“Không thơm cũng thể hương đàn/ Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”. Nguồn Hàn trong câu ca xưa với người Quảng Trị chính là dòng sông Thạch Hãn. Sông không dài không rộng nhưng dâu bể đời sông thì mãi gắn với những câu chuyện ân tình đất đai xứ sở và những trang sử bi hùng của dân tộc.
Sông Thạch Hãn bắt nguồn từ phía Tây dãy Trường Sơn với các chi lưu như sông Rào Quán, sông Đakrông…, sông Thạch Hãn từ vùng rừng núi chập chùng của Ba Lòng chiến khu xưa, tiếp tục xuôi về giữa huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị, gặp sông Hiếu ở ngã ba Gia Độ rồi cuối cùng đổ ra Biển Đông qua Cửa Việt.
Một chuyến xuôi dòng Thạch Hãn phải khởi đầu từ vùng rừng núi Ba Lòng, nơi một thời là chiến khu, là căn cứ địa cách mạng kiên cường đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bây giờ núi rừng đã che mờ dấu vết và ít ai biết rằng, thời kỳ 9 năm từ năm 1945 đến 1954, Ba Lòng là nơi che giấu bộ đội, dân công, lương thực, vũ khí... và là nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.Nếu ở đầu nguồn, sông Thạch Hãn gắn bó với chiến khu Ba Lòng thì chặng giữa của dòng sông, khi đi ngang qua vùng đồng bằng Triệu Hải, sông Thạch Hãn cũng góp phần vào việc tạo nên thành lũy ngay trong lòng giặc. Chiến khu chợ Cạn giờ đã trở thành di tích lịch sử, ngày xưa nổi tiếng là một “Ba Lòng” giữa đồng bằng với câu ca: “Muốn tìm Việt Minh thì về chợ Cạn/Muốn lấy súng đạn thì lên Ba Lòng”.
Chảy giữa đôi bờ một bên là huyện Triệu Phong, một bên là thị xã Quảng Trị, sông Thạch Hãn còn gắn liền với nhiều di tích lịch sử cách mạng khác như Di tích lịch sử cấp quốc gia Chốt thép Long Quang, di tích lịch sử về các trận chống càn thời kháng Pháp và là nơi thành lập lực lượng vũ trang đầu tiên của huyện Triệu Phong, Quảng Trị.
Cùng với những chiến công trải dài qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc, sông nước Thạch Hãn còn là chiếc nôi sinh thành nhiều bậc danh thần khoa bảng, nhiều bậc tướng lĩnh và nhiều người tài danh trên các lĩnh vực. Thời nhà Nguyễn phải kể đến Đệ nhất Phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường-người đã bí mật phò giá Vua Hàm Nghi, phát hịch Cần Vương kháng Pháp. Tinh thần yêu nước, bất khuất ấy được truyền lại cho lớp hậu thế là những chiến sĩ cách mạng kiên cường như Đại tướng Đoàn Khuê, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hữu Dực...
Nằm bên dòng sông Thạch Hãn, thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành tự hào là nơi nuôi dưỡng một lãnh tụ cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh-Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đến với Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhìn những hiện vật được phục chế và trưng bày tại đây, chúng ta sẽ hiểu hơn chân dung một người cộng sản chân chính và mẫu mực, người đã hết lòng với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Thăm nhà lưu niệm, những hiện vật, hình ảnh còn lại ở đây đã tái hiện phần nào cuộc đời Tổng Bí thư Lê Duẩn, từ những ngày đầu tiên tham gia cách mạng, trở thành đảng viên cộng sản, sau đó được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ sau này đổi thành Trung ương Cục miền Nam. Từ Đại hội Đảng lần thứ II, đồng chí Lê Duẩn đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Đại hội Đảng lần thứ III đồng chí Lê Duẩn giữ cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Và suốt trong hai kỳ Đại hội Đảng lần thứ IV và Đại hội Đảng lần thứ V, đồng chí Lê Duẩn nắm giữ cương vị Tổng Bí thư cho đến cuối đời.
Nằm cách không xa Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia xếp hạng đặc biệt đó là Thành Cổ Quảng Trị. Trong chiến tranh, Thành Cổ Quảng Trị gắn liền với mùa hè năm 1972, trong khoảng thời gian 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã có hàng vạn chiến sĩ hy sinh, máu thắm đỏ cả một khoảng sông Thạch Hãn đoạn chảy ngang qua thị xã Quảng Trị.
Ngày nay, Thành Cổ Quảng Trị đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình như đền tưởng niệm, nhà bảo tàng, bến thả hoa, mỗi ngày đón hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Trầm mặc bên dòng Thạch Hãn, Thành Cổ Quảng Trị là pho sử của máu và hoa một thời. Có điều gì tương phản nhưng gắn kết vô cùng giữa sự trôi đi mải miết của nước và những trầm tích hóa thạch, giữa cái vô thường và bất tử.Xuôi dòng Thạch Hãn, ghé thăm đôi bờ, với nhiều người không chỉ được thăm viếng các di tích lịch sử-cách mạng mà còn có dịp ghé thăm các làng nghề truyền thống, các làng danh nhân khoa bảng và thăm thú các danh lam thắng cảnh khá nổi tiếng. Giữa lòng thị trấn Ái Tử, huyện huyện Triệu Phong hiện đang tọa lạc ngôi chùa Sắc Tứ Tịnh Quang đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa quốc gia vào năm 1991.
Chùa Tịnh Quang là ngôi tổ đình duy nhất ở tỉnh Quảng Trị thuộc hệ phái phật giáo Bắc tông và là biểu tượng tâm linh của phật giáo Quảng Trị. Sách “Du lịch các tỉnh Bắc miền Trung” cho rằng ban đầu chùa có tên là Am Tịnh Độ, đời chúa Nguyễn Phúc Khoát trong một lần chúa ngự giá ra Quảng Trị ghé thăm chùa, lòng cảm khái trước cảnh trí và tiếng tăm ngôi chùa trong lòng dân chúng bèn thân hành ngự bút viết năm chữ sắc phong “Sắc Tứ Tịnh Quang tự”, cho sơn son thếp vàng và gửi tặng chùa.
Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang bị hư hại nhiều lần trong chiến tranh, nay đã được khôi phục và trở thành điểm đến của nhiều du khách, phật tử gần xa. Chùa cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá cao bởi di tích lịch sử-văn hóa này có tầm ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và phật giáo xứ Đàng Trong.
Trở lại với nguồn Hàn, sách “Đại Nam nhất thống chí” từng viết rằng đây là dòng sông ngắn, ít phù sa, nước quanh năm xanh trong. Tuy ngắn nhưng từ xưa, dòng sông đã là thủy lộ quan trọng nối vùng cao phía Tây Quảng Trị như Hướng Hóa, Đakrông, Rào Quán…với vùng hạ lưu của các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Sau chiến tranh, việc hình thành công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn đã đưa nguồn nước dồi dào về khắp đồng bằng Triệu Hải, góp phần ổn định nguồn lương thực trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và cung cấp cho nhiều địa phương khác ở khu vực miền Trung.
Một chuyến tìm về Quảng Trị, trên dòng Thạch Hãn, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi sự đổi thay của miền quê “gió Lào cát trắng”. Tỉnh Quảng Trị được giải phóng sớm nhất trên chiến trường miền Nam vào năm 1972, bấy giờ là vùng đất đạn bom cày nát, ruộng vườn hoang hóa. Hơn nửa thế kỷ đã qua, cuộc sống ở vùng đất phía Nam tỉnh Quảng Trị đã liền da, thắm thịt, chưa nói mai này hàng loạt các dự án trên Hành lang kinh tế ĐôngTây dựa vào trục Quốc lộ 9 đã, đang và sẽ hình thành, tạo động lực cho bức tranh kinh tế của miền quê này thêm những gam màu tươi sáng.
Nếu ví mỗi dòng sông là một câu chuyện kể về vùng đất và con người mà nó đồng hành, trăn trở và cưu mang thì sông Thạch Hãn là câu chuyện sinh động về lịch sử mở cõi của người Việt ở xứ Đàng Trong, là nơi đo lường sự khốc liệt nhất của chiến tranh và cũng là nơi tiêu biểu cho nghị lực phi thường của con người ở vùng đất có câu ca dao thấm thía tấc lòng: “Còn da lông mọc, còn chồi xanh cây”.
Ở miền quê Quảng Trị, dường như mỗi dòng sông có một sức ám ảnh riêng với những ai từng một lần ghé thăm. Hiền Lương là vết thương thời đất nước chia cắt, thời cha con, vợ chồng, anh em kẻ Bắc người Nam. Sông Hiếu như người mẹ lặng thầm, nhẫn nại, từ chốn rừng xanh Ai Lao đổ về đất Việt, là dấu gạch nối lưu thông giữa miền cao với đồng bằng. Và Nguồn Hàn-Thạch Hãn, còn đó một đời sông lưu giữ rất nhiều những dấu ấn lịch sử, của bể dâu thời cuộc, từ quá khứ chảy vô tận vào tương lai...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)