Giữa tháng Chạp, dì khoe anh họ mới sắm cho dì cái ti vi có màn hình to lắm, người trong ti vi to gần bằng dì, chữ nghĩa trên đó dì đọc được hết. Giữa niềm vui xen lẫn buồn bã chẳng giấu được, tôi biết chiếc ti vi sẽ được bật suốt ngày để nhà có tiếng người phát ra rả.
Nhà dì chẳng thiếu một tiện nghi nào, mọi thứ đủ đầy để phục vụ cuộc sống của hai người già cả. Thế nhưng, một phần vì tiếc tiền điện nước, một phần không quen ỷ lại những tiện ích đó, dì tôi vẫn giặt đồ bằng tay, vẫn lui cui nhen lửa bằng bếp củi sau hè để nấu nước. Và thương sao, hai người già ấy vẫn trông con cháu về mỗi khi Tết đến, dẫu con cái đã báo bận không về, đã chuyển tiền, chuyển quà xong nhiệm vụ.
Anh họ học xong rồi lập gia đình, định cư ở TP. Hồ Chí Minh. Dịp Tết, hiếm khi anh dẫn vợ con về quê. Anh kinh doanh cà phê, dịp này lợi nhuận nhiều hơn ngày thường, chưa kể về quê đợt này tốn kém nhiều thứ. Nào là vé tàu xe, máy bay đi lại rồi quà cáp, mang tiếng dân thành phố về quê mà không có quà cho ông bà, cháu chắt thì coi sao được.
Dì hiểu điều đó nên hết sức thông cảm cho con. Những ngày giáp Tết, dì dượng còng lưng ngồi gói bánh để gửi vào cho bầy con cháu trong đó, cho tụi nó hưởng chút dư vị quê nhà, dù không chắc rằng chúng có nhớ nhung và khắc khoải, hay thành phố đã làm phai lạt đi hương quê còn sót lại.
Nhà ở sát quốc lộ nên tôi thường dõi theo những cuộc đón đưa diễn ra trong xóm. Cứ qua giữa tháng Chạp, nghe tiếng xe đò dừng lại, tôi mường tượng cảnh một bà mẹ cập rập ào ra đường không kịp mang dép khi nghe tiếng xe dừng đỗ trước cửa nhà mình. Một ông già nào đó lục đục chống gậy, càm ràm bà già sao mà lâu, nhanh ra xách đồ cho bầy con vừa tụt xuống chiếc xe bụi bặm sau quãng hành trình dài.
Được về nhà vào những ngày Tết là nỗi mong ngóng của người xa xứ, là nỗi an lòng của người ở nhà, thấy niềm vui nhen lên khấp khởi bởi nghĩ cho cùng, Tết đến, xuân về đâu có chi vui bằng sum họp.
Những nếp nhà trong xóm lâu nay khá vắng vẻ. Đám nhỏ lứa sau lớn lên đều đi học và ở lại làm việc ở một thành phố xô bồ nào đó. Giờ ra đường, tôi gặp cũng khó nhận ra vì tụi nhỏ lớn quá, không còn là những con Na, con Ty, thằng Mùi, thằng Tí lem nhem nước mắt, nước mũi ngày xưa. Những ngôi nhà được cơi nới, được xây mới đẹp đẽ, khang trang. Đã thành lệ, con cháu ở quê cứ thành đạt là về xây nhà cho cha mẹ, xây lăng mộ cho ông bà tổ tiên đã khuất. Đấy là một biểu hiện của sự báo hiếu, là sự nở mày, nở mặt của những người cha, người mẹ quê nhà.
Thế nhưng, trong những nếp nhà rộng rãi ấy, người ở dần ít đi, quanh năm, quẩn quanh tới lui chỉ người già lụm đụm cùng nhau. Có xóm thì vợ chồng dẫn nhau đi lao động nước ngoài, để lại lớp thế hệ sau sống cùng thế hệ trước, khuyết đi thế hệ trưởng thành ở giữa. Có lần, hỏi ba mẹ đâu, một em bé hồn nhiên bảo mẹ em trong điện thoại.
Mới hay, ba mẹ đi làm ăn xa từ lúc em mấy tháng tuổi nên hình dung về ba mẹ chỉ qua chiếc điện thoại thông minh. Em bé có quà, đồ chơi đủ đầy, có thứ đồ chơi là cái xe bạc triệu, mẹ già nghe giá tiền đã run lên vì tiếc. Người ta vốn vậy, họ muốn bằng cách nào đó, bù đắp sự vắng mặt bằng những tiện nghi.
Xóm tôi bây giờ, phụ huynh nào cũng có tài khoản facebook. Một người đăng ảnh lên, cả xóm vào bình luận rôm rả dù sai lỗi chính tả, dù dấu câu lộn xộn. Cuối năm, con cháu nhà ai đó về, chụp ảnh khoe cả nhà sum vầy bên bữa cơm chộn rộn, lại dấy lên những so sánh mơ hồ ở nhà này, nhà kia.
Những người không xài mạng xã hội không hẳn thoát ra những so sánh kể lể, như một cuộc chợ, một bữa cơm tất niên, lại không thể tránh những thăm hỏi, năm nay mấy đứa về ăn Tết đầy đủ không? Nghe ngậm ngùi thương nhớ qua những tiếng thở dài nén chặt của bậc sinh thành khi con cái còn vất vả nơi xứ người.
Năm ngoái, lời bài hát “Mang tiền về cho mẹ” đã gây sốt một thời gian. Tôi nghĩ, Tết đến, có quà cáp, tiền bạc cho mẹ cha thì thật tốt nhưng sẽ tốt hơn nữa khi có sự hiện diện đầy đủ của con cái. Sợ nhất là khi mọi thứ đều có trong tay nhưng lúc quay về chẳng còn ai đứng đợi. Cuộc đời như dòng sông chảy mãi, đầy bất trắc vô thường mấy ai hay.
Hãy hỏi thật, xem ba mẹ cần gì trong những ngày cận năm tàn tháng. Sự cô quạnh trong ngôi nhà tiện nghi hay sự sum vầy trong căn nhà chật hẹp, đám nhỏ chạy tới chạy lui chơi đùa, bữa cơm xôn xao tiếng người, cười nói. Và bạn, sau một năm bôn ba mỏi mệt, cũng cần một nơi để trở về nương náu nghỉ ngơi, chẳng cần cố gắng tỏ bày cho ai hay. Hãy coi được về nhà và được là chính mình trong nếp nhà thơ ấu là một phần thưởng trong lựa chọn giữa cuộc mưu sinh chốn bụi hồng. Và đôi khi Tết đến, mẹ cha cũng chỉ cần chúng ta về nhà.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)