Người dân cần tiêm đầy đủ các mũi vắc xin để được bảo vệ liên tục

Lâm Thanh |

Hiện nay tình hình COVID-19 cơ bản được kiểm soát khiến nhiều người chủ quan, không thực hiện việc tiêm vắc xin mũi 3 và mũi 4.

Tâm lý chủ quan này đặc biệt nguy hiểm khi các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi khó lường, nếu tình trạng này kéo dài có thể nhiều người sẽ mất đi cơ hội được bảo vệ liên tục. Để người dân hiểu cụ thể hơn những thông tin liên quan đến công tác tiêm chủng cũng như ý nghĩa của việc tiêm các mũi tăng cường lần 1, lần 2, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn ông LÊ ĐỨC DŨNG, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Quảng Trị.

-Thưa ông! Đề nghị ông cho biết công tác tiếp nhận và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 được thực hiện như thế nào?

- Từ đầu năm 2022 đến nay, Quảng Trị đã tiếp nhận 498.662 liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó có 102.040 liều Astrazeneca, 80.790 liều Moderna, 283.320 liều Pfizer, 31.500 liều VeroCell và 1.012 liều Sputnik Light. Ngay sau khi tiếp nhận vắc xin được phân bổ, Sở Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị triển khai tiêm chủng kịp thời và hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã sử dụng 435.640 liều (đạt 87,4%), còn 63.022 liều đang tiếp tục triển khai.

Quảng Trị là tỉnh có tỉ lệ tiêm chủng hoàn thành liều cơ bản cho đối tượng trên 18 tuổi và trẻ em 12 - 17 tuổi đạt cao, trên 96%. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi đã được hoàn thành đủ liều cơ bản và người trên 18 tuổi được tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 chưa cao. Cụ thể, tỉ lệ trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi đã được hoàn thành đủ liều cơ bản chỉ mới đạt 3,56%. Tỉ lệ người trên 18 tuổi được tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 mới đạt lần lượt là 69,87% và 1,78%. So với yêu cầu, tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng, chống COVID-19 trên địa bàn chậm. Việc tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng, chống COVID-19 trên địa bàn chậm có thể làm ảnh hưởng đến thành quả công tác phòng, chống dịch của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Vì vậy, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng, chống COVID-19 là điều rất cần thiết, giúp đảm bảo cơ bản hoàn thành mục tiêu theo yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra trong quý II năm 2022, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển KT - XH. Nhằm đẩy nhanh tiến độ và đạt tỉ lệ tiêm chủng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 23/6/2022 về việc phát động đợt cao điểm tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tiêm vắc xin mũi tăng cường cho học sinh -Ảnh: M.L
Tiêm vắc xin mũi tăng cường cho học sinh -Ảnh: M.L

- Hiện nhiều người dân băn khoăn là có thực sự cần thiết phải tiêm vắc xin ngừa COVID-19 bằng tăng cường mũi 3, mũi 4 không. Ông có thể giải thích để mọi người hiểu rõ hơn về tác dụng của việc tiêm các mũi tăng cường?

- Các chuyên gia nghiên cứu cho biết, lượng kháng thể từ việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 không duy trì lâu dài mà sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 tăng cường mũi 3, mũi 4 sẽ làm tăng hiệu lực bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2.

Theo tổng hợp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện tại có 7 nghiên cứu về hiệu quả mũi 4 vắc xin phòng COVID-19. Tất cả đều được tiến hành trong thời gian mà Omicron là biến thể lưu hành phổ biến trên toàn cầu. Mặc dù các nghiên cứu khác nhau về thiết kế và dân số được điều tra nhưng hầu hết đều đánh giá mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 là có hiệu quả.

Cụ thể, trong số 7 nghiên cứu điều tra việc sử dụng liều vắc xin mRNA COVID-19, có 2 nghiên cứu được thực hiện trên nhân viên y tế ở Israel. Kết quả của nghiên cứu thứ nhất cho thấy rằng vắc xin đã kích hoạt một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ (cả kháng thể IgG và kháng thể trung hòa) đều tăng gấp 9 hoặc 10 lần và vắc xin không gây ra tác dụng không mong muốn nào lớn cho đối tượng nghiên cứu. Nghiên cứu thứ hai đã khảo sát những trường hợp nhiễm COVID-19 sau tiêm vắc xin ở những nhân viên y tế được tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer-BioNTech và đưa ra so sánh với những người được tiêm mũi 4 vắc xin này. Kết quả cho thấy ở những người được tiêm mũi 4 đã giảm tỉ lệ mắc COVID-19 đáng kể so với người được tiêm mũi 3.

Trong số 5 nghiên cứu còn lại, tất cả đều được thực hiện ở những người trên 60 tuổi, không bao gồm những người đã nhiễm COVID-19 trước đó cho thấy mũi 4 vắc xin có hiệu quả. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỉ lệ mắc COVID-19 nặng một tháng sau mũi 4 thấp hơn 3,5 lần so với ở nhóm tiêm 3 liều. Nghiên cứu cuối cùng được thực hiện tại Canada cho thấy rằng với mỗi liều bổ sung, hiệu quả vắc xin tăng lên đối với bệnh nặng.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hoa Kỳ, hiệu quả bảo vệ của vắc xin trước nguy cơ phải cấp cứu hoặc điều trị khẩn cấp là 87% trong vòng 2 tháng sau khi tiêm mũi tăng cường (mũi vắc xin thứ 3) nhưng giảm xuống còn 66% trong tháng thứ 4. Hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ nhập viện là 91% trong 2 tháng đầu sau tiêm, nhưng giảm xuống 78% vào tháng thứ 4 sau khi tiêm.

Một số nước đã triển khai tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ 4 như Mỹ, Australia và một số quốc gia Châu Âu như Anh, Đức, Thụy Điển… Kết quả cho thấy việc tiêm mũi thứ 4 giúp duy trì khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng đối với những người lớn tuổi hoặc những người có nguy cơ cao. Bộ Y tế Isarel cũng thông tin, mũi vắc xin COVID-19 thứ 4 giúp ngăn ngừa khả năng lây nhiễm gấp 2 lần, khả năng mắc bệnh nặng gấp 3 lần so với những người tiêm 3 mũi vắc xin và số liệu thống kê cho thấy, tiêm mũi thứ 4 làm giảm số ca lây nhiễm từ 20% đến 30%.

- Bên cạnh đó, có một bộ phận người dân không tiếp tục tiêm vắc xin vì lo ngại tác dụng phụ, sợ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hiện tại cũng như lâu dài. Sự lo sợ này liệu có cơ sở không, thưa ông?

- Một số người có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn của vắc xin, là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể của bạn đang xây dựng hàng rào miễn dịch. Những tác dụng không mong như sốt, đau tại vị trí tiêm, sưng hạch, mệt mỏi… nhưng chúng sẽ biến mất sau vài ngày.

Những tác dụng không mong muốn có thể gây ra vấn đề sức khỏe lâu dài là cực kỳ hiếm gặp sau khi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào, kể cả tiêm chủng COVID-19. Nếu tác dụng không mong muốn xảy ra, chúng thường sẽ xảy ra trong vòng 6 tuần kể từ khi tiêm. Vì lý do này, trong quá trình thử nghiệm lâm sàng cũng như sau khi triển khai tiêm chủng trên người, Tổ chức Y tế thế giới đã thu thập dữ liệu về từng loại vắc xin ngừa COVID-19 được cho phép sử dụng trong tối thiểu hai tháng (8 tuần) sau liều cuối cùng.

Các chuyên gia hàng đầu về miễn dịch học nhìn chung đều loại trừ khả năng con người có thể gặp tác dụng không mong muốn nhiều năm sau do tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Bởi cơ thể con người thường phản ứng với vắc xin ngay sau khi tiêm hoặc chỉ trong vòng một vài tuần sau tiêm.

Theo các nhà miễn dịch học, việc vắc xin sau nhiều năm có tác dụng muộn hoặc lâu dài, như một số người lo ngại, là điều không thể xảy ra, do vắc xin bị phân hủy nhanh chóng trong cơ thể nên không thể gây ra bất kỳ phản ứng lâu dài nào. Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định, vắc xin phòng COVID-19 không liên quan đến đột biến gen, không liên quan đến khả năng sinh sản cũng như không ảnh hưởng đến trí nhớ của người được tiêm.

- Trong đợt tiêm vắc xin mũi 4 này, những đối tượng nào được tiêm, tiêm vắc xin gì và kế hoạch tiêm tại Quảng Trị ra sao?

-Ngày 23/6/2022, Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 3309/BYT-DP chỉ đạo về việc Hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID- 19 như sau:

Đối tượng: người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.

- Loại vắc xin: vắc xin mRNA (vắc xin Pfizer hoặc Moderna); vắc xin AstraZeneca; vắc xin cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lần 1). Khoảng cách ít nhất là 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1).

- Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: tiêm sau khi mắc COVID-19 3 tháng và đảm bảo khoảng cách ít nhất 4 tháng sau mũi 3.

Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng COVID-19 chính là chìa khóa quan trọng nhất trong phòng chống dịch và là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Do đó, mỗi người dân hãy tiêm vắc xin theo hướng dẫn của ngành y tế để bảo vệ bản thân và trách nhiệm với cộng đồng.

-Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Việt Nam chưa cần tiêm vaccine đậu mùa khỉ

Hầ My |

Nhiều quốc gia đang vật lộn với sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ, các quan chức y tế trên toàn thế giới đang gấp rút đánh giá nguồn dự trữ vaccine và phương pháp điều trị có thể cần thiết để ngăn chặn sự lây lan. Việt Nam có nên lo lắng?

Hơn 19 triệu người Việt đã nhận hộ chiếu vaccine COVID-19

Hiền Minh |

Hộ chiếu vaccine COVID-19 của người dân sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, ứng dụng PC-Covid.

Vaccine có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ đến 85%

Hà My |

Nhiều chuyên gia y tế thế giới nhận định vaccine vẫn hiệu quả đối với bệnh đậu mùa khỉ. Giới chức Mỹ khẩn trương mua vaccine trong bối cảnh các ca mắc virus gây bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp tiếp tục xuất hiện tại nước này và châu Âu.

Tại sao không cho trẻ 5-11 tuổi tiêm vaccine Covid-19 tập trung ở bệnh viện?

Thanh Mai |

Một số phụ huynh băn khoăn tại sao không tiêm tập trung tất cả trẻ ở bệnh viện để đảm bảo an toàn tối đa cho các con.