Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 10/11, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) hỏi về việc những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đeo khẩu trang, không tiếp xúc, nhưng vô tình đi cùng thang máy với F0, và có đủ khả năng tự cách ly tại căn hộ... thì có bắt buộc phải đưa họ đi cách ly tập trung hay không?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, căn cứ vào Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc xét nghiệm, cách ly những trường hợp trở về từ vùng dịch. Cụ thể, đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, người đã khỏi bệnh COVID-19, chỉ cần theo dõi y tế tại nhà 7 ngày kể từ ngày về địa phương và xét nghiệm vào ngày thứ nhất.
Những người tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 thì thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.
Những người chưa được tiêm vaccine COVID-19 thì thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương, và trong khuyến cáo của Bộ Y tế là tùy mức độ, tùy địa phương, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đối với khu vực có mật độ dân cư cao như chung cư… nếu chưa tiêm phòng vaccine thì phải cố gắng đảm bảo cách ly linh hoạt và an toàn nhất.
Đối với trường hợp như đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị áp dụng cụ thể: Đối với những khu chung cư đông người mà tỉ lệ tiêm chủng chưa cao, bắt buộc phải áp dụng cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Bộ Y tế cũng đã trao đổi với TP. Hà Nội, trong những trường hợp như vậy thì không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày và trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rất rõ trường hợp như vậy chỉ cách ly tại nhà 7 ngày.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương áp dụng để tạo sự thống nhất trong vấn đề thực hiện Nghị quyết 128. Hiện nay, chúng ta đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả, thì phải quản lý những rủi ro và làm tốt trên bình diện chung của tất cả các địa phương để tạo sự thống nhất, đồng bộ.
Làm sao để thực hiện Nghị quyết 128 đồng bộ trên cả nước?
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (Vũng Tàu), Nghị quyết 128 được nhân dân đánh giá rất cao, với trách nhiệm là cơ quan thường trực phòng, chống dịch, đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp để triển khai thực hiện Nghị quyết này một cách đồng bộ trên phạm vi toàn quốc?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ. Các quốc gia đều phải căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai các biện pháp, chiến lược chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần. Cho đến nay, các quốc gia đều đã chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19.
Trong thời gian qua, trên cơ sở thực tiễn đất nước và tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, triển khai chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Nghị quyết này có một số điểm rất đáng lưu ý, đó là đánh giá cấp độ dịch dựa trên tình hình dịch, tiến độ tiêm chủng và năng lực y tế của từng địa phương. Căn cứ vào Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch trong địa bàn quản lý (từ cấp xã, huyện, tỉnh), từ đó đưa ra các biện pháp áp dụng phù hợp tình hình thực tiễn. Các biện pháp triển khai phụ thuộc vào từng cấp độ dịch trên địa bàn, như vấn đề tổ chức, sinh hoạt ngoài trời, các hoạt động về giao thông, lưu thông hàng hóa, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác. Trong Nghị quyết này đã quy định rất rõ. Vì vậy, các địa phương phải thực hiện theo quy định, tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Đến nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128 trên phạm vi cả nước.
Một vấn đề khác, để thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả thì việc chuẩn bị các cơ sở vật chất, đặc biệt là y tế rất quan trọng. Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã hướng dẫn đầy đủ, các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, đặc biệt chuẩn bị hệ thống y tế, trong đó có hạ tầng, y tế cơ sở, thành lập các trung tâm hồi sức tích cực…
Các địa phương cũng phải chủ động và liên tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Hiện nay, có một số địa bàn có tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác đối với dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, căn cứ vào diễn biến dịch, quy mô dân số, giao thông, khu công nghiệp… tại từng địa phương mà có tình trạng triển khai các biện pháp khác nhau trên từng địa bàn. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, việc triển khai các biện pháp trên cả nước cơ bản là đồng bộ.
Đối với các địa phương đánh giá nguy cơ dịch cấp độ 1, 2 thì các hoạt động triển khai bình thường, cấp độ 3, 4 thì triển khai theo hướng dẫn của Nghị quyết 128 và Quyết định 4800.
(Nguồn: Chính phủ)