Những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại một số đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết thay đổi thất thường đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân, nhất là nhóm người cao tuổi, những người có bệnh nền về hô hấp và tim mạch.
Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Triệu Hải thời điểm này mỗi ngày tiếp nhận điều trị khoảng 10 -15 bệnh nhân, trong đó hầu hết là người cao tuổi và chiếm gần 2/3 số bệnh nhân tại khoa là những người tái phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD. Có những trường hợp nặng, nguy kịch phải sử dụng máy thở.
Đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK khu vực Triệu Hải, ông Trần Thành ở An Đôn, thị xã Quảng Trị, cho biết: “Tôi mắc chứng bệnh tắc nghẽn phổi cách đây 4 năm, nay đã thành mãn tính. Bệnh càng ngày càng nặng và thường phát nặng bất ngờ về đêm, nhất là trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa. Cách đây 1 tuần, giữa đêm bệnh tôi tái phát nặng, tưởng không qua khỏi. Nhờ đến viện kịp thời và cấp cứu tích cực nên tôi mới được cứu sống”.
Không chỉ tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, các Khoa Khám bệnh, Nội của BVĐK khu vực Triệu Hải đều ghi nhận có sự gia tăng bệnh nhân là người cao tuổi phải nhập viện điều trị. Trước đó, bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 lượt bệnh nhân thì tại thời điểm này có ngày lên đến trên 300 lượt, riêng tổng số bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú trên 300 người.
Theo các bác sĩ trực tiếp làm công tác điều trị, sự thay đổi thất thường của thời tiết những ngày qua là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc và tăng nặng triệu chứng các bệnh thường gặp lúc giao mùa, trong đó các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD chiếm tỉ lệ nhiều nhất.
Trước tình hình gia tăng lượng bệnh nhân cũng như sự thay đổi mô hình bệnh tật trong thời điểm này, BVĐK khu vực Triệu Hải đã có các giải pháp ứng phó như tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc men nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh.
Bệnh viện cũng đã tăng số giường điều trị nội trú tại các khoa, phòng có số lượng bệnh nhân tăng và các kíp trực của bệnh viện luôn sẵn sàng 24/24 giờ về thuốc men cũng như các trang thiết bị để sẵn sàng cấp cứu cho người bệnh.
Ngoài việc đảm bảo chất lượng công tác khám chữa bệnh nội viện, đơn vị đã chủ trương tăng cường tư vấn, tuyên truyền cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân biết cách chủ động bảo vệ sức khỏe, có kiến thức xử trí ban đầu các vấn đề bất thường về sức khỏe trước khi đến các cơ sở y tế, đồng thời tuyên truyền bệnh nhân điều trị ngoại trú thực hiện nghiêm phác đồ điều trị của thầy thuốc tại gia đình.
Theo bác sĩ CKI. Đặng Văn Nhật, Trưởng Khoa Gây mê - Hồi sức, BVĐK khu vực Triệu Hải, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là một trong số các bệnh hay gặp vào thời tiết giao mùa. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc đường hô hấp mạn tính gây giảm chức năng thông khí phổi, gây ra tình trạng suy hô hấp ở người bệnh. COPD bao gồm 2 dạng là viêm phế quản mạn tính và khí phế thủng.
Thống kê gần đây cho thấy, ở Việt Nam, có khoảng hơn 4% người trong độ tuổi từ 40 trở lên mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, con số này khác nhau ở các vùng dân cư. Trên thế giới, hàng năm có khoảng trên 3 triệu ca tử vong do COPD.
Đây là bệnh gây ra tỉ lệ tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Có thể nói, bệnh COPD là căn bệnh nguy hiểm, diễn tiến nhanh và nặng, gây ra nhiều biến chứng như tràn khí màng phổi, suy tim, giảm tuổi thọ, tàn phế..., là gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu không chữa trị kịp thời.
Vào thời điểm thời tiết giao mùa hoặc thay đổi môi trường đột ngột, người bệnh COPD dễ lây nhiễm các bệnh viêm đường hô hấp do vi rút hay vi khuẩn, là yếu tố thuận lợi để khởi phát thành đợt cấp nguy hiểm, bao gồm: triệu chứng hô hấp thay đổi so với trước (ho tăng, khó thở tăng,) có thể có sốt, triệu chứng tim mạch cũng thay đổi (nặng ngực, nhịp nhanh, tâm phế mãn...), nặng hơn là suy hô hấp cấp: thở nhanh, tím, nói ngắt quãng, co kéo cơ hô hấp phụ. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp nặng và có thể tử vong. Ngoài ra, chất lượng môi trường sống hay thói quen hằng ngày của người bệnh cũng dễ làm cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng lên.
“Để phòng tránh bệnh này, nhất là phòng tránh đợt cấp, người bệnh không nên hút thuốc lá, thuốc lào (nguyên nhân chính của COPD chủ yếu là do hút thuốc nhiều); đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt khi tiếp xúc với khói bụi, đeo bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường ô nhiễm.
Người bệnh tránh bị nhiễm lạnh đột ngột, vệ sinh mũi họng thường xuyên, điều trị tốt các nhiễm trùng đường hô hấp trên. Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh đồng mắc như đái tháo đường, tăng huyết áp, hen suyễn.
Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, tập thở giãn nở phổi. Thực hiện khám sức khỏe định kỳ, nếu phát hiện có dấu hiệu bệnh nặng lên thì cần đến ngay cơ sở y tế. Tuân thủ phác đồ điều trị tại nhà theo tiêu chuẩn GOLD”, bác sĩ CKI. Đặng Văn Nhật khuyến cáo.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)