ đang gửi tới loài người những thông điệp, những nhắn nhủ, rằng hãy biết ơn và hãy xin lỗi thiên nhiên. Rằng chúng ta sai rồi, chúng ta cần hối lỗi, chúng ta cần thay đổi nếu muốn tồn tại bình yên và lâu dài.

Cân bằng hệ sinh thái từ việc lớn như giảm thiểu khí thải, ngăn chặn hiện tượng hiệu ứng nhà kính, giữ lại cánh rừng, bảo vệ động thực vật hoang dã đến những việc dễ áp dụng như sử dụng năng lượng sạch, tiêu thụ những thực phẩm hữu cơ, nuôi trồng theo phương thức thuần tự nhiên, không sử dụng hóa chất… Đó không phải là những biện pháp chỉ nói suông mà phải bằng hành động.

Bạn chỉ mất một giây để thải túi nilon ra môi trường nhưng phải mất khoảng năm trăm năm chiếc túi đó mới phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Môi trường bị ô nhiễm khiến dịch bệnh dễ xảy ra, sức đề kháng của chúng ta kém đi, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là loài người. Bạn có thể thay đổi từ việc nhỏ nhất như hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng ống hút tre thay vì ống hút nhựa, thực hiện những chiến dịch làm sạch biển, làm sạch rừng, tận dụng sản phẩm làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, tích cực sử dụng những vật dụng tái chế hay đơn giản, nếu đi chơi đâu đừng để lại rác. Và trồng thật nhiều cây xanh ở nơi mình đang sống để gìn giữ màu xanh yên bình, ít ra là để ngôi nhà chúng ta đang ở được phủ một không gian xanh nhất có thể. Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân nhưng sẽ là những tín hiệu để mùa xuân trở về. Đó chính là lối sống xanh cần được cổ vũ và khích lệ, nhân lên một lối sống thân thiện với môi trường, hòa ái với thiên nhiên.

Gần đây, những cụm từ như “mẹ Thiên nhiên”, “mẹ Trái đất” được sử dụng nhiều hơn, đầy tôn trọng và trân trọng. Tôi thấy cách gọi nhân hóa này thật đúng với vai trò và ý nghĩa cũng như những gì con người được nhận từ thiên nhiên. Ví như một người mẹ chung của toàn nhân loại, thiên nhiên bao dung đã cho con người nơi trú ngụ, ưu ái cho con người tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống, chẳng nề hà, phân biệt. Đâu đó có vài đứa con ngỗ nghịch, có vài hành động sai trái khiến mẹ nổi giận, nhưng làm mẹ và là mẹ, chỉ cần thay đổi sẽ có thứ tha. Vậy nên, chỉ mong mỗi bản thân chúng ta hãy tự thay đổi mình, hãy thương và giữ lấy màu xanh êm ả.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Bạc trắng miền cỏ lau

Thiên Lam |

Lặng lẽ trên những triền đồi hun hút gió, loài hoa trắng mong manh, bình dị ấy từng ngày kiên cường đương đầu với rét mướt của mùa đông để dâng cho đời bạt ngàn hoang dại mà kiêu hãnh.

Làng xưa còn lại chút này…

BẢO NGHI |

Quán cà phê đầu xóm hôm nay xôm tụ bởi hàng tre nghiêng nghiêng soi bóng xuống dòng sông đối diện quán đã biến mất. Hàng tre này vốn là hàng rào của xóm bên.

Nỗi nhớ ngày mùa

Hoàng Nam Bằng |

Bây giờ cuộc sống của nhiều người đã gắn với phố thị, với nhịp điệu sôi động, hối hả của phố phường nhưng vẫn không thể quên những năm tháng sống nơi miền quê yên ả với bao kỷ niệm ấm áp, trong đó khó quên nhất là những ngày mùa, những lần cúng cơm mới.

Rú Chá, mùa lá bay…

Triền Thảo |

Màu vàng của lá cây chá đầy ma lực giữa giai điệu mùa thu ngát xanh xứ sở. Rừng chá những ngày cuối tháng chín luôn khiến cho những người đến ngắm cảnh như lạc vào cõi mơ của một cánh rừng miền ôn đới xa đẩu đâu bên trời Tây.