Có 7 loại độc tố Botulinum chính là A, B, C, D, E ,F, G. Trong đó, A và B có khả năng gây bệnh cho người, chiếm 98.7% các trường hợp.
Vừa qua, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 6 ca ngộ độc botulinum do ăn bánh mỳ, chả lụa, mắm ủ lâu ngày.
Đến nay, đã có 1 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định tử vong, 2 nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang trong tình trạng nặng. Ba trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 do đã được sử dụng thuốc giải BAT nên tình hình sức khỏe đang cải thiện dần.
Vi khuẩn clostridium botulinum (C.botulinum) là một vi khuẩn hình que, Gram dương, sống kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, gây bệnh bằng ngoại độc tố. Trong tự nhiên các bào tử của vi khuẩn clostridium botulinum khá phổ biến, đạc điểm của chúng là có khả năng sống sót cao ở trong đất và bụi, được tìm thấy trong đất vườn, nghĩa trang, bùn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, đường tiêu hóa của động vật, gia cầm, cá...
Clostridium botulinum ở điều kiện thích hợp sẽ tạo thành độc tố và sinh 7 tuýp độc tố A, B, C, D, E, F, G. Trong đó tuýp thường gây ngộ độc là A và B, sau đó đến E.
Độc tố của Clostridium botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của tất cả các vi khuẩn khác. Nó chịu được men tiêu hóa và môi trường axit nhẹ của dạ dày, mất tác dụng bởi kiềm và nhiệt độ cao 120 độ C/5 phút hoặc 80 độ C/10 phút hoặc đun sôi trong vài phút.Độc tố Botulinum trở thành mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng khi thực phẩm đóng hộp trở thành ngành công nghiệp phát triển và lan rộng. Các thực phẩm đóng hộp công nghiệp thường sử dụng nitric để ức chế độc tố botulinum. Các thực phẩm đóng hộp được chế biến thô sơ rất dễ nhiễm khuẩn botulinum.
Triệu chứng khi nhiễm botulinum
Các triệu chứng ngộ độc Botulinum thường xuất hiện trong khoảng 12-36 giờ (thức ăn có sẵn độc tố), khoảng 3-10 ngày sau (thức ăn có nha bào vi khuẩn C. botulinum). Độc tố Botulinum phân cắt các protein cần thiết để kích hoạt thần kinh khiến các tế bào không giải phóng được các túi chứa chất dẫn truyền thần kinh làm ngừng tín hiệu thần kinh dẫn đến tê liệt. Thời gian ủ bệnh càng ngắn độc tố càng nhiều và nguy cơ tử vong càng cao.
Ban đầu người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Khi độc tố xâm nhập sâu hơn sẽ bị mờ mắt sụp mí mắt, liệt mềm 2 bên mặt, gây khó nuốt hoặc khó nói.Người nhiễm độc tố Botulinum hoàn toàn tỉnh táo và không có triệu chứng sốt. Sau đó, chất độc có thể lan rộng, làm tê liệt các cơ, đặc biệt là tê liệt cơ ngực gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Bệnh hồi phục tương đối chậm, thường để lại di chứng tương đối dài. Nếu không được điều trị sẽ chết sau 3-4 ngày. Ngày nay với các phương pháp điều trị tích cực, nhanh chóng, tỷ lệ tử vong còn khoảng 10%.
Cách phòng tránh ngộ độc Botulinum
Để phòng ngừa ngộ độc Botulinum, các chuyên gia khuyến nghị không ăn thực phẩm đóng hộp nếu hộp đựng của nó bị phồng lên hoặc nếu thực phẩm có mùi hư hỏng. Vi khuẩn C. botilinum có thể chịu được nhiệt độ cao trong thời gian dài nhưng độc tố sẽ bị phá hủy nhanh chóng bởi nhiệt. Đảm bảo rửa sạch và chế biến thực phẩm đúng cách để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Clostridium botulinum.
Hạn chế ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, màu sắc, mùi vị bất thường, thực phẩm đóng hộp không an toàn. Đảm bảo nhiệt độ phù hợp khi chế biến và bảo quản thực phẩm và hạn chế bảo quản thực phẩm trong môi trường oxy hạn chế do hất độc botulinum phát triển trong môi trường thiếu oxy.
Rửa tay kỹ càng trước khi chuẩn bị thực phẩm và sau khi tiếp xúc với chất thải hoặc bất kỳ nguồn nhiễm khuẩn nào.
Nếu có nghi ngờ về thực phẩm, nên kiểm tra trước khi sử dụng. Nếu thấy bất thường về màu sắc, mùi hương hoặc vị, hãy từ chối sử dụng và báo cáo cho cơ quan y tế địa phương. Người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.
Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...), cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
Thực hiện ăn chín, uống sôi và nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.
Khi người dân xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
(Nguồn: Phụ nữ mới)