Với nét mặt thảng thốt trước dòng tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời ở tuổi 72 vì trọng bệnh vừa lướt qua màn hình máy vi tính, Hồng Thu liền chọn album 12 Tình khúc Phú Quang mở phục vụ khách đang làm việc online trong quán cà phê của mình.
"Dường như ai đi ngang cửa. Gió mùa đông bắc se lòng”, ca từ và nét nhạc làm nhiều người nhận ra, vậy là nhạc sĩ Phú Quang đã chọn một sáng ngày mùa đông Hà Nội lạnh se sắt để giã biệt cõi đời mà ông đã sống, yêu và cống hiến trong 72 năm qua...
Nổi tiếng là nhạc sĩ đã sáng tác hơn 600 ca khúc mà nhiều trong số đó là hàng loạt ca khúc trữ tình về Hà Nội và mùa thu đã đưa ông đến với Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội năm 2020. Nhưng sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang là hành trình được bắt đầu bằng nỗi nhớ rét mướt, một nỗi nhớ mùa Đông khi nghe tiếng dương cầm vẳng lên trong một căn nhà đổ nát ở Hà Nội.
Cảm hứng khơi nguồn ấy đã gặp lời thơ Em ơi, Hà Nội phố của nhà thơ Phan Vũ và làm nên giai điệu, âm hưởng vượt thời gian: "Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông. Ta còn em góc phố mồ côi mùa Đông. Mảnh trăng mồ côi mùa đông. Mùa đông năm ấy tiếng dương cầm trong căn nhà đổ. Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân..." Từ đây, những bản tình ca phần lớn là phổ nhạc cho thơ đậm tình yêu Hà Nội hát về sự lãng mạn chất chứa của mùa đông thể hiện những rung động, suy tư, đắm đuối của nhạc sĩ Phú Quang chạm sâu vào trái tim của biết bao người, khiến người nghe không khỏi suy tư và thổn thức với “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”.
Những bản tình ca mùa đông của nhạc sĩ Phú Quang chân thành và tha thiết nỗi nhớ tình yêu đã làm nên những cảm xúc âm nhạc, rung cảm tâm hồn rất đẹp trong trái tim nhiều người và tên tuổi của nhiều ca sĩ nổi tiếng.
Bởi được viết khi trái tim thực sự rung động và với cơ sở nhạc lý vững chắc nên các ca khúc luôn giàu cảm xúc. Chứng kiến vợ rơi nước mắt lo chuyện học bổng của con, nhạc sĩ Phú Quang tự viết lời ca khúc Thương lắm tóc dài ơi khắc họa hình ảnh người phụ nữ vất vả, hy sinh vì con: "Mưa vẫn giăng đầy trên triền sông chiều đông giá rét, em vẫn âm thầm đi về đâu để ta thương lắm. Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở, yếm nào che". Khi đọc bài thơ ngắn Không đề gửi mùa đông của tác giả Thảo Phương, nhạc sĩ xúc động phổ nhạc với sự đồng cảm mang lại giai điệu trứ danh của nhạc phẩm Nỗi nhớ mùa đông: "Dường như ai đi ngang cửa. Gió mùa đông bắc se lòng. Chút lá thu vàng đã rụng. Chiều nay cũng bỏ ta đi".
Và, mùa đông trong âm nhạc Phú Quang tràn ngập hình ảnh, cảm xúc, giai điệu mang tên nỗi nhớ đường phố, xe cộ, góc quán cà phê, phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, tiếng dương cầm, nóc nhà thờ, dòng sông, mặt hồ, nắng và gió heo may... làm nên phong vị lãng mạn, nên thơ.
Đó là trường cảm xúc từ sự rung cảm trước cái đẹp và tinh thần yêu cái đẹp của một nghệ sĩ “lang thang hoài trên phố” đã mang vào âm nhạc miền ký ức đẹp trữ tình, tĩnh lặng, lãng đãng, mơ hồ, sang trọng từ khi "sương giăng phố vắng, hàng cây lặng im, phố cổ mặc trầm" trong Lãng đãng chiều đông Hà Nội qua thời khắc "chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn trong căn phòng nhỏ. Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya không gian dạ hương sâu thẳm, từng tiếng chim đêm khắc khoải vọng về” của Im lặng đêm Hà Nội tới lúc “Xa xa trong miền ký ức, có lẽ một dòng sông. Xa xa đôi bờ dốc nắng, mênh mang một chiều đông. Một nóc nhà thờ và gió”... ở Trong miền ký ức.
Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Phú Quang khẳng định mình là người có ấn tượng đặc biệt với thời khắc cuối mùa thu, đầu mùa đông. Đó là quãng thời gian đẹp nhất và không ai có thể quên vẻ đẹp của thời khắc đó nên cảm nhận "Thu rất thật thu là khi chớm đông sang" đã xuất hiện trong nhiều ca khúc của nhạc sĩ và làm nên tên tuổi nhạc sĩ Phú Quang trong âm nhạc, trong lòng công chúng yêu nhạc mà ca khúc Hà Nội và em khi thu chớm đông sang là một tiêu biểu: “Thu rất thật thu là khi chớm đông sang. Em rất thật em là lúc em hoang mang lựa chọn. Anh rất thật anh là lúc anh biết ra đi nhẹ gọn. Để bớt cho đời một chút gió lao xao. Và tránh cho em bớt một lời chào”. Đặc biệt, với giọng hát của ca sĩ Đức Tuấn, ca khúc Hà Nội và em khi thu chớm đông sang mang cảm xúc nồng nàn tuyệt vời, bay bổng, sang trọng, tao nhã trên nét nhạc mạnh mẽ, sâu lắng của Phú Quang và ca từ ngắn gọn của Chu Hoạch đã chinh phục người nghe bằng ý niệm dường mùa đông sinh ra là để dành cho những bản nhạc của riêng nhạc sĩ Phú Quang.
"Dường như ai đi ngang cửa, gió mùa đông bắc se lòng”; “Một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may"; "Ta còn em, góc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông"... Dù là Em ơi, Hà Nội phố hay là Mơ về nơi xa lắm hoặc Nỗi nhớ mùa đông thì mỗi câu hát đều như đã "huyền thoại hóa" một không gian, làm sống lại niềm ký ức chứa đựng tình yêu con người và xứ sở mà từ đó nhạc Phú Quang làm cho thơ được mình phổ nhạc lấp lánh và âm nhạc Việt Nam có thêm những tuyệt phẩm, con người Việt Nam có thêm nhiều vỉa, tầng trong tình yêu đất nước, quê hương.
Như nhạc sĩ của Hà Nội, của mùa đông từng nói: Tình yêu bao giờ cũng bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Nếu tôi biết yêu những con đường có bờ tường cũ rêu phong, những con ngõ nhỏ, những chiếc lá rụng, những kỷ niệm, những giọt mưa… thì mới yêu được Tổ quốc, đất nước này. Và những mảnh ghép trong thơ Phan Vũ làm mỗi người thêm yêu Hà Nội.
Trong âm giai của 12 Tình khúc Phú Quang, Hồng Thu nói rằng, từ lâu, âm nhạc Phú Quang là một phần ký ức của mình và nhiều lúc trong đời cô đã dùng âm nhạc của Phú Quang để nương tựa tâm hồn, nhất là những lúc nhớ thương một kỷ niệm đã xa nào đó là cô lại hát “làm sao về được mùa đông”… Bởi khi ấy, cô có thể hát lên "nỗi nhớ rét mướt" của nhạc sĩ Phú Quang để gặp lại mình trong mùa đông trữ tình yên bình với gió mùa đông bắc lãng đãng qua những con phố, những hàng cây quyện những hồi niệm về những đổ vỡ, đau thương, phai tàn... Nhưng cảm xúc mà mùa đông trong nhạc Phú Quang mang lại bao giờ cũng đẹp đẽ, êm đềm, dịu ngọt, man mác và đôi khi thổn thức, thao thiết, rưng rưng. Vì vậy mà khi nghe những tình khúc mùa đông của nhạc sĩ Phú Quang, người nghe thả lòng mình miên man vô định với những mơ tưởng, khát khao, ngóng trông, khắc khoải cùng nỗi buồn và hạnh phúc rung ngân vô tận theo những giai điệu được nhạc sĩ dâng tặng cuộc đời.
Phải chăng vì lẽ đó mà nhạc sĩ Phú Quang đã chọn một sáng mùa đông để về miền xa thẳm. Và người ở lại rưng rưng niềm nhớ tiếc: Giã từ nhé! Phú Quang. Giã từ nhé, mùa Đông.