Tết là đi về nhà....

Trần Hoàng Nhân |

Khi tiết trời se lạnh là chỉ dấu báo hiệu một năm tha hương sắp kết thúc, mở ra hành trình về nhà của hàng triệu người bỏ xứ đi kiếm sống ở thành phố phương Nam quanh năm mưa nắng.

Về nhà cũng đồng nghĩa với về quê. Ở đó có mồ mả tổ tiên, có người thân họ hàng, có xóm giềng quen thuộc. Ở đó có cánh đồng, bờ tre và dòng sông êm đềm trôi qua ký ức tuổi thơ. Khi nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953-2021) còn sống, những ngày cuối năm trông ông rất bơ vơ, khi mà bè bạn lần lượt rời xa thành phố để về quê còn ông ở lại. Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, thành phố này là quê của Lê Văn Nghĩa nên những ngày Tết ông không có nơi khác để về. Mà những ngày Tết ở Sài Gòn thì đường phố vắng tanh không thua gì những tháng ngày bị phong tỏa vì dịch COVID-19.

 

Có thể nói Sài Gòn là thành phố của dân ngụ cư, dù đã có hộ khẩu hay chỉ tạm trú cũng đều là… ngụ cư vì kế sinh nhai. Sài Gòn chỉ là quê hương thứ hai của hàng triệu người, nên đến Tết là phải về nhà.

Nếu Tết tây là thời điểm đánh dấu một năm làm việc, thì Tết ta là cả một sự kiện. Những ngày tháng Chạp, sự kiện này hiện rõ với dòng người đổ về các bến xe, nhà ga, sân bay… và dòng dài xe cộ nhẫn nại nối đuôi nhau trên các tuyến quốc lộ. Đó là biểu hiện rõ nhất sự kiện của một dân tộc trên đường về nhà, về quê, về cố hương… như tìm về nhịp đập trong trái tim mỗi người.

 

“Đường về nhà là vào tim ta, dẫu nắng mưa gần xa…”, gần đây tôi mới biết đến những ca từ này trong bài hát của Đen Vâu. Những ca từ ấy miêu tả đúng tâm trạng của triệu người trong dịp Tết.

Hơn hai mươi năm trước khi còn độc thân, tôi cũng ra bến xe với tâm trạng ấy: “Cuối năm chuyển bánh xe đò/ Mười hai thương nhớ tự cho là nhiều/ Đường xa căng sợi dây diều/ Trăng tháng chạp kéo buổi chiều lên mây/ Một đêm rồi đến một ngày/ Một năm tuổi để gió bay về trời/ Lên xe chen một chỗ ngồi/ Bóng sông trộn bóng núi đồi tha hương”.

 

Tâm trang nôn nao về nhà sớm khi công việc níu chân, một lần bất chợt ùa đến khi đi ngang ga Sài Gòn thấy dòng người rộn ràng lên tàu với đủ thứ hành trang cho một cái Tết. Có người hoan hỉ về nhà, có người buồn thiu đưa tiễn: “Gặp ga lại muốn về nhà/ Lặng nghe gió bấc thổi qua tuổi mình/ Còi tàu rúc đến lặng thinh/ Người đi tiễn, tiễn mối tình người đi/ Bao năm người nhắn nhủ gì/ Cuộc mưu sinh ấy biết khi nào dừng/ Nhắn về cát bụi rưng rưng…”.

Vả thật, Tết và không khí Tết dễ nhận thấy ở quê hơn chốn thị thành. Ở quê, Tết là cả một quá trình chuẩn bị. Tết là quét dọn, sơn phết lại nhà cửa, đánh bóng lại bộ lư hương trên bàn thờ gia tiên. Tết là mua sắm quần áo mới, làm các loại bánh mức, nấu nồi bánh chưng bánh tét và cùng nhau canh lửa trong đêm lạnh. Tết là đi chạp mả người thân đã khuất... Mọi thứ đều do chính tay những người trong gia đình quây quần bên nhau thực hiện. Ở thành thị thì khác, mọi thứ đều có dịch vụ lo hết, chỉ mỗi việc chi tiền là xong, rất nhàn hạ nhưng hình như thiếu vắng một điều gì đó rất sâu thẳm gắn kết người với người, gắn kết tình thân với tình thân.

Tôi rời quê vào Sài Gòn đi học rồi ở mãi đến nay hơn một phần tư thế kỷ. Sài Gòn cho tôi kiến thức, cưu mang cho tôi công ăn việc làm. Sài Gòn giúp tôi trưởng thành nhưng quê nhà mới là mạch nguồn của một con người mãi chảy trong tâm hồn. Tết là đến nhà chúc nhau mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, gia thất ấm êm. Nhờ những cái Tết như thế trẻ con mới không quên họ hàng. Nhờ Tết tôi mới biết cái ông râu dài tóc bạc ấy là cháu của mình. Nhờ Tết tôi mới biết cái cậu choai choai kia vai vế là ông của mình. Quan hệ trong họ hàng của người Việt trải qua càng nhiều đời càng rối rắm xưng hô. Nhưng như vậy mới là người Việt.

Tết cũng là dịp để hóa giải những bất hòa. Trong quan hệ bất đồng, người ta không nhìn mặt nhau vì sĩ diện ai cũng cao ngất trời nhưng thử lắng lòng lại, nhún nhường một chút và chọn dịp Tết để gặp nhau chúc mừng năm mới mà không cần nói gì thêm thì mọi bất hòa năm cũ có thể mãi là dĩ vãng.

Tết là đi về nhà. Hành trang mang theo làm quà của những người xa quê mỗi người mỗi khác. Nhưng cái mà ai cũng có thể đem theo khi về quê ấy là nụ cười có giá trị hơn mọi món quà. Thật đấy, được về quê đón Tết, ăn Tết, chơi Tết thì còn gì mong cầu hơn nữa mà không cười. Mùa Xuân tỏa nắng rạng ngời trên mỗi mặt người có Tết quê để về.

(Nguồn: Ngày Nay)

Nhớ Tết quê hương

Nguyễn Thị Thúy Ái |

Từ bao đời nay, người dân Quảng Trị vốn rất trọng ông bà tổ tiên, mỗi dịp cúng giỗ, lễ, Tết thường sắm sửa những mâm cỗ cúng đầy đủ, ngon sạch, tươm tất và đẹp mắt để thể hiện lòng thành kính của mình với người đã khuất.

Trang hoàng nhà cửa đón Tết

Mai Lâm |

Theo văn hóa của người Việt, nhà cửa sạch sẽ, tươm tất trong những ngày đầu năm sẽ đón được nhiều may mắn và phúc lộc hơn. Vì thế, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, tạo không gian ấm áp, tươi sáng trong ngôi nhà là điều không thể thiếu ở mỗi gia đình. Dù bận rộn với công việc, cuộc sống mưu sinh nhưng những ngày cận Tết, nhà nhà, người người đều tranh thủ dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Tết.

Nhớ Tết xưa

Hoàng Toàn |

Những ngày cuối năm gấp gáp vội vã. Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống quá nhiều thay đổi Tết giờ khác xưa nhiều quá. Tôi lại bồi hồi nhớ về Tết xưa bình yên, giản dị, đầm ấm.

Dân dã món nem chua ngày tết

Phước Hiếu |

Năm nào cũng vậy, mỗi khi tết đến xuân về, người dân Núi Thành quê tôi lại chuẩn bị tươm tất bánh trái, dưa hành, củ kiệu… để đón chào năm mới. Đặc biệt, món dân dã không thể thiếu trong mỗi nhà đó chính là ném chua treo gác bếp để đãi khách nhâm nhi với ly rượu gạo ngày tết. Món này làm không khó nhưng đòi hỏi phải cẩn thận để hương vị thơm ngon và bảo quản được lâu hơn.