Trời nắng nóng, trẻ dễ mắc tiêu chảy, tiêu chảy có thể khiến trẻ mất nước, mất điện giải rất nguy hiểm.
Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, nắng nóng là một trong những nguyên nhân gây cho trẻ bị các bệnh lý về đường tiêu hoá như: Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy, dẫn tới suy dinh dưỡng… Nguyên nhân là do dụng cụ ăn uống (bát đũa, cốc nước, bình bú cho trẻ nhỏ…) không được vệ sinh sạch sẽ hoặc tay chân không được sạch.
Trẻ cũng có thể mắc các bệnh về đường tiêu hóa do một số nguyên nhân khác như: Cách thức bảo quản thực phẩm không đúng (cả trước hay sau khi chế biến), người lớn chủ quan để đồ ăn bên ngoài nhiệt độ thường làm cho chúng bị ôi thiu hoặc lên men; trời nóng, ẩm cũng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và ruồi nhặng gây bệnh và lây lan mầm bệnh nhanh chóng.
Khi hệ tiêu hoá của trẻ bị ảnh hưởng, hoạt động kém đi; nhất là với trẻ suy sinh dưỡng rất dễ bị tiêu chảy. Đặc biệt, tiêu chảy và suy dinh dưỡng tạo thành một vòng xoắn bệnh lý: Tiêu chảy dẫn đến bệnh suy dinh dưỡng và khi trẻ bị suy dinh dưỡng lại có nguy cơ cao bị tiêu chảy.
Theo BS Lê Ngọc Duy, trẻ bị tiêu chảy, nếu để lâu, kéo dài sẽ gây ra hiện tượng mất nước và điện giải liên tục. Vì vậy, ngay khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu của tiêu chảy và mất nước như môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, quấy khóc… cha mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Với những bé bị tiêu chảy mất nước ở mức độ nhẹ, gia đình có thể chăm sóc con tại nhà bằng cách:
Cha mẹ cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để đề phòng mất nước như: Oresol, nước cháo muối, nước cơm có muối, súp hoa quả hoặc súp gà, súp thịt, nước sạch. Cho khoảng 3g muối (nhúm bằng 3 ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa) khi pha một lít dung dịch để có một dung dịch hoặc súp không quá mặn. Có thể cho trẻ uống nước sạch, nước cơm (hoặc các loại ngũ cốc khác), nước dừa, nước hoa quả tươi không đường cũng là những thức uống phù hợp.
Cha mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ ăn đề phòng suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, cần tránh các loại rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc nhiều chất xơ vì khó tiêu hóa. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, cần cho trẻ bú nhiều hơn và lâu hơn sau mỗi lần bú. Nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dung dịch như đã đề cập ở trên.
Bác sĩ cũng chú ý, cha mẹ tuyệt đối tránh cho trẻ sử dụng các loại nước uống ngọt có đường, nước trà đường, nước trái cây sản xuất công nghiệp vì các dung dịch này có thể làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng thêm.
Trong trường hợp bù nước cho trẻ bằng dung dịch Oresol, cha mẹ cần chú ý pha dung dịch theo sự hướng dẫn của bác sĩ, cho bé uống từng ngụm nhỏ bằng chén hoặc thìa. Ngoài ra, tiếp tục cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ muốn.
Cha mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung kẽm sớm ngay khi bắt đầu bị tiêu chảy.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay khi con có một trong những biểu hiện: Đi ngoài nhiều lần phân lỏng (đi liên tục); nôn tái diễn; trẻ biểu hiện rất khát nước; trẻ ăn uống kém hoặc bỏ bú; trẻ không tiến triển sau 2 ngày điều trị tại nhà.
Để phòng các bệnh tiêu hóa cho trẻ trong ngày nắng nóng, bác sĩ lưu ý, cha mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước, đảm bảo “ăn chín, uống sôi”; nhất là nguồn thức ăn phải tươi, sạch, dụng cụ cho trẻ ăn uống phải sạch, bảo quản đồ ăn đúng cách.
Trong những ngày nắng nóng, ngoài việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ môi trường sống lành mạnh, cha mẹ cũng cần chú ý theo sát trẻ; khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được phát hiện và xử trí kịp thời.
(Nguồn: Ngày Nay)