Nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe lâu dài này tăng lên theo mức độ nghiêm trọng khi mắc Covid-19.
Không chỉ giai đoạn nhiễm bệnh mà hậu Covid-19 cũng có những biến chứng khó lường. Nhiều chuyên gia tiếp tục lo ngại về hội chứng Covid-19 kéo dài.
Các vấn đề về thần kinh
Theo Hindustan Times, nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ, sức khỏe tâm thần, khởi phát bệnh tiểu đường, bệnh tim, thận, cục máu đông,... sau khi khỏi Covid-19. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy có tới 60-80% bệnh nhân gặp phải các vấn đề giảm trí nhớ và suy nghĩ chậm chạp sau mắc COVID. Thực tế, những bất thường do sương mù não có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, kỹ năng thị giác và không gian, chức năng điều hành và khả năng xử lý.
Bác sĩ Charu Dutt Arora, chuyên gia tư vấn về bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện châu Á ở Faridabad (Ấn Độ), cho biết các nghiên cứu cho thấy biến chứng hậu Covid-19 ảnh hưởng hệ thống mạch máu, hệ thống tim - hô hấp và thần kinh thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Suy hô hấp cấp tính, đột quỵ
Tiến sĩ Bipin Jibhkate, chuyên gia tư vấn y học chăm sóc quan trọng và Giám đốc ICU, Bệnh viện Wockhardt Hospitals, cho biết SARS-CoV-2 có thể gây hại cho hầu hết cơ quan từ phổi, não, gan, thậm chí cả tim. Có nhiều người gặp tình trạng suy hô hấp cấp tính khi phổi không thể bơm đủ oxy vào máu hoặc có thể không loại bỏ hết carbon dioxide ra ngoài.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết một số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 bị tăng mức độ men gan. Cụ thể là gan của người bệnh ít nhất đã bị tổn thương tạm thời, đây cũng là tình trạng phổ biến hậu Covid-19 và có thể gây tử vong.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy tình trạng đau tim và đột quỵ gia tăng ở nhiều bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19. Người bệnh phải liên hệ nguyên nhân với tiền sử mắc Covid-19 trước đó và thực hiện các bài kiểm tra sức khỏe bắt buộc.
Bên cạnh đó còn xuất hiện những vấn đề sức khỏe như bệnh mucormycosis (nấm đen) và hội chứng Guillain-Barré (GBS) cũng có thể gây chết người.
Nguy cơ đông máu
Một trong bệnh khác hậu Covid-19 đó là nguy cơ đông máu, xuất huyết nguy hiểm sau nhiều tháng khỏi bệnh.
Cục máu đông là một tình trạng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, có thể gây tổn thương não, tim và phổi. Covid-19 có thể gây ra tình trạng viêm nặng nề, điều này kích hoạt hệ thống đông máu. Khi nhiễm trùng do bạn gặp một sự cố nào đó bị lan rộng và gây viêm như Covid-19, khuynh hướng đông máu này có thể trở nên nguy hiểm.
Tình trạng viêm và bất động tạo nên một môi trường gần như hoàn hảo cho các cục máu đông ở chân và phổi. Những bệnh nhân bị Covid-19 nặng rất dễ mắc phải, cũng giống như những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ về sức khỏe khác như ung thư, béo phì và tiền sử có cục máu đông.
Các chuyên gia khuyến cáo sau khi khỏi Covid-19, người bệnh nên theo dõi những dấu hiệu của cục máu đông và đột quỵ, đau tim có thể xảy ra như mặt bị xệ; yếu một tay hoặc chân; nói khó; sưng, dễ đau khi chạm vào, đau hoặc đổi màu ở tay hoặc chân; khó thở; đột ngột đau ngực hoặc đau lan đến cổ, cánh tay, hàm hoặc lưng. Nếu có bất kỳ triệu chứng đáng lo nào ở trên, người bệnh cần ngay lập tức gọi cấp cứu.
Những người có hệ thống đông máu không hoạt động quá đặc biệt sẽ nhận được các phương pháp điều trị để ngăn ngừa cục máu đông như vớ nén áp lực, túi đệm hơi cho bắp chân hoặc tiêm lượng nhỏ thuốc chống đông. Những người có hệ thống đông máu hoạt động mạnh hơn sẽ nhận đủ liều thuốc chống đông nếu họ không có nguy cơ chảy máu cao.
Đối với trẻ em, có một tỷ lệ nhỏ gây ra hội chứng viêm đa hệ thống trong hoặc ngay sau khi nhiễm Covid-19 (tức là nhiều bộ phận trong cơ thể đều bị viêm: viêm tim, viêm phổi, viêm thận, viêm não, viêm mắt, viêm đường ruột…)
Xơ phổi mô kẽ
Xơ phổi mô kẽ hậu Covid-19 cũng được xem là biến chứng nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân. Xơ phổi mô kẽ thường xảy ra nhiều ở những bệnh nhân thở máy, viêm phổi nặng, hút thuốc lá, nghiện rượu và khi thở oxy áp lực cao.
Ngoài ra xơ phổi vẫn có thể xảy ra ở những bệnh nhân nhẹ, điều trị ngoại trú, trẻ tuổi. Biểu hiện lâm sàng là những bệnh nhân này mệt mỏi, khó thở thường xuyên, tăng khi gắng sức, trên phim CT Scan ngực tổn thương xơ tiến triển ở mô kẽ kết hợp tổn thương đông đặc không hoàn toàn 2 phổi (dạng kính mờ), đo chức năng hô hấp bệnh nhân có rối loạn thông khí hạn chế, đo khí máu động mạch có giảm oxy rõ, có biểu hiện suy hô hấp.
Việc phòng ngừa và điều trị biến chứng này cần có kinh nghiệm của bác sĩ điều trị như cố gắng hạn chế thở máy, cố gắng thở áp lực thấp có thể, điều trị kháng viêm sớm. Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng hô hấp là phương pháp quan trọng nhất để điều trị di chứng này.
Nghi hoại tử xương
Vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM tổ chức cuộc họp báo về 11 trường hợp được phát hiện bị cốt tủy viêm xương vùng đầu mặt, gây hoại tử nặng (chết xương).
Theo đó, từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022 bệnh viện đã tiếp nhận 11 trường hợp có biến chứng viêm các xoang, áp xe xương thái dương, áp xe ngoài màng cứng vùng trán do nấm hoặc vi trùng. Trong số 11 trường hợp được phát hiện có 2 ca bệnh đã tử vong.
Bác sĩ ghi nhận, tất cả các bệnh nhân đều có tiền sử mắc Covid-19 giai đoạn bùng phát của biến chủng Delta vào nửa cuối của năm 2021. Những cơn đau thường xuất hiện ở đầu, mặt, răng tiến triển âm ỉ kéo dài.
Một số bệnh nhân vùng mắt sưng to do viêm xương sọ, viêm xương sọ vùng trán, hoại tử xương hàm, răng, xương khẩu cái, răng lung lay, hoại tử nặng hốc mũi lan lên nền sọ khiến hơi thở bệnh nhân bốc mùi hôi thối. Chụp CT-Scan, MRI ghi nhận tổn thương lan rộng xoang - sọ - hàm - mặt.
BS Trần Anh Bích, Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, căn cứ trên những biểu hiện chung qua thăm khám cho thấy chùm ca bệnh bị cốt tủy viêm xương (osteomyelitis) sọ mặt. Đây là một tình trạng bệnh lý nặng, hiếm gặp, thường có nguồn gốc từ những ổ viêm nhiễm mạn tính như viêm tai xương chũm, sâu răng, viêm xoang. Đặc biệt, xảy ra trên những bệnh nhân có cơ địa đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.
Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt trường hợp bệnh hiếm được phát hiện tại bệnh viện với nguy cơ tử vong rất cao là sự bất thường.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp liên chuyên khoa thực hiện phẫu thuật, loại bỏ xương hoại tử, điều trị thuốc kháng sinh, kháng nấm… Sau phẫu thuật cả 3 bệnh nhân đã qua được nguy kịch, sức khỏe dần bình phục. Các bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng bệnh, đánh giá nguy cơ và đưa ra giải pháp tái tạo xương đã phải cắt bỏ để cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Theo PGS Trần Minh Trường hiện chưa dám khẳng định 100% bệnh lý trên là do Covid-19 Tuy nhiên, hơn 1 năm qua trên thế giới đã có khoảng 80 báo cáo liên quan tại Ấn Độ, Trung Quốc, các nước châu Á, một số ca châu Âu… ghi nhận những trường hợp tương tự bệnh nhân đã gặp tại Chợ Rẫy.
(Nguồn: Phụ nữ mới)