Làm thế nào để sống sót trong đám đông chạy loạn?

PV |

Bác sĩ Quản Hồng Đức đã phân tích nguyên nhân thảm họa chết người từ những đám đông và cách tự bảo vệ mình an toàn nếu không may lâm vào tình trạng tương tự.

Trong thời gian qua, trên thế giới đã xảy ra nhiều thảm họa chết người hàng loạt do giẫm đạp lên nhau ở nơi công cộng.

Tối 1/10, sau trận đấu bóng đá tại một sân vận động ở thành phố Malang, Indonesia, hàng nghìn cổ động viên của hai đội bóng đã lao vào ẩu đả nhau. Khi cảnh sát dùng đạn hơi cay để ngăn chặn cuộc bạo loạn, tất cả đã giẫm đạp lên nhau để chạy trốn. Hậu quả là 133 người thiệt mạng, trong đó có hơn 40 trẻ em.

Thi thể các nạn nhân trong vụ giẫm đạp ở Itaewon, Seoul được đưa ra khỏi hiện trường. Ảnh: Reuters
Thi thể các nạn nhân trong vụ giẫm đạp ở Itaewon, Seoul được đưa ra khỏi hiện trường. Ảnh: Reuters

Vụ việc gần đây nhất xảy ra trong một con hẻm nhỏ và dốc tại quận Itaewon (Seoul). Hàng trăm người trẻ đi chơi dịp lễ Halloween đã liên tục chen lấn, xô đẩy nhau, khiến người trước ngã đè lên người sau, để rồi 149 sinh mạng đã phải ra đi chỉ trong một đêm. Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon, người đang có chuyến thăm châu Âu, đã ngay lập tức bay về nước sau khi vụ tai nạn xảy ra.

Rõ ràng khi dân số ngày càng tăng và kinh tế phát triển khiến không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp, con người đang phải đối mặt với một loại thảm họa mới xuất hiện thường xuyên hơn, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn: Thảm họa chết người từ những đám đông.

Bác sĩ Quản Hồng Đức đến từ Công ty TNHH Dòng kẻ đã phân tích nguyên nhân thảm họa chết người từ những đám đông và cách tự bảo vệ mình an toàn nếu không may lâm vào tình trạng tương tự.

Vậy điều gì thực sự đã diễn ra trong những đám đông hỗn loạn đó và nguyên nhân nào đã trực tiếp gây ra những cái chết cho những nạn nhân?

Có 3 nguyên nhân dẫn đến những cái chết trong đám đông hỗn loạn và giẫm đạp lên nhau. Đó là:

1. Sự ngạt thở (đây là nguyên nhân hàng đầu)

2. Sự chèn ép quá mức (khi đám đông xô đẩy nhau)

3. Sự giẫm đạp (khi nạn nhân bị ngã và bị người khác giẫm đạp lên người)

Qua phân tích những thảm họa xảy ra gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết nạn nhân tử vong là do các nguyên nhân kể trên. Có rất ít số liệu và báo cáo cho thấy có nạn nhân tử vong vì những sự cố thực sự gây ra thảm họa như cháy, nổ…, vì thực tế nguyên nhân này sẽ được các nhà chức trách xử lý kịp thời trước khi có hậu quả. Nếu có thì thường con số thương vong không lớn.

Chúng tôi muốn các bạn lưu ý nguyên tắc đầu tiên để có thể tự cứu mình trong những hoàn cảnh tương tự: Đó là kiểm soát sự sợ hãi (vì nghĩ mình sẽ chết bởi sự cố trong sự kiện). Bạn nên nhớ rằng, nhà chức trách luôn chuẩn bị sẵn các phương án và phương tiện để đối phó với sự cố không mong muốn xảy ra trong một sự kiện. Đó là yêu cầu bắt buộc trong công tác chuẩn bị tổ chức một sự kiện có đông người tham gia.

Bạn nên nhớ rằng: Người ta thường chết vì hậu quả của sự sợ hãi, chứ ít người chết vì nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi.

Để tăng khả năng kiểm soát sự sợ hãi trong một đám đông hỗn loạn tại một sự kiện, bạn cần chuẩn bị những điều sau đây khi quyết định tham gia sự kiện:

- Quyết định loại sự kiện bạn sẽ tham gia (bạn nên lưu ý đến những phân tích về số người chết liên quan đến sự kiện trong phần đầu bài viết).

- Xem xét yếu tố sức khỏe của bản thân. Ví dụ nếu bạn bị hen suyễn, bệnh tim mạch, hoặc đang có vấn đề về cơ, xương, khớp hay có vết thương đang được điều trị, thì tốt nhất là không nên tham gia sự kiện.

- Xem xét về địa điểm tổ chức sự kiện: trong nhà hay ngoài trời. Nếu sự kiện tổ chức trong nhà thì bạn nên quan tâm đến việc thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Nếu sự kiện tổ chức ngoài trời, nên quan tâm đến không gian cũng như định vị các vị trí (tòa nhà, công viên…) nơi bạn có thể thoát hiểm khỏi khu vực diễn ra sự kiện trong trường hợp khẩn cấp. Điều này giúp bạn dễ dàng nhận ra hướng thoát hiểm khi đang ở trong đám đông.

- Không nên mang những vật sắc nhọn trong người khi tham gia sự kiện. Những vật dụng sắc nhọn có thể làm bạn bị thương khi bị đám đông chen lấn, xô đẩy.

- Bạn nên mang theo điện thoại di động và cố gắng duy trì liên lạc với người thân, bạn bè qua điện thoại nếu đang bị kẹt trong đám đông. Cũng nên nhớ sạc pin điện thoại trước khi đi đến sự kiện.

- Không nên mang theo trẻ em khi tham dự những sự kiện có đông người tham gia.

Còn khi đang kẹt cứng trong một đám đông, và đám đông trở nên ngày một hỗn loạn hơn, khó kiểm soát hơn, bạn sẽ phải làm gì?

Bạn nên nhớ, nguyên nhân chủ yếu gây ra cái chết cho những nạn nhân là sự ngạt thở. Vì vậy, hãy bình tĩnh và kiểm soát sự sợ hãi. Hãy ngẩng đầu cao hơn để lấy thêm không khí.

Bạn cũng cần biết rằng, khi 6 hoặc 7 người cùng đẩy về một phía thì lực đẩy có thể lên đến gần 500 kg. Lực này đủ để bẻ cong một thanh sắt hoặc làm đổ một bức tường. Những nạn nhân tử vong thường được tìm thấy ở tư thế đứng. Thậm chí khi đám đông được giải tán, họ chết khi vẫn đang đứng như vậy. Những nạn nhân này thường chết vì bị gẫy xương sườn hoặc vỡ nội tạng bên trong cơ thể do bị chèn ép. Xương sườn gãy và vỡ nội tạng do lực ép trực tiếp lên cơ thể từ phía trước và phía sau. Vì vậy khi di chuyển trong đám đông, tư thế tốt nhất là di chuyển ngang để lực ép của đám đông lên cạnh bên cơ thể bạn.

Để tăng khả năng sống sót khi bị kẹt trong một đám đông bắt đầu hỗn loạn vì một sự cố nào đó, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

- Bình tĩnh để xem xét thông tin về sự cố đang xảy ra (sự chính xác của thông tin, loại sự cố: cháy, nổ, sập công trình...)

- Trong những phút đầu tiên, tuyệt đối không chạy theo phần lớn đám đông. Khả năng bạn bị kẹt lại trong đám đông lớn hơn rất nhiều so với cơ hội thoát ra được khi có cùng lúc nhiều người chạy về một hướng.

- Quan sát xung quanh tìm những vị trí bạn đã định vị sẵn (như tòa nhà, công viên... hay cửa thoát hiểm gần nhất) và tìm cách di chuyển về hướng đã định vị.

- Quan sát xung quanh để tìm những nhân viên cứu hộ, cứu nạn hoặc những người tham gia sự kiện mà họ biết nhiều thông tin hơn bạn. Thông thường, trong đám đông hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau thì rất ít người chú ý xung quanh. Họ thường chỉ nhìn về hướng phía trước nơi họ sẽ chạy đến. Có rất nhiều người biết hướng thoát nạn tốt nhất nhưng không ai nghe họ trong những trường hợp như vậy. Cũng có khi những người này đang ở vị trí cao hơn bạn (trên cây, bờ tường…) và từ vị trí này họ quan sát tốt hơn và xa hơn. Hãy cố gắng nhìn họ và theo chỉ dẫn của họ.

- Hãy tìm cách liên lạc với người thân và yêu cầu cung cấp thêm thông tin nếu họ đang ở một vị trí khác.

- Lưu ý những hậu quả của sự cố trực tiếp (khói, khí độc từ vụ hỏa hoạn). Bạn hãy quan sát hướng bay lên của khói để xác định hướng đi cho mình.

Nếu bạn chắc chắn đang kẹt cứng trong một đám đông, bạn đừng cố gắng đi ngược lại dòng người. Điều này làm bạn mất sức và sẽ dễ bị tấn công bởi người khác và bạn sẽ bị ngã. Nếu bạn bị ngã trong một đám đông hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau thì khả năng tử vong rất lớn.

Tốt nhất bạn hãy di chuyển cùng dòng người, hãy để lực của người khác đưa bạn đi, bạn đừng cố gắng cắt ngang hoặc đi ngược lại. Di chuyển ngang cùng dòng người và quan sát xung quanh tìm cơ hội thoát hiểm.

Cuối cùng, bạn hãy ghi nhớ rằng: Chỉ có một cách duy nhất giúp bạn thoát khỏi thảm họa, đó là: Sự bình tĩnh. Hãy để sự bình tĩnh đưa bạn đến sự phán đoán và hành động chính xác nhất.

(Nguồn: Ngày Nay)

Sự phục hồi của du lịch khu vực Đông Á trong kỷ nguyên bình thường mới

PV |

Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á lần thứ 17 sẽ được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh từ ngày 25 - 27/10 với chủ đề “Sự phục hồi của du lịch khu vực Đông Á trong kỷ nguyên bình thường mới”.

Vụ giẫm đạp ở Seoul: Số người thiệt mạng sẽ còn tăng

PV |

Ít nhất 149 người đã thiệt mạng và 76 người khác bị thương trong một vụ giẫm đạp ở quận Itaewon của Seoul, khi đám đông tham gia tiệc tùng trong lễ kỷ niệm Halloween vào đêm muộn.

Giẫm đạp kinh hoàng trong lễ hội Halloween ở Seoul, ít nhất 59 người chết, 150 người bị thương

Chân Hưng |

Ít nhất 59 người đã thiệt mạng và 150 người khác bị thương trong vụ giẫm đạp sau khi một đám đông đổ vào một quận trung tâm của thủ đô Seoul của Hàn Quốc để tổ chức lễ hội Halloween vào tối thứ 29/10, một quan chức cứu hỏa cho biết.

3 lưu ý giúp ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe trong mùa đông

Trịnh Nguyên Cường |


Vào mùa đông, khả năng miễn dịch của cơ thể giảm, bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền dễ dàng hơn so với các mùa khác. Vì vậy, việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trong mùa đông là vô cùng cần thiết.