Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai và các yếu tố lối sống khác có khả năng làm thay đổi cách mà gen của em bé hoạt động theo hướng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của trẻ khi 8 hoặc 9 tuổi.
Theo thống kê của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), gần một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ mắc một số bệnh tim mạch, bao gồm bệnh mạch vành, suy tim, đột quỵ và huyết áp cao. Can thiệp sớm có thể làm giảm nguy cơ, nhưng thật khó để xác định sớm các vấn đề tiềm ẩn ở trẻ em.
Để đáp ứng những thách thức đó, các nhà khoa học thực hiện xem xét di truyền biểu sinh (hay di truyền ngoại gen) nhằm nghiên cứu về việc môi trường và các phơi nhiễm khác thay đổi cách gen của một người hoạt động như thế nào, từ đó dự đoán tốt hơn nguy cơ mắc bệnh tim trong tương lai.
Một trong những cơ chế ngoại di truyền của cơ thể để thay đổi chức năng gen, mà không làm thay đổi trình tự gen, được gọi là methyl hóa DNA. Trong quá trình này, các bó nguyên tử cacbon và hydro (nhóm metyl) gắn vào một phần của sợi DNA. Chúng hoạt động giống như một công tắc nguồn để "bật" hoặc "tắt" biểu hiện của gen, làm cho các gen tích cực hoặc ít tích cực hơn trong việc thực hiện vai trò được chỉ định của chúng. Chế độ ăn uống của bà mẹ, tình trạng hút thuốc, căng thẳng và các yếu tố môi trường khác có thể ảnh hưởng đến quá trình methyl hóa DNA của trẻ ngay cả trước khi sinh.
Trong nghiên cứu mới được công bố hôm 19/7 trên Tạp chí Hypertension của AHA, các nhà nghiên cứu từ Đại học Southampton (Anh) đã phân tích 470 mẫu máu cuống rốn của những người tham gia trong Khảo sát phụ nữ Southampton - nơi thu thập thông tin sức khỏe từ phụ nữ trước, trong và sau khi mang thai.
Họ so sánh các kiểu methyl hóa DNA trong các mẫu với các phép đo sức khỏe tim mạch của trẻ em ở độ tuổi 8 hoặc 9. Các nhà điều tra đã xác định 16 vị trí nơi methyl hóa làm thay đổi sự biểu hiện của các gen liên quan đến vận tốc sóng mạch. Đó là thước đo đánh giá độ cứng động mạch, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu xem xét các mối liên hệ có thể có giữa các yếu tố của người mẹ và các kiểu methyl hóa tại 16 vị trí. Hút thuốc khi mang thai, chế độ ăn uống khi mang thai và cân nặng trước và trong khi mang thai đã sửa đổi những kiểu methyl hóa đó. Cụ thể, việc tiêu thụ ít cá béo (hay cá dầu) như cá hồi và cá thu trong thời kỳ mang thai làm tăng vận tốc sóng mạch ở thời thơ ấu.
Theo Tiến sĩ Mark Hanson, Giáo sư Khoa học Tim mạch của Quỹ Tim mạch Anh và Giám đốc Viện Khoa học Phát triển tại Đại học Southampton, các phát hiện cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch bắt đầu từ rất sớm, thậm chí trước khi chúng ta được sinh ra. Do quá trình di truyền biểu sinh dường như đóng một vai trò nào đó, nên có cơ hội để thay đổi điều này theo nhiều cách khác nhau. Nếu chúng ta muốn con mình có cuộc sống lâu nhất, khỏe mạnh nhất có thể, thì chúng ta cần giúp chúng phát triển một cách lành mạnh ngay từ khi được thụ thai.
Các nhà nghiên cứu cho biết vì nghiên cứu chỉ bao gồm trẻ em da trắng, nên cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận liệu phát hiện trên có áp dụng cho trẻ em thuộc các chủng tộc và sắc tộc khác hay không. Tuy nhiên, tiến sĩ Hanson nhận định, "không có lý do gì để nghĩ rằng những kết quả này sẽ không áp dụng được cho các nhóm khác”.
Tiến sĩ Jennifer Van Eyk, giám đốc Viện Hệ thống sinh học lâm sàng tiên tiến tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, Los Angeles, và là người không liên quan đến nghiên cứu, khẳng định còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn giữa những thay đổi biểu sinh này và sức khỏe tim của trẻ em trong thế giới thực. Nghiên cứu gợi ý về những thay đổi tế bào trên diện rộng có thể có tác động lâu dài, nhưng vẫn còn nhiều bước giữa việc xác định các kiểu methyl hóa DNA và biết chúng thực sự ảnh hưởng như thế nào đến các nguy cơ sức khỏe. Những thay đổi biểu sinh có thể có cả tác động tích cực và tiêu cực hoặc có hậu quả hẹp hoặc rộng, và các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu hiểu ý nghĩa của chúng. Đây chỉ mới là bước khởi đầu, là một phần nhỏ của vấn đề, nhưng nó là một khám phá thú vị.
(Nguồn: VOV.VN)