Nhà ở mé sông, cứ tháng bảy âm lịch là nước nhảy lên bờ vô thăm làng. Quen với sông quê, cả khi nó hiền hòa, lẫn khi nó hung bạo hãy hiểu rằng sự sống nào cũng có cái dở hay.
Tôi giữ mãi đam mê, lúc nước vơi thả lưới, nước lớn bơi sông, nước lưng chừng chiều chiều ra ngắm. Con sông không thể tách ra được đời sống con người, cả hàm ơn và oán trách, nhưng ít ai để ý.
Tôi lên phố gần năm trời, đêm nằm nhớ sông đến chao đảo. Cứ tối đến bắc ghế ra ngoài sân, ngồi nhớ sông chán chê rồi lang thang dọc đường. Lúc trở về mạ thường hay hỏi, nhớ quê phải không con. Tôi lặng im cúi xuống rồi mở vội vòi nước rửa mặt nhưng không giấu được đôi mắt đỏ hoe. Phố và làng chỉ cách nhau hai chục cây số mà cứ nghĩ tận trời Tây, nhớ chi mà dữ dằn rứa biết.
Con đường làng chiều về tối sẩm bởi những lũy tre, hai bên cỏ mần trầu chen chúc chỉ đủ lối cho bàn chân len lỏi. Mùa nắng là thiên đường của những đứa trẻ vì có bóng râm. Mùa mưa rắn rít thường lên trên ngọn tre chờ con nước xuống. Cha tôi hay đi soi đèn, chỉ để xem những con vật nhỏ bé đó trú ngụ ở đâu chứ không bao giờ làm hại chúng. Cha nói, ai cũng có sự sống riêng của mình, nhất là khi hoạn nạn phải biết giúp nhau. Chớ bắt bớ động vật vì mục đích không cần thiết. Vào những lúc tai ương đó là điều tối kỵ, hãy tránh “nghiệp” cho mình.
Tôi còn nhỏ, chẳng biết “nghiệp” là gì. Cứ thấy cha sống hiền từ và cư xử phải lối nên làm theo. Cha đã có những ngày tháng, ở bên mạ và tôi, với những người thân trong gia đình. Mùa mưa tới, cha hay đi lấy lạt mây cột nhà chống bão.
Mạ nói, tháng bảy sắp tới khi con nước vô bờ. Làng miềng sẽ lụt lội dữ lắm đây. Năm mô cũng tao tác, chí chới gọi nhau. Có năm nước ngập vô tới nhà, ngập lên cửa sổ, người làng điêu đứng giữa đêm. Ông Hội chủ làng phải lần tìm đường, túm vào những bụi cây đến đình làng đánh vài hồi trống.
Tiếng trống thúc lên, giữa mưa bạt ngàn mưa và nước về xối xả. Nhưng phút chốc lại lặng im, mưa vơi, nước dần dà rồi rút hẳn. Mạ nói rằng, trời cao nghe tiếng trống nên bảo thủy thần rút nước đi nếu không sẽ chết dân, ông trời mang tội. Ở trên cao xanh nhưng ông thấu được nỗi nhọc nhằn của người dân.
Có lúc tôi hỏi ông Hội chủ làng, bảo ông lý giải cho việc tiếng trống làm rút nước, vơi mưa giữa mùa lũ. Ông cười rồi chỉ vào đình làng, chắc tổ tiên chúng ta đang ở trên trời, đây là nơi thờ tổ tiên. Dân làng là con, ai để con trôi trong mưa lũ. Hơn tám mươi tuổi, cứ năm nào nước lớn, ông đều thắp hương khẩn nguyện rồi đánh trống kêu trời. Tôi có lần mon men theo, nhìn mọi thứ như huyền thoại. Đêm, dưới mái đình làng, khói hương, tiếng trống và khi chúng tôi trở về nhà, nước đã rút tận ngoài khơi.
Thời nào cũng thế, dân làng tôi cơ cực đủ bề. Mùa nắng cháy khỏi nhuộm da pha tóc. Ai đi đâu đen đúa là cứ y rằng có người hỏi ở miền Trung phải không. Tôi nhớ năm 2006, khi tới Hà Nội học, rất nhiều người chỉ nhìn làn da cháy nắng và thói quen ăn cay đã biết tôi là người miền Trung. Cũng thời gian này, mùa mưa ập tới. Đêm nào cũng xem ti vi để nghe báo bão. Cứ thấy nước lên, nhà ngập lũ, người ly tán tôi chẳng thể nào ngủ được. Lòng tự hỏi lòng, có răng không. Mà khi đó có răng cũng về không kịp. Cha về trời gần chục năm, mạ ở trong mái nhà xiêu vẹo, nếu có nước lên chắc sẽ khổ tơi bời. Cũng có lúc nghĩ, nếu về mà không có mạ, chắc tôi sẽ hờn sông.
Ngược xuôi giữa dòng đời thấy lạ lùng khó tả. Có khi ở ngay trên chính mảnh đất của mình, tôi lại nhớ làng, nhớ sông, nhớ tiếng trống mỗi khi vào mưa... Có lẽ, những ngày cơ cực chồng xếp lên nhau khiến tôi không thể nào không ngăn nắp, với ký ức của mình.
Làng, cái nôi sinh ra biết bao nhiêu người. Con sông, như người mẹ nặng phù sa. Gia đình tôi là cái neo đưa tôi về làng và mạ chính là nguồn cội để tôi không thể dứt. Đôi lúc nghĩ, đi đâu cũng dùng dằng với mạ, những nhớ thương có khi đắng lòng. Kể cả khi mạ mất, phải chăng sợi nhau rốn ngày xưa mạ đã truyền cho tôi quá nhiều yêu thương, phải chăng mạ chính là làng, là sông, là bao đắng cay và hạnh phúc. Chẳng phải mơ hồ, chính những nấc thang yêu thương đó khiến tôi khẳng định. Mạ chính là quê hương, là nơi bình yên nhất của mỗi con người.
Mùa mưa này không có mạ, tôi cũng đủ già để không còn bơi sông. Nhưng khi con nước lũ lên cứ trông thấy một già một trẻ. Con mải mê với việc chinh phục con sóng dữ ngoài khơi, mạ cứ chạy theo ướt át trên bờ sợ khúc ruột của mình chìm trong mưa lũ. Có khi, tôi chẳng ngoan còn có mạ. Có khi, tôi đã ngoan rồi thì mạ đã đi xa…