Trầm cảm là chứng bệnh tâm lý thường xuất phát từ những áp lực, sự cô đơn hay cú sốc tinh thần trong cuộc sống. Tuy nhiên, bệnh trầm cảm theo mùa lại hết sức đặc biệt, nguyên nhân gây bệnh đến từ sự thay đổi lượng ánh sáng giữa các mùa và theo các chuyên gia nó làm giảm ham muốn tình dục ở tuổi trẻ.
Trầm cảm theo mùa là gì?
Trầm cảm theo mùa có tên quốc tế là seasonal affective disorder – SAD hoặc winter depression. Đây là chứng rối loạn cảm xúc theo mùa, thường xảy ra vào mùa đông và mùa thu nên thường được gọi với tên gọi khác là trầm cảm mùa đông.
Người mắc bệnh trầm cảm theo mùa sẽ có những dấu hiệu trầm cảm theo chu kỳ, tình trạng bệnh nghiêm trọng vào mùa đông, mùa thu nhưng lại hồi phục như một người bình thường vào mùa xuân và mùa hè. Nguyên nhân được xác định là do sự thay đổi ánh sáng khác biệt giữa các mùa.
Bất cứ ai cũng có thể mắc trầm cảm theo mùa. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn nam giới. Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như: Người nằm trong độ tuổi từ 15 - 55, có người thân từng mắc bệnh trầm cảm theo mùa. Người sống ở khu vực có thời gian ánh sáng chiếu ít và có sự thay đổi mức độ chiếu sáng rõ rệt, đột ngột giữa các mùa trong năm.
Các triệu chứng của trầm cảm mùa
Một số người bị trầm cảm mùa có thể có các triệu chứng trong mùa hè và cảm thấy dễ chịu hơn vào mùa đông. Vào mùa đông các triệu chứng thường rõ ràng hơn và nghiêm trọng hơn.
Trầm cảm mùa không được coi là một chứng rối loạn riêng biệt mà là một loại trầm cảm được đặc trưng bởi mô hình tái diễn theo mùa. Điểm khác biệt nhất của trầm cảm mùa so với trầm cảm chủ yếu ở chỗ bệnh nhân ít xuất hiện tư duy tiêu cực tự dằn vặt tự đổ lỗi. Vậy nên cũng hiếm khi có ý tưởng tự sát và tự hủy hoại.
Các triệu chứng của trầm cảm mùa có thể bao gồm buồn bã kéo dài. Bạn thường cảm thấy bơ phờ, buồn bã hoặc suy sụp hầu như cả ngày. Không những vậy, tình trạng này lặp lại gần như mỗi ngày. Cảm thấy thờ ơ, uể oải, kiệt sức và buồn ngủ vào ban ngày.
Giảm khả năng tập trung hoặc tập trung. Những người mắc trầm cảm mùa thường bị ảnh hưởng đến một loạt hoạt động xử lý tâm thần trên não, như khả năng tập trung, nói, ghi nhớ. Cảm giác tuyệt vọng, tội lỗi và vô giá trị.
Mất niềm vui hoặc hứng thú với các hoạt động bình thường hàng ngày. Ngủ lâu hơn bình thường và khó thức dậy vào buổi sáng. Những người mắc chứng trầm cảm mùa thường có xu hướng cần ngủ nhiều hơn trong mùa đông, đôi khi hơn rất nhiều.
Trong một nghiên cứu trên tạp chí Psychosomatic Research, các bệnh nhân bị chứng trầm cảm mùa trung bình ngủ 7,5 giờ trong mùa hè, 8,5 giờ trong mùa xuân và thu, và cần đến 10 giờ trong mùa đông.
Thèm carbohydrate và tăng cân: 65% người bị chứng rối loạn này cảm thấy đói hơn trong những tháng trời tối, lạnh lẽo. Từ đó dẫn đến việc nạp nhiều thực phẩm và tăng cân.
Cáu gắt, khó chịu: Dễ cáu gắt, khó chịu là những triệu chứng phổ biến của trầm cảm và trầm cảm mùa. So với người bình thường, người mắc chứng trầm cảm mùa dễ bị kích thích hơn nhiều so với người khỏe mạnh. Ngoài ra, họ cũng dễ nổi nóng hơn những người trầm cảm thông thường (không phải theo mùa).
Các phương pháp điều trị trầm cảm theo mùa
Trầm cảm theo mùa thường bắt đầu ở tuổi trưởng thành. Nguy cơ mắc trầm cảm mùa tăng theo độ tuổi, hiếm gặp ở những người dưới 20 tuổi. Phụ nữ bị ảnh hưởng thường xuyên hơn nam giới.
Việc cơ thể nhận được càng nhiều ánh sáng mặt trời tự nhiên càng tốt. Làm cho môi trường làm việc và gia đình của bạn sáng sủa và thoáng mát nhất có thể. Chọn chỗ ngồi gần cửa sổ khi làm việc hoặc lúc ở trong nhà. Ngay cả một cuộc đi bộ ngắn vào giờ ăn trưa cũng có thể có lợi. Tập thể dục thường xuyên ngoài trời cũng là cách để kiểm soát mức độ căng thẳng của bạn.
Bạn cần duy trì một một chế độ ăn uống lành mạnh cân bằng. Bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc, cây họ đậu, thịt nạc…
Bên cạnh đó, cần hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ uống có đường... Tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Và nếu có thể, hãy tránh những tình huống khiến bạn căng thẳng.
Phương pháp ánh sáng: Hộp đèn (trong y tế) được dùng để mô phỏng việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Phương pháp này thường áp dụng trong khoảng 30 phút đến một giờ mỗi sáng.
Các chuyên gia cho rằng ánh sáng có thể cải thiện trầm cảm mùa bằng cách khuyến khích não của bạn giảm sản xuất melatonin (một loại hormone khiến bạn buồn ngủ). Đồng thời, tăng sản xuất serotonin (một loại hormone ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn).
Trò chuyện: Chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hoặc tư vấn trò chuyện cùng bác sĩ chuyên môn. Liệu pháp hành vi nhận thức dựa trên ý tưởng rằng cách chúng ta suy nghĩ và hành xử ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận. Cụ thể, việc thay đổi cách bạn nghĩ về các tình huống và những gì bạn làm với chúng có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm thường được kê đơn để điều trị trầm cảm và đôi khi cũng được sử dụng để điều trị các trường hợp trầm cảm mùa nghiêm trọng, mặc dù bằng chứng cho thấy chúng có hiệu quả trong điều trị trầm cảm mùa còn hạn chế.
Thuốc chống trầm cảm được cho là hiệu quả nhất nếu được dùng vào đầu mùa đông trước khi các triệu chứng xuất hiện và tiếp tục cho đến mùa xuân.
(Nguồn: Phụ nữ mới)