Thương nhớ mai vàng

An Khanh |

Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là mẹ tôi mang hương xuân nhà ngoại về phố thị. Đó là cành mai chúm chím nụ vàng trong mảnh vườn quê. Mẹ cẩn trọng cắm vào bình gốm đã có từ lâu, chờ đợi từng bông mai nở vào thời khắc đất trời giao mùa đón xuân sang.


Khi tôi biết cảm nhận niềm vui ngày Tết, tôi thường theo mẹ về nhà ngoại, nhặt những bông mai rụng sớm, cho vào túi áo để đem về khoe với đám bạn. Cây mai nhà ngoại nở vàng rực một khoảng sân nhỏ. Trong gió sớm, cánh mai rơi lả tả, vương vít trên những chồi non trong vườn nhà.

Theo lời ngoại kể, cây mai được trồng từ lâu, khi mẹ tôi còn rất nhỏ. Tháng năm qua, sắc mai vàng trở thành hương xuân quê cũ mẹ tôi luôn neo giữ. Nhiều lần chứng kiến mẹ cười rạng rỡ, đón cành mai từ tay ngoại, nghe dặn dò kỹ lưỡng cắm mai như thế nào để tươi lâu, hoa nở đúng dịp mồng 1 Tết...Chợt khao khát luôn được bình yên cùng mùa xuân trong trẻo ươm sắc mai vàng nhà ngoại.

Minh họa: TRẦN SONG
Minh họa: TRẦN SONG

Thấm thoắt, tôi vào đại học. Có đôi lần, tôi muốn mẹ mua một cây mai được uốn thế công phu, không cắm cành nữa. Mẹ cười, lặng lẽ nắm tay tôi, thoảng trong mắt mẹ, ánh chiều như ngưng lại. Mẹ hướng ánh nhìn về nơi xa, nơi đó có mùi ngai ngái của rơm rạ, có tuổi thơ trong veo cùng những đứa trẻ chốn quê nhà. Và, chắc chắn có sắc mai vàng rực rỡ nhà ngoại vào buổi sáng giăng mắc mưa xuân.

Thời gian như lá rơi trong chiều trở gió. Ngoại đã bước qua ngưỡng tuổi xưa nay hiếm nhưng năm nào cũng hái lá mai đúng mùa, chờ đón những cành mai hé nụ và ngóng đợi mẹ con tôi về chọn mai chưng Tết. Cây mai vẫn rực rỡ khoe sắc trong nắng hanh vàng, hương mùa xuân ngập lối.

Nhìn mái tóc bạc trắng của ngoại, tôi cay khóe mắt, lòng chùng lại, nhớ lời dặn dò của ngoại cảm thấy nao lòng. Sắc mai vàng luôn nồng ấm cùng mùa xuân nhưng dòng sông đời người chảy trong miền hữu hạn. Mẹ tôi trầm mặc hơn khi về nhà ngoại chọn mai đón Tết. Có lẽ, bóng chiều buông trên những cành mai đã giúp mẹ dự cảm về những khoảng trống không thể lấp đầy ở phía trước, để xao xác, ngậm ngùi...

Rồi ngoại khép cánh mai vàng vào một ngày xuân đầy nắng. Mênh mang cánh mai vàng rụng rơi trong làn mưa bụi. Mẹ tôi bần thần nhặt từng cánh hoa, nắm chặt trong lòng bàn tay, mắt ầng ậc nước. Mùa xuân như vỡ ra trong từng hơi thở, sắc mai vàng phôi pha, chênh chao đến nao lòng.

Mẹ tôi vẫn giữ nếp cũ, về nhà ngoại chọn cành mai đẹp nhất, cắm vào bình gốm đã đi cùng với thời gian. Chỉ khác, không còn ngoại trao cho mẹ cành mai cùng lời dặn dò như trao gửi cả niềm yêu thương. Lòng tôi se sắt, nhớ dáng hao gầy của ngoại cùng cành mai vàng rực rỡ. Tự hỏi, bao mùa xuân đi qua, bao mùa mai vàng thay áo mới, bao mùa xuân đã không trọn vẹn...

Tôi ngước nhìn mai vàng nhà ngoại vẫn ươm vàng nắng xuân, lòng rưng rưng nhớ cành mai năm cũ, chỉ ao ước được một lần trở về vùng trời tuổi thơ, cùng ngoại ngắm mai vàng, bồi hồi lắng nghe mùa xuân đang gõ cửa mọi nhà.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tản văn: Về nhà đi thôi!

Hoàng Nhung |

"Tết đâu chỉ là bánh chưng, cành đào, cây quất, là thời điểm khép lại năm cũ và đón chờ những điều may mắn của năm mới sắp sang. Tết còn là người thân, là sự đoàn tụ sau một năm xa cách. Tết là sự trông mong của bố mẹ già đối với những người con trở về sau những ngày tháng làm ăn xa nhà…”.

Mứt Tết của Mạ

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Vào mỗi tháng Chạp âm lịch hàng năm, khi những cơn mưa dầm cuối Đông và những đợt rét đậm rồi rét ngọt kéo dài phả hơi lạnh khắp quê nhà Quảng Trị, hầu hết các gia đình lại chuẩn bị làm mứt Tết. Và, đó là khoảng thời gian thật kỳ diệu của đời sống gia đình nói riêng, đời sống cộng đồng nói chung trước ngưỡng cửa mùa Xuân và Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Tết nhân văn, Tết sẻ chia

PV |

Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của Việt Nam, cũng là ngày lễ lâu đời nhất, quan trọng nhất và mang đậm bản sắc dân tộc. Là ngày lễ đầu tiên trong năm, Tết Nguyên đán bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với niềm tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Tết cũng là dịp để nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới và sum họp gia đình với nhiều phong tục, nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Tết thời bao cấp

Lê Thị Mỹ Tình |

Nhân cuối năm nhà có giỗ, chén rượu, miếng trầu phấn chấn, mọi người góp vui kể lại tết thời bao cấp. Những cái Tết dù đã đi qua vài thập kỷ nhưng mỗi khi nhớ lại không khỏi bùi ngùi xúc động về ký ức một thời gian khó và bi tráng mà ta đã đi qua.