Dịch tay chân miệng tại Hà Nội đã vượt mốc 1.000 ca, khuyến cáo phụ huynh giữ vệ sinh cho con

Thanh Mai |

Tại Hà Nội, số ca tay chân miệng ghi nhận từ đầu năm đến nay đã vượt mốc 1.000 ca.

Theo số liệu của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong tuần 26 khu vực miền Bắc ghi nhận 174 trường hợp mắc tay chân miệng, không có ca tử vong. 

Như vậy từ đầu năm 2022 đến nay, miền Bắc đã ghi nhận 4.888 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, tăng 252% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tại Hà Nội, tính đến 7/7, số ca tay chân miệng cộng dồn là 1.028 ca, trong đó chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Trong năm 2022, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận bệnh nhân tay chân miệng. Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh hiện là 3 địa bàn đứng đầu về dịch bệnh này.

 


Riêng trong tuần 27 (1 - 7/7), đã có 60 ca tay chân miệng được ghi nhận mới. Trong đó, 3 khu vực ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất là Ba Vì (12 ca), Mê Linh (5 ca), Cầu Giấy (5 ca).

Theo nhận định của ngành y tế Hà Nội, dự báo số ca mắc tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang vào cao điểm mùa dịch.

Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, mỗi ngày tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhi tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Đáng chú ý, giai đoạn cao điểm, có những ngày Khoa phải tiếp nhận đến 7 - 8 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Có trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 4. Đây là mức độ rất nghiêm trọng đe dọa tính mạng.

Chuyên gia cho rằng, việc sinh hoạt tập thể tại lớp học, nhà trẻ có thể là nguyên nhân gây ra bệnh ở trẻ. Sự tăng cường tiếp xúc sau Covid-19 tạo điều kiện cho tay chân miệng lây lan mạnh.

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội nhận định: "Ca bệnh tay chân miệng tại Thủ đô mặc dù có tăng nhưng rải rác ở nhiều nơi, không tập trung thành ổ dịch lớn nên nguy cơ tương đối thấp".

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh thành về việc tăng cường công tác phòng chống dịch tay chân miệng.

Bộ Y tế dự báo dịch tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây. Để hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh.

Thực hành vệ sinh tốt là cách bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh tay chân miệng. Rửa tay thường xuyên có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm virus gây bệnh này.

Dạy trẻ cách rửa tay bằng nước nóng và xà phòng. Phải luôn rửa tay sạch sau khi sử dụng nhà vệ sinh, trước khi ăn, và sau khi ra nơi công cộng. Cũng cần dạy trẻ không cho tay hoặc các đồ vật khác vào miệng hoặc gần miệng.

Thường xuyên khử trùng những khu vực chung trong nhà. Có thói quen vệ sinh các bề mặt chung trước tiên bằng xà phòng và nước, sau đó dùng dung dịch thuốc tẩy pha loãng và nước.

Ngoài ra, phụ huynh nên khử trùng đồ chơi, núm vú giả và các đồ vật khác có thể bị nhiễm virus.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

Những căn bệnh hậu Covid-19

Thanh Mai |

Nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe lâu dài này tăng lên theo mức độ nghiêm trọng khi mắc Covid-19.

Nhiều bệnh nhân bị hoại tử xương vùng hàm mặt nghi do hậu COVID-19

Đinh Hằng |

Chỉ trong vòng 2 tháng, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 11 trường hợp người bệnh bị viêm xương, hoại tử xương vùng sọ, hàm, mặt không rõ nguyên nhân. Đáng chú ý, hiện tượng này xuất hiện ở các bệnh nhân có tiền căn mắc COVID-19. Thông tin được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ ngày 11/7.

Dùng thủ thuật “Đổ xi măng” sinh học để điều trị bệnh nhân thoái hóa đốt sống đĩa đệm

Lê Trường |

Ngày 12/7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa thực hiện phẫu thuật thành công giúp một bệnh nhân thoái hóa đốt sống đĩa đệm bị tai nạn có thể đi lại được sau khi thực hiện bằng phương pháp “Đổ xi măng” sinh học.

Bất ngờ cách dạy con của vợ chồng Beckham

Thanh Mai |

Vợ chồng Beckham cũng ủng hộ việc bố mẹ phải nhận lỗi khi làm sai hay nhiều việc khác nhằm nêu gương cho con.